Chủ nhật 03/11/2024 04:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực phát triển đô thị ở Việt Nam

08:52 | 14/04/2021

(Xây dựng) - Ngày 13/4, tại Hà Nội, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC - Bộ Xây dựng) phối hợp với Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) tổ chức Hội thảo Khởi động dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam”.

tang cuong the che va nang cao nang luc phat trien do thi o viet nam
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội thảo.

Nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam và các thành phố trong việc tăng cường cơ chế quản lý và quy hoạch đô thị tích hợp, UN-Habitat phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thiện đề xuất dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam” (gọi tắt là dự án ISCB).

Theo Quyết định số 1951/QĐ-TTg ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương thực hiện dự án Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam do Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy sĩ (SECO) tài trợ thông qua UN-Habitat. Học viện AMC được Chính phủ Việt Nam, Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ làm chủ dự án, đơn vị đại diện cho đối tác Việt Nam trong triển khai dự án.

Mục tiêu chính của dự án là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, toàn diện hệ thống đô thị Việt Nam thông qua việc gắn kết vấn đề nâng cao năng lực với triển khai thí điểm thực tiễn của các địa phương; Đề xuất và đưa ra những kinh nghiệm quý báu trong việc hình thành các phương thức xây dựng và hoạch định chính sách từ Chính phủ tới địa phương; Góp phần nâng cao năng lực cho Học viện AMC.

UN-Habitat là đơn vị chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật và điều phối tổng thể việc triển khai dự án. Bộ Xây dựng đóng vai trò cơ quan chủ quản dự án. Học viện AMC đóng vai trò chủ dự án, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch Đầu tư) là các đơn vị đồng triển khai dự án.

tang cuong the che va nang cao nang luc phat trien do thi o viet nam
Đại diện các bên ký kết hợp tác triển khai dự án.

Học viện AMC sẽ triển khai các khóa đào tạo cho cán bộ chính quyền Trung ương cũng như địa phương. Các khóa đào tạo này sẽ bao gồm phương pháp tiếp cận, nội dung và cách thức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về đô thị, cũng như các thực tiễn, thành công về quy hoạch và quản lý đô thị.

Trọng tâm chính của khóa đào tạo là triển khai các chính sách một cách hiệu quả, tăng cường năng lực cho cán bộ và lãnh đạo địa phương, cung cấp cho họ công cụ xây dựng ưu tiên đầu tư chiến lược, cũng như xây dựng và triển khai các sáng kiến giải quyết những thách thức và cơ hội trong phát triển đô thị. Dự án sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và triển khai 03 dự án thí điểm ở các thành phố được lựa chọn.

Hiện các đô thị đã là động lực cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam khi đóng góp khoảng 70% tổng GDP. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa gia tăng cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề như: Bất bình đẳng thu nhập, phát triển phi chính thức, thiếu hụt hạ tầng và dịch vụ cơ bản, thiếu hụt nhà ở, các vấn đề về sức khỏe do ô nhiễm và đại dịch cũng như suy thoái môi trường…

tang cuong the che va nang cao nang luc phat trien do thi o viet nam
Toàn cảnh Hội thảo.

Theo các chuyên gia, các đô thị Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức lựa chọn hướng phát triển phù hợp, trong khi vẫn phải nỗ lực duy trì khả năng chống chịu cũng như đảm bảo tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững. Ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc cho rằng: “Việt Nam cần phải sẵn sàng đưa đô thị hóa bền vững trở thành công cụ để duy trì tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường bình đẳng giới và vượt qua các thách thức từ “bẫy thu nhập trung bình”.

Trong khi đó, ông Marcel Raymond - Trưởng Bộ phận Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam cho rằng: “Cần bắt đầu từ những thứ cơ bản, bao gồm xây dựng cầu nối về mặt hành chính, coi thành phố như một hệ thống, không phải một đơn vị nhỏ lẻ cung cấp các dịch vụ hoặc quản lý một hạ tầng cụ thể, từ đó, thúc đẩy quy hoạch đa ngành, tăng cường liên kết và hợp tác giữa các cấp, các ngành trong bộ máy chính quyền tại Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhận định: “Dự án Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam được triển khai với các mục tiêu chính thúc đẩy tăng trưởng bền vững, toàn diện hệ thống đô thị Việt Nam; tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý cấp Trung ương, địa phương; hỗ trợ việc xây dựng, thực hiện các chính sách đô thị.

Với thực trạng phát triển đô thị Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng rằng, dự án sẽ đem đến nhiều ý tưởng và giải pháp mới, phù hợp với thực tiễn xây dựng thể chế về phát triển đô thị tại Việt Nam. Các bên tham gia sẽ được tăng cường năng lực một cách tối đa, nâng cao khả năng tham mưu cũng như những đóng góp cho sự phát triển của Ngành nói riêng và Việt Nam nói chung”.

“Tôi tin tưởng rằng, với uy tín và kinh nghiệm triển khai của nhà tài trợ SECO, UN-Habitat, cùng các bên tham gia dự án phía Việt Nam, dự án được triển khai một cách thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất. Dự án sẽ mang lại những lợi ích góp phần phát triển đô thị bền vững hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.

Cũng tại Hội thảo, các bên tham gia đã ký kết hợp tác triển khai dự án.

Hạ Ly - Ảnh: Trần Đình Hà

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load