(Xây dựng) – Đó là chủ đề của Hội thảo tham vấn do Bộ Xây dựng và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức ngày 7/11 tại Hà Nội. Đây là hoạt động hợp tác giữa Bộ Xây dựng với Ngân hàng phát triển Châu Á nhằm triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật số TA9600 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB): Hỗ trợ nâng cao năng lực, lập kế hoạch đầu tư và phát triển ngành Năng lượng Đông Nam Á.
Bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết: Chiếu sáng đô thị là một thành phần, cấu thành không thể thiếu trong hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường trật tự an ninh đô thị, làm đẹp cảnh quan môi trường, tăng tính thẩm mỹ cho đô thị.
Trong khoảng trên 10 năm qua, chiếu sáng nói chung và chiếu sáng các đô thị ở Việt Nam nói riêng đã có những bước phát triển lớn. Việc chiếu sáng không những bảo đảm được yêu cầu về công năng chiếu sáng mà còn ngày càng bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm năng lượng. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2009/NĐ-CP về quản lý chiếu sáng đô thị, Quyết định số 1874/QĐ-TTg về Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 và các thông tư hướng dẫn cùng với hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức đơn giá xây dựng, duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị.
Để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện việc rà soát, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách làm công cụ để thực hiện quản lý Nhà nước lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, chiếu sáng thông minh và hiệu quả.
Ngày 12/11/2020, Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 1455/QĐ-BXD phê duyệt Văn kiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật Tăng cường quản lý chiếu sáng đô thị thông minh và hiệu quả tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh tại Việt Nam; Nâng cao năng lực và nâng cao nhận thức của cơ quan Trung ương và địa phương về chiếu sáng đô thị sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh; Phát triển hình thức đầu tư và hướng dẫn hỗ trợ các địa phương áp dụng các hình thức đầu tư hệ thống chiếu sáng thông minh và tiết kiệm năng lượng thông minh hiệu quả.
Qua một thời gian thực hiện, đến nay dự án cơ bản đã hoàn thành giai đoạn đoạn 1 và thu nhận một số kết quả nhất định. Cục Hạ tầng kỹ thuật là cơ quan được Bộ Xây dựng giao chủ trì thực hiện dự án phối hợp với ADB tổ chức Hội thảo tham vấn “Tăng cường quản lý chiếu sáng đô thị thông minh và hiệu quả tại Việt Nam”.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm giới thiệu tình hình quản lý chiếu sáng đô thị tại Việt Nam; Các đề xuất về xây dựng chính sách; Rà soát tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Giải pháp tiết kiệm năng lượng và cơ hội đầu tư; Phương pháp tiếp cận tài trợ khí hậu, phương thức đầu tư, hướng tới quản lý thông minh và hiệu quả.
Quang cảnh hội thảo. |
Hội thảo sẽ được nghe các chuyên gia tư vấn của dự án trình bày các phương thức đầu tư để thực hiện dự án SELP ở Việt Nam và các cơ hội đầu tư từ khu vực công và tư nhân; Các nghiên cứu kiểm toán năng lượng, phạm vi đầu tư, các tác động và các thông lệ quốc tế tốt nhất; Hiện đại hóa chiếu sáng công cộng và xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài chính khí hậu; Giải pháp chiếu sáng thông minh - Tiết kiệm năng lượng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đề cập đến việc đề xuất xây dựng chính sách hướng tới quản lý thông minh và hiệu quả. Kết quả của Hội thảo sẽ giúp ích rất nhiều cho các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Bà Huynjung Lee - Chuyên gia kinh tế năng lượng cao cấp, Ban năng lượng Đông Nam Á - ADB đánh giá, chiếu sáng công cộng có ảnh hưởng lớn tuy nhiên công nghệ vẫn còn truyền thống. Để có thể thúc đẩy quá trình phát triển bền vững, các thành phố và các tỉnh có thể xây dựng thành phố thông minh, giảm hóa đơn điện. Trong vòng 3 năm qua, ADB đã cùng Bộ Xây dựng hợp tác cho 6 tỉnh tham gia dự án. Các nghiên cứu cho thấy 160 triệu cơ hội đầu tư để tham gia giảm rác thải, tiết kiệm năng lượng ở các thành phố này. Ngoài ra, chúng tôi đã phát hiện một số quy chuẩn có thể thay đổi, tuy nhiên cần sự tham gia của chính quyền các địa phương.
ADB cam kết cùng Bộ Xây dựng thực hiện các dự án này để hỗ trợ quá trình phát triển chiếu sáng đô thị. ADB cũng cảm ơn sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan liên quan của Việt Nam và các quốc gia đã hỗ trợ để dự án thành công.
Tại Hội thảo, ông Đỗ Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết: Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành một số Nghị định về quản lý đô thị trong đó có công tác quản lý chiếu sáng đô thị. Trước đây, các nội dung quản lý chiếu sáng đô thị ít được quan tâm.
Nghị định số 79/2009/NĐ-CP về quản lý chiếu sáng đô thị được Chính phủ ban hành năm 2009, Quyết định số 1874/QĐ-TTg phê duyệt định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2010, đến nay đã được trên 10 năm, hiện nay đã có nhiều thay đổi từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, về các doanh nghiệp quản lý vận hành khai thác hệ thống chiếu sáng đô thị, về sự thay đổi của công nghệ chiếu sáng; về những yêu cầu mới đáp ứng đô thị thông minh và trên hết là đòi hỏi việc hoàn thiện hơn nữa hệ thống chiếu sáng đô thị tương đồng với sự phát triển kinh tế - xã hội đô thị.
So với thời điểm năm 2010 thì hầu hết hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu... đã có sự thay đổi và ban hành mới như Luật Xây dựng 2014, Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, Luật Đấu thầu 2013..., chỉ có Luật Quy hoạch đô thị 2009 là còn đang có hiệu lực. Các Luật trên cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn đã có tác động lớn đến công tác quản lý lĩnh vực chiếu sáng đô thị.
Các thiết bị chiếu sáng không chỉ ngày càng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng mà đến nay hệ thống chiếu sáng còn được tích hợp các công năng khác phục vụ cho các hoạt động của đô thị, tham gia vào sự phát triển của đô thị thông minh. Hiện nay trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng xây dựng đô thị thông minh dựa trên nền tảng internet kết nối vạn vật thì chiếu sáng thông minh là một thành tố quan trọng trong đô thị thông minh. Đô thị thông minh mà trong đó có chiếu sáng thông minh hiện đang là một trào lưu và là một trong các nhiệm vụ được đặt ra đối với quá trình phát triển đô thị nước ta.
Hiện nay, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 chưa đưa lĩnh vực chiếu sáng đô thị vào trong danh mục, do vậy không có cơ sở để thực hiện hình thức này (Theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên thì dịch vụ chiếu sáng đô thị là dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện đấu thầu hoặc đặt hàng).
Cục Hạ tầng kỹ thuật đề xuất sửa đổi Nghị định số 79/2009/NĐ-CP về Quản lý chiếu sáng đô thị, trong đó bổ sung một số nội dung về chiếu sáng thông minh, các chính sách ưu đãi, khuyến khích chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng; bổ sung lại quy định hướng dẫn hợp đồng đồng quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị.
Nghiên cứu quy định về lựa chọn đơn vị quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị tiến tới thị trường hóa dịch vụ chiếu sáng đô thị, đáp ứng tình hình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước hiện thực hiện công tác quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị theo chủ trương của Chính phủ tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 – 2025.
Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức đơn giá cần được cập nhật, bổ sung các công nghệ chiếu sáng mới. Điều chỉnh Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam, trong đó điều chỉnh mục tiêu, rà soát điều chỉnh các chỉ tiêu hiện đang quy định và bổ sung các chỉ tiêu về chiếu sáng thông minh và hiệu quả.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã trình bày tham luận về Hiện đại hóa chiếu sáng công cộng và xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài chính khí hậu; Các giải pháp chiếu sáng thông minh - tiết kiệm năng lượng; các nghiên cứu kiểm toán năng lượng, phạm vi đầu tư, các tác động và thông lệ quốc tế tốt nhất. Ngoài ra, các bài tham luận về phương thức đầu tư để thực hiện SELP ở Việt Nam (hỗ trợ phát triển chính thức ODA), cho vay trực tiếp không bảo lãnh Chính phủ, hợp tác công tư và các cơ hội đầu tư từ khu vực công tư.
Lê Mỹ
Theo