Chủ nhật 03/11/2024 04:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Tăng cường quản lý chất lượng nước thải khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình

07:44 | 29/08/2023

(Xây dựng) – Hồ Hòa Bình thuộc tỉnh Hòa Bình không chỉ là Khu du lịch cấp quốc gia mà còn là hồ chứa nước cung cấp cho công trình thủy điện Hòa Bình. Song song với việc đẩy mạnh khai thác tiềm năng phát triển kinh tế du lịch, việc bảo vệ chất lượng nguồn nước cũng là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt là trong thời điểm hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đã và đang triển khai thực hiện trong khu vực lòng hồ.

Tăng cường quản lý chất lượng nước thải khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình
Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình được phân thành 6 phân khu và 4 khu vực phát triển du lịch tập trung.

Hồ Hòa Bình là khu du lịch cấp quốc gia trọng điểm của vùng trung du miền núi phía Bắc, có sản phẩm du lịch đặc trưng, văn hóa các dân tộc và hệ sinh thái hồ Hòa Bình với các loại hình du lịch đa dạng. Đây là vùng sinh thái, đảm trách những chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng (Thủy điện Hòa Bình, hồ Hòa Bình, cấp điện, cấp nước, điều tiết lũ, bảo vệ nguồn nước...), là vùng trọng điểm phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Hòa Bình.

Theo Sở Xây dựng Hoà Bình: Hiện nay, tại khu vực lòng hồ Hòa Bình có 2 dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ đưỡng đã triển khai là Dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson tại đảo Sung, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc do Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình thực hiện và Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa thuộc xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc do Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Xây dựng Thương mại Hoàng Sơn làm chủ đầu tư. Hai dự án này đã được cấp phép xây dựng, có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo tiêu chuẩn. Ngoài ra còn hàng loạt dự án vẫn chưa có chủ trương đầu tư do còn chờ quy hoạch phân khu của tỉnh.

Để công tác quản lý nước thải khu vực lòng hồ Hòa Bình được triển khai đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Sở Xây dựng xác định phải làm chặt chẽ ngay từ khâu quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ từ các thủ tục đầu tiên. Khi lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các đồ án thì cần xác định rõ cách quản lý nước thải trong hồ nước. Khi xử lý đã đạt chuẩn rồi vẫn không được thải ra hồ, cần phải lưu trữ trong hồ để tái sử dụng, phục vụ các mục đích khác như: Tưới cây, rửa đường, dự phòng cứu hỏa…

Quy định về thoát nước thải

Quyết định số 2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quy định quản lý theo Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035 đã quy định cụ thể: Các khu dân cư hiện có đã có hệ thống thoát nước chung sẽ xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng (sử dụng cống bao, giếng tách nước thải đưa về các trạm xử lý); các khu vực xây mới sẽ xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng. Khu vực có địa hình dốc và không gian bị chia cắt nên chọn phương án xử lý phân tán cho từng cụm dân cư và khu chức năng.

Sơ đồ quản lý chung hệ thống thoát nước thải: Bể tự hoại - cống thoát nước - trạm bơm – trạm xử lý nước thải - hồ sinh học kiểm soát ô nhiễm. Bên cạnh đó, các hành vi thải nước sinh hoạt và nước thải du lịch xả trực tiếp ra hồ bị nghiêm cấm.

Kiểm soát nước thải bằng việc đắp đập, xây dựng hồ dự phòng sự cố và có thiết bị quan trắc thường xuyên đối với các trạm xử lý thuộc vùng bảo vệ nguồn nước trong khu vực cấp I (bán kính 300m từ mép hồ). Nghiêm cấm việc xả nước thải sau xử lý ra hồ Hòa Bình. Nước trong hồ sau xử lý đạt tiêu chuẩn có thể sử dụng phục vụ mục đích tưới cây, rửa đường, dự phòng cứu hỏa, tạo cảnh quan... giảm áp lực cung cấp nước sạch cho khu vực.

Chất lượng nước thải sinh hoạt sau khi xử lý phải đạt các tiêu chuẩn Việt Nam: QCVN 08:2008 “Chất lượng nước - Tiêu chuẩn chất lượng nước mặt”; TCVN 7222:2002 “Yêu cầu chung về môi trường, các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; và chất lượng nước thải sinh hoạt sau khi xử lý phải có giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm đạt cột A trong bảng 1 QCVN:14:2008/BTNMT.

Quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn (CTR)

Thu gom 100% chất thải rắn phát sinh, tiến hành phân loại CTR tại nguồn thành chất thải vô cơ và hữu cơ. CTR vô cơ được giảm thiểu bằng cách tái chế, tái sử dụng, phần còn lại được vận chuyển về khu xử lý. CTR hữu cơ được hướng dẫn và hỗ trợ để người dân ủ bằng men vi sinh tại hộ gia đình hoặc thu gom vận chuyển về khu xử lý tập trung của huyện.

Thực hiện quản lý theo quy định về khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường (ATVSMT) theo Quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng, về các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Quy định khoảng cách ATVSMT của cơ sở xử lý chất thải rắn.

Bãi chôn lấp chất thải rắn hỗn hợp (vô cơ, hữu cơ) hợp vệ sinh, phải có khoảng cách ATVSMT nhỏ nhất giữa hàng rào bãi chôn lấp chất thải rắn đến chân các công trình xây dựng khác > 1.000m; chất thải rắn hạn chế chôn lấp, phân loại để tái chế, tái sử dụng và ủ phân vi sinh nhưng cần kiểm soát an toàn vệ sinh môi trường; bãi chôn lấp chất thải rắn vô cơ phải có khoảng cách ATVSMT nhỏ nhất giữa hàng rào bãi chôn lấp đến chân các công trình xây dựng khác >100m.

Nhà máy xử lý chất thải rắn (đốt có xử lý khí thải, sản xuất phân hữu cơ) phải có khoảng cách ATVSMT nhỏ nhất giữa hàng rào bãi chôn lấp chất thải rắn đến chân các công trình xây dựng khác >500m.

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn phải có khoảng cách ATVSMT nhỏ nhất giữa hàng rào bãi chôn lấp chất thải rắn đến chân các công trình xây dựng khác >1.000m; chiều rộng của dải cây xanh cách ly ngoài hàng rào >20m, tính từ hàng rào cơ sở xử lý chất thải rắn.

Khoảng cách ATVSMT của trạm trung chuyển chất thải rắn >20m; trong vùng ATVSMT của cơ sở xử lý chất thải rắn, có thể thực hiện các hoạt động lâm nghiệp, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, tuyến và trạm điện, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.

Trong phạm vi 300m từ mép hồ thuộc vành đai bảo vệ cấp I nghiêm cấm các hoạt động xả chất thải chăn nuôi, chăn thả gia súc, gia cầm, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất độc, phân hữu cơ và phản khoáng để bón cây.

Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình được phân thành 6 phân khu và 4 khu vực phát triển du lịch tập trung. Trong đó, Khu vực phát triển du lịch tập trung Hòa Bình - Thái Bình (thuộc phân khu 1), tương ứng với phân khu Thái Thịnh và phân khu Thái Bình trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khu vực phát triển du lịch tập trung Hiền Lương - Bình Thanh, Vầy Nưa (thuộc phân khu 2), tương ứng với phân khu Hiền Lương và phân khu Bình Thanh, Vầy Nưa trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khu vực phát triển du lịch tập trung Đảo Sung - Ngòi Hoa (Suối Hoa) - Thung Nai (thuộc phân khu 4), tương ứng với phân khu Đảo Sung, phân khu Ngòi Hoa và phân khu Thung Nai trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và khu vực phát triển du lịch tập trung ven cảng Phúc Sạn (thuộc phân khu 5).

Mai Thu – Mạnh Vũ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load