Thứ bảy 27/04/2024 06:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tăng cường giải quyết ùn tắc giao thông tại các điểm trường học trên địa bàn Thủ đô

15:32 | 27/04/2021

(Xây dựng) - Ùn tắc tại các điểm trường học luôn là vấn đề nóng, xảy ra thường xuyên trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Việc ùn tắc này đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến các em học sinh và cả những người đang tham gia giao thông.

tang cuong giai quyet un tac giao thong tai cac diem truong hoc tren dia ban thu do
Tình trạng ùn tắc tại các điểm trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội gây mất an toàn giao thông.

Vào khung giờ 17h - 17h30 hàng ngày tại ngõ 298 Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) luôn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Học sinh tại 2 điểm trường đối diện nhau là trường THPT Nguyễn Gia Thiều và trường THCS Ái Mộ cùng tan học vào một thời điểm.

Theo quan sát của phóng viên, rất nhiều phụ huynh đến đón con nhưng đỗ xe máy tùy tiện 2 bên đường. Trên vỉa hè, xe ô tô để chật kín mà không có khoảng trống để các em học sinh di chuyển khiến các em phải đi xuống dưới lòng đường. Mặt khác, vào thời điểm này, ô tô vẫn tiếp tục đi vào ngõ khiến việc ùn tắc lại càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Anh Thanh Tùng (quận Long Biên) thường đến đón con vào các buổi chiều. Anh bày tỏ: “Trên vỉa hè đâu còn chỗ để xe, phụ huynh như tôi chỉ còn biết đỗ dưới lòng đường. Tôi luôn cố gắng đỗ xe gọn nhất có thể để không ảnh hưởng đến những người khác đang lưu thông. Khi nào thấy con thì gọi rồi chở con đi ngay”.

Chị Thu Hoài (quận Long Biên) bức xúc: “Cứ vào lúc nào tan tầm là ô tô lại đi vào những con ngõ nhỏ, đặc biệt là ngõ có trường học. Có lần tôi đi làm về qua ngõ, có 1 - 2 ô tô đứng ngay trước cổng trường đúng giờ tan học, không thể di chuyển vì đúng lúc một lượng lớn các cháu ra khỏi cổng. Điều này vừa gây ra ùn tắc cả 1 đoạn đường dài, làm mất thời gian của mọi người vừa gây nguy hiểm cho các cháu học sinh”.

Không chỉ có những điểm trường trong ngõ mà cả những điểm trường ở ngoài mặt đường cũng có nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Tiêu biểu như trường hợp tại trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm). Đây là điểm trường nằm ngay dưới chân cầu Chương Dương, trên mặt đường Trần Quang Khải với mật độ giao thông đông đúc. Vào thời điểm các em học sinh tan học, phụ huynh đi xe ô tô, xe máy đứng tràn lan khắp dưới lòng đường, gây tắc nghẽn không chỉ dưới đường mà còn ở trên cầu, khiến lưu lượng xe đi xuống từ cầu Chương Dương khó khăn. Trước đó, đã có một số giải pháp như phân luồng xe nhưng chỉ sau một thời gian, việc ùn tắc vẫn đâu vào đó mà không thể giải quyết triệt để.

Nguyên nhân chủ yếu tắc giao thông tại các điểm trường học là do hạ tầng giao thông khu vực cổng trường chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế và ý thức của phụ huynh, người tham gia giao thông khác chưa được tốt. Hầu hết các trường đều không có khoảng sân tại cổng trường đủ rộng, trong khi các em học sinh lại cùng đồng loạt tan học, số lượng học sinh ra khỏi cổng trường là rất lớn. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến các em học sinh, người đang lưu thông trên đường mà còn ảnh hưởng đến trật tự đô thị, gây ra tình trạng lộn xộn mất an toàn. Trong khi đó, lực lượng chức năng lại chưa thể duy trì việc phân luồng, điều tiết giao thông thường xuyên.

Trước thực trạng này, chính quyền cùng cơ quan chức năng cần xây dựng các biện pháp có hiệu quả hơn. Đồng thời, phải có sự cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, nhà trường, phụ huynh học sinh và cả những người tham gia giao thông khác.

Theo đó, cần cải thiện hạ tầng giao thông, tăng cường mở rộng các tuyến đường, tuyến phố, bố trí không gian bên trong và bên ngoài hợp lý để phụ huynh học sinh tới đón con. Đối với những phụ huynh đi ô tô cần thực hiện nghiêm túc việc đỗ xe ô tô ở khoảng cách nhất định, tránh đỗ ngay trước cổng trường. Hai bên vỉa hè cần được thông thoáng để các em học sinh có khoảng trống để di chuyển ra khỏi cổng trường. Đồng thời, cần hạn chế phương tiện giao thông lớn như xe ô tô đi vào những đoạn đường ngõ nhỏ có các điểm trường học, bố trí biển báo quy định cụ thể thời gian nào thì xe ô tô được phép và không được lưu thông để tránh ùn tắc cục bộ.

Mặt khác, các cơ quan chức năng, các cơ quan thiết kế giao thông đô thị có thể bố trí các khu vực điểm đỗ, dừng đón học sinh các tuyến đường lân cận, xây dựng những mô hình hiệu quả để giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các điểm trường học. Tiêu biểu như mô hình “Cổng trường an toàn - văn minh” đang được triển khai ở trường Tiểu học Dịch Vọng B, trường Tiểu học và THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).

Cụ thể, buổi sáng và chiều tối hàng ngày, lực lượng tự quản chia làm 2 tổ công tác luân phiên thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng tự quản được phân công ứng trực tổ chức phân luồng giao thông, hướng dẫn, sắp xếp phương tiện cho phụ huynh học sinh, phối hợp với bảo vệ nhà trường bảo đảm an ninh trật tự khu vực cổng trường. Mô hình này đã và đang đem đến những chuyển biến tích cực, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo phụ huynh, học sinh và người dân trong khu vực.

Do đó, cần tiếp tục nhân rộng những mô hình như mô hình “Cổng trường an toàn - văn minh” để giúp ổn định giao thông, giảm thiểu ùn tắc và xóa các điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông. Đây cũng là điều kiện để tuyên truyền, nâng cao ý thức cho các em học sinh và phụ huynh về ý thức tuân thủ quy định khi tham gia giao thông, góp phần xây dựng nhà trường thân thiện, an toàn và xây dựng văn hóa giao thông.

Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load