Thứ tư 08/05/2024 01:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tân Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và những kỳ vọng đưa du lịch tỉnh phát triển top đầu

22:12 | 09/12/2020

(Xây dựng) – Bắc Giang - vùng đất Kinh Bắc cổ xưa với bề dày lịch sử văn hoá. Ngoài hệ thống di tích lịch sử lâu đời, Bắc Giang còn có vị trí, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch; các sản phẩm Golf – du lịch, du lịch sinh thái… Trên cương vị tân Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương đã có những chia sẻ với Báo điện tử Xây dựng về thế mạnh, cơ hội cũng như chiến lược thu hút đầu tư, đưa Bắc Giang trở thành địa phương phát triển top đầu về du lịch, hạ tầng du lịch.

tan chu tich ubnd tinh bac giang va nhung ky vong dua du lich tinh phat trien top dau
Tân Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương.

PV: Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về thế mạnh, tiềm năng phát triển của du lịch Bắc Giang?

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương: Tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của Bắc Giang có rất nhiều, tôi xin được khái quát như sau:

Về lịch sử, văn hóa, Bắc Giang thuộc vùng đất Kinh Bắc cổ, vì thế văn hóa, con người Bắc Giang luôn có những nét đẹp riêng, độc đáo mà đến nay còn gìn giữ được. Với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa đồ sộ, phong phú, gồm trên 2.100 di tích các loại từ thời Lý, Trần đến nay như hệ thống đình, chùa, đền, từ đường, lăng mộ cổ, điển hình là chùa Vĩnh Nghiêm cùng hệ thống di tích dọc theo con đường Hoằng dương Phật pháp của các Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, chùa Bổ Đà; những địa điểm ghi dấu lịch sử tiêu biểu chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta như: Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng thành Xương Giang (Chống giặc Minh thế kỷ thứ XV), Di tích lịch sử Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế (Chống giặc Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX), An toàn khu Hiệp Hòa (ATK II – của Cách mạng Việt Nam trước năm 1945).

Trong đó, có 5 di tích quốc gia đặc biệt, trên 100 di tích quốc gia, trên 600 di tích cấp tỉnh. Cùng với Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, trên địa bàn tỉnh còn có Quan họ, Ca trù, Văn hóa thờ Mẫu, thực hành Then của người Thái, Tày, Nùng được UNESCO vinh danh. Hiện Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và các văn hóa phi vật thể trên được các cấp chính quyền và nhân dân quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị. Đây là tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch tìm hiểu lịch sử, văn hóa, du lịch tâm linh.

Về điều kiện tự nhiên, Bắc Giang là tỉnh có diện tích rộng lớn, trên 3.800km2, có đồng bằng, trung du, miền núi; trên địa bàn tỉnh có 3 con sông lớn nổi tiếng đã đi vào lịch sử và thi ca dân tộc là: Sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam (tên cổ là: Sông Nhật Đức, sông Nguyệt Đức và sông Minh Đức).

Hiện Bắc Giang có khu bảo tồn thiên nhiên Yên tử trên 15.000ha rừng nguyên sinh, cùng với hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, hồ Khe Chão, suối Mỡ, Khe Rỗ và nhiều thác nước được bảo vệ nguyên trạng, vì vậy cảnh quan thiên nhiên của Bắc Giang vô cùng đẹp, hệ thống động thực vật vô cùng phong phú, rất phù hợp để phát triển du lịch khám phá, sinh thái, trải nghiệm.

Về nông nghiệp, nông thôn, Bắc Giang hiện là vùng cây ăn quả lớn của cả nước, đặc biệt tập trung ở huyện Lục Ngạn, hoa trái bốn mùa, quanh năm; tiêu biểu là vải thiều và cam bưởi. Từ năm 2016 đến nay, Lễ hội cam, bưởi và các sản phẩm nông nghiệp của huyện Lục Ngạn được tổ chức thường niên, thu hút rất đông du khách.

Ngoài ra, có làng cổ Thổ Hà, làng mây tre đan Tăng Tiến ở huyện Việt Yên, rất thích hợp cho du khách nước ngoài muốn tìm hiểu về nông thôn Việt Nam.

Đặc biệt, Bắc Giang còn gây nhiều ấn tượng với đặc sản quê hương như: Chè kho Mỹ Độ, bún Đa Mai, mỳ Chũ, nem Thổ Hà, bánh đa Kế, rượu Làng Vân, cua da Yên Dũng… ai đã thưởng thức một lần cũng khó có thể quên.

Cùng với đó là vị trí địa lý và hạ tầng giao thông. Bắc Giang giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh và Thủ đô Hà Nội, vì vậy có thể nói, Bắc Giang là trung tâm của vùng Đông Bắc kết nối với Thủ đô Hà Nội. Trong mấy năm trở lại đây, tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh xung quanh, đồng thời phát triển hệ thống giao thông nội tỉnh, trong đó quan tâm phát triển giao thông tới các khu, điểm du lịch.

PV: Dự án Tây Yên Tử có thể coi là một trong những công trình làm thay đổi ngành Du lịch Bắc Giang. Xin ông cho biết, hiệu quả đầu tư xây dựng dự án này?

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương: Đúng vậy, Dự án khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử là một trong những công trình làm thay đổi ngành Du lịch tỉnh Bắc Giang hiện nay. Năm 2019, khi Dự án mới hoàn thành giai đoạn 1 đã thu hút được hàng trăm nghìn du khách đến tham quan, chiêm bái, góp phần tăng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt trên 2 triệu lượt, tăng 25% so với năm 2018; chỉ 7 ngày đầu Xuân Canh Tý – 2020 (trước khi có dịch Covid-19), Dự án đã thu hút được trên 30.000 du khách đến thăm.

Hiện Dự án đang trong quá trình tiếp tục đầu tư xây dựng, đồng thời tỉnh Bắc Giang cũng đang phối hợp cùng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương lập hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương)” để đề nghị UNESCO vinh danh vào năm 2023. Cùng với đó, tỉnh cũng đang quan tâm khôi phục lại hệ thống di tích dọc theo con đường Hoằng dương Phật pháp của các Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử từ chùa Vĩnh Ngiêm đến chùa Đồng Yên Tử; khi hoàn thành chắc chắn Dự án khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử sẽ phát huy hiệu quả.

PV: Bắc Giang còn có một số điểm du lịch sinh thái đặc trưng như suối Mỡ, suối Nước Vàng, hồ Cấm Sơn… Đây được ví như “những nàng công chúa ngủ quên”, cơ bản còn hoang sơ. Bắc Giang đã có những giải pháp gì để đánh thức tiềm năng cũng như mời gọi đầu tư cho những dự án này?

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương: Trước khi mời gọi được nhà đầu tư thì tỉnh phải tăng cường bảo vệ, giữ cảnh quan thiên nhiên tại các khu vực trên. Chúng tôi xác định suối Mỡ, suối Nước Vàng, hồ Cấm Sơn… là báu vật của thiên nhiên ban tặng cho Bắc Giang, vì vậy nếu cảnh quan thiên nhiên nơi đây không được giữ gìn, bảo vệ thì sẽ không thể phát triển du lịch được.

Tiếp đó, chúng tôi phải nghiên cứu để định hướng, đưa ra những tiêu chí nhằm phát triển du lịch sinh thái bền vững; lựa chọn nhà đầu tư có tâm, có tầm, đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch gắn với giữ gìn và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái.

Đồng thời, tỉnh cam kết hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở giao thông, điện, nước, viễn thông và các chính sách ưu đãi khác, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.

PV: Được biết, quy hoạch chung của tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 sẽ có khoảng 10 - 11 dự án sân Golf. Đây liệu có phải là chiến lược phát triển du lịch - du lịch Golf của tỉnh hay không? Xin ông có những chia sẻ cụ thể về nội dung này?

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương: Hiện nay, kinh tế của nước ta tăng trưởng rất nhanh, Bắc Giang là một tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc top dẫn đầu cả nước, vì vậy nước ta có tỷ lệ người giàu, có điều kiện chơi Golf tăng lên hàng ngày. Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn thu hút đầu tư, hiện tại và trong tương lai Bắc Giang là một trong những địa phương được rất nhiều các nhà đầu tư quan tâm. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 10.000 doanh nghiệp, trong đó có hàng trăm doanh nghiệp FDI, với hàng chục nghìn doanh nhân. Một số tỉnh lân cận cũng có số lượng doanh nghiệp, doanh nhân rất lớn nhưng không có điều kiện để xây dựng sân golf. Vì vậy, đây không chỉ là một trong những chiến lược phát triển du lịch Golf mà còn là mục tiêu phục vụ và giữ chân doanh nghiệp, đồng thời cũng là một tiêu chí hấp dẫn nhà đầu tư.

PV: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra nhiều mục tiêu quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, một phần trong đó có hạ tầng du lịch. Vậy Bắc Giang đã có những kế hoạch cụ thể gì nhằm đảm bảo đạt mục tiêu đề ra?

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương: Chúng tôi đã triển khai rất nhiều kế hoạch, đề án đề phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có phát triển hạ tầng du lịch. Cụ thể, tỉnh quan tâm phát triển hệ thống giao thông đường bộ trong tỉnh và kết nối với các tỉnh lân cận; triển khai Đề án lắp đặt camera công cộng và tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số; các hạ tầng điện, nước, viễn thông được quan tâm đầu tư.

tan chu tich ubnd tinh bac giang va nhung ky vong dua du lich tinh phat trien top dau
Thiên nhiên Bắc Giang mê hoặc lòng người với vẻ đẹp thuần tuý, hoang sơ (Ảnh: TL).

PV: Xin ông cho biết, chiến lược, giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang trong những năm tới? Bắc Giang sẽ làm gì để thu hút đầu tư về du lịch?

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương: Để phát triển du lịch trong thời gian tới chúng tôi cần phải thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà ông cha để lại; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái.

Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch chất lượng, đồng bộ; Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến đầu tư, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh.

Thêm vào đó là xây dựng các sản phẩm du lịch thế mạnh, đặc trưng như: Du lịch tâm linh, lịch sử - văn hóa, sinh thái – nghỉ dưỡng, khám phá – trải nghiệm, du lịch thể thao…

Triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp liên kết phát triển du lịch của Bắc Giang với các tỉnh vùng Đông Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là chương trình phối hợp liên kết phát triển du lịch của Bắc Giang Thành phố Hà Nội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kim Thoa (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load