Thứ bảy 27/04/2024 03:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tam Đảo (Vĩnh Phúc): Phấn đấu trở thành thị xã vào năm 2025

15:11 | 27/08/2020

(Xây dựng) - 5 năm qua, bức tranh kinh tế huyện Tam Đảo có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Với mục tiêu trở thành thị xã vào năm 2025, huyện Tam Đảo đã và đang đẩy mạnh các giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV và đảm bảo công tác quy hoạch đô thị.

tam dao vinh phuc phan dau tro thanh thi xa vao nam 2025
Xây dựng quy hoạch đô thị Tam Đảo bảo đảm đồng bộ được xác định là nhiệm vụ quan trọng của huyện Tam Đảo trong thời gian tới.

Phát huy những thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua, giai đoạn 2020 - 2025, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Tam Đảo tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; khai thác tốt thời cơ thuận lợi, tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV. Với mục tiêu “Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, lấy du lịch làm động lực, đảm bảo quốc phòng - an ninh, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân; phấn đấu đến năm 2025, Tam Đảo cơ bản đủ điều kiện trở thành thị xã”, huyện Tam Đảo đã đưa ra những chỉ tiêu phấn đấu đi đôi với những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể.

Về phát triển kinh tế, huyện phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2020 - 2025 đạt từ 14 - 15% năm, trong đó nông - lâm - thủy sản đạt 2 - 2,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 19 - 19,5%; dịch vụ tăng 14,7 - 17%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hợp lý (trong đó nông nghiệp chiếm 12,6 - 12,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm 37,4 - 35,9%; dịch vụ chiếm 50 - 51,2%). Giá trị sản xuất bình quân đầu người từ 115 - 121 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người lên 80 - 85 triệu đ/người/năm.

Theo đó, giai đoạn 2020 - 2025, huyện Tam Đảo xác định đúng lĩnh vực có thế mạnh trong phát triển kinh tế để tập trung ưu tiên đầu tư, đồng thời bảo đảm sự liên hệ và tác động qua lại giữa các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Huyện tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, các quy trình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn; nhân rộng mô hình kinh tế có thế mạnh của huyện ở các lĩnh vực nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân. Thực hiện có hiệu quả “Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP”, đến nay, huyện Tam Đảo đã có 8 sản phẩm thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp gồm: Su su, trà hoa vàng, ba kích, thịt gà an toàn, trứng gà an toàn, thịt lợn an toàn, na dai và các sản phẩm từ sữa bò đạt từ 3 sao trở lên.

Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ, trang trại, hợp tác xã, DN vừa và nhỏ; khuyến khích DN đầu tư vào nông thôn để tạo ra thực phẩm sạch, an toàn. Chú trọng giải quyết vấn đề hạ tầng xử lý môi trường rác thải, nước thải; cây xanh đường liên xã, liên thôn. Phấn đấu đến năm 2025 có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm Yên Dương, Bồ Lý, Đạo Trù.

tam dao vinh phuc phan dau tro thanh thi xa vao nam 2025
Trồng trà hoa vàng, hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và tạo nên sản phẩm du lịch thương hiệu của Tam Đảo.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch như: Vườn quốc gia Tam Đảo, Khu du lịch Tam Đảo, Khu danh thắng Tây Thiên... huyện chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển các ngành dịch vụ, lấy du lịch làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển khu thương mại quảng bá giới thiệu sản phẩm chất lượng cao, hệ thống nhà hàng phục vụ khách du lịch; hình thành một số trung tâm thương mại hiện đại ở Hợp Châu, Đại Đình; nâng cấp hệ thống chợ nông thôn theo hướng có các sản phẩm, nét văn hóa đặc sắc phục vụ du lịch, nhất là các địa phương nằm trên các tuyến du lịch như Hồ Sơn, Đại Đình... Khuyến khích các địa phương xây dựng trang điện tử, chủ động tuyên truyền giới thiệu văn hóa, quảng bá sản phẩm, kêu gọi đầu tư.

Bên cạnh đó, huyện Tam Đảo tiếp tục đề xuất với tỉnh triển khai một số công trình, dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; nâng cấp các tuyến giao thông để hình thành hạ tầng đô thị du lịch kết nối các khu, điểm du lịch trong huyện, liên huyện; quy hoạch và xây dựng các điểm dừng, nghỉ mua sắm quà lưu niệm. Phát triển bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính - ngân hàng. Tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; quy hoạch, kêu gọi đầu tư để phát triển các điểm du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Đẩy mạnh xã hội hóa để mở rộng các hoạt động dịch vụ văn hóa - thể thao, vui chơi, giải trí, y tế, giáo dục chất lượng cao để phục vụ du khách. Tập trung các nguồn lực cho triển khai thực hiện các hạng mục công trình của các đề án trọng điểm du lịch của huyện.

Đi đôi với nhiệm vụ phát triển kinh tế là nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội. Với mục tiêu đến năm 2025, quy mô dân số đạt khoảng 95.000 người; tạo việc làm tăng thêm trên 2.500 lao động/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó lao động qua đào tạo được cấp bằng, cấp chứng chỉ đạt 40%; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đến năm 2025 (theo chuẩn mới) đạt 70% ở các cấp học; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98%.

Theo đó, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phấn đấu đến năm 2025 mỗi đơn vị cấp xã, thị trấn có 01 trường mầm non, 01 trường tiểu học và 01 trường trung học cơ sở. Các trường sẽ phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới. Tập trung xây dựng con người Tam Đảo hướng đến chân - thiện - mỹ, có tinh thần tự lực, tự cường, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và nhân rộng các điển hình về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan. Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân; Vận động nhân dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn; Phát triển y học cổ truyền và điều dưỡng, phục hồi chức năng gắn với phát triển du lịch.

Để cơ bản đủ điều kiện trở thành thị xã vào năm 2025, bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ xây dựng quy hoạch đô thị Tam Đảo bảo đảm đồng bộ rất quan trọng, huyện xác định rõ công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Vì vậy, huyện Tam Đảo tiến hành rà soát các quy hoạch đến năm 2030 như: Quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất hiện có để điều chỉnh, bổ sung và lập các quy hoạch mới; tập trung triển khai để đảm bảo thị trấn Đại Đình, Hợp Châu, Tam Đảo, xã Tam Quan, Hồ Sơn, Minh Quang cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; chú trọng công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn của huyện giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở sắp xếp thứ tự ưu tiên dự án có tính chất lan tỏa đến sự tăng trưởng thu hút người lao động địa phương, sự nghiệp giáo dục đào tạo, chương trình nâng cao nhận thức của người dân Tam Đảo; phấn đấu xây dựng một số khu đô thị tại Hợp Châu, Đại Đình, Hồ Sơn, Tam Quan.

Đặc biệt, trong thời gian tới, huyện tập trung hoàn thiện các Đề án phát triển du lịch dịch vụ và quy hoạch cho 3 vùng du lịch trọng điểm của huyện là Khu du lịch Tam Đảo I, Khu du lịch Tam Đảo II, Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên; tiếp tục quy hoạch vùng ven chân núi Tam Đảo từ Hồ Bản Long xã Minh Quang đến hồ Vĩnh Thành, xã Đạo Trù; quy hoạch và phát triển các khu du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao, trải nghiệm, kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh...

Hi vọng rằng, với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy cùng với phương pháp lãnh đạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng hình ảnh con người Tam Đảo văn minh, có tinh thần tự lực, tự cường, đến năm 2025 huyện Tam Đảo đủ điều kiện trở thành thị xã..

Bích Huệ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load