Thứ tư 15/01/2025 20:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cạnh tranh và phát triển bền vững

11:22 | 16/06/2009

 

Ðổi mới nội dung và phương thức quản lý nhà nước về kinh tế

 

  

 

Những đô thị mới phía Tây Thủ đô Hà Nội (ảnh: Thuỳ Anh).

 

 

 

Dù nền kinh tế nước ta xây dựng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), nhưng trước hết đã là thị trường thì vẫn chịu tác động của ba thuộc tính nói trên. Do đó vấn đề đặt ra là không phải "trách cứ" mặt trái của kinh tế thị trường, mà là phải làm thế nào để phát huy cao nhất vai trò của Nhà nước nhằm hạn chế những tiêu cực do thuộc tính của thị trường tạo ra. Nhà nước XHCN phải thể hiện tính ưu việt trong việc hạn chế những khuyết tật của thị trường, nhờ vào các chính sách ưu tiên phục vụ lợi ích của cộng đồng; xử lý được xung đột của các nhóm lợi ích do thị trường tạo ra, thông qua bốn nhóm công cụ là chức năng quản lý nhà nước với hệ thống pháp luật; công tác kế hoạch hóa; các chính sách kinh tế vĩ mô và lực lượng vật chất của Nhà nước (kinh tế Nhà nước). Dưới tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế nước ta đã bộc lộ những tồn tại, yếu kém, có thể rút ra bài học kinh nghiệm về việc sử dụng bốn nhóm công cụ quản lý kinh tế nêu trên, chức năng và vai trò của Nhà nước trong điều kiện vận hành của cơ chế kinh tế thị trường.

 

Trong hai thập niên qua, các cuộc khủng hoảng lớn nhỏ trên thế giới đều có nguyên nhân từ "bong bóng"của thị trường bất động sản (BÐS). Thị trường tài chính Mỹ sụp đổ bắt nguồn từ thị trường tín dụng BÐS dưới chuẩn, tạo ra "bong bóng" từ các công cụ chứng khoán hóa BÐS. Ðầu năm 2008, thị trường thế giới đã hình thành "một cơn bão lửa" là sự tăng giá bất thường của ba nhóm hàng hóa chính: Nhiên liệu, thực phẩm và kim loại. Trong khi đó, thị trường tài chính bắt đầu dấu hiệu "đóng băng" của giai đoạn tiền khủng hoảng. Nền kinh tế Việt Nam chịu sức ép giữa "băng" và "lửa" cùng với những tồn tại của cơ cấu kinh tế, những nhược điểm trong quản lý điều hành đã gây nên những khó khăn cực điểm trong nửa đầu năm 2008. Thực tế trên đòi hỏi chúng ta phải đánh giá nghiêm túc về vai trò của Nhà nước trong quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, cả nội dung lẫn phương thức quản lý. Ðây là vấn đề hàng đầu cần tập trung nghiên cứu nhằm đổi mới nội dung và phương thức quản lý nhà nước về kinh tế cho giai đoạn "hậu khủng hoảng".

 

Cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế

 

Dưới tác động của cuộc khủng hoảng này, những nhược điểm trong mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã bộc lộ hoàn toàn. GS M.Poóc-tơ, cha đẻ của lý thuyết cạnh tranh, lần đầu đến nước ta gần đây, đã cho rằng, mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đạt đến đỉnh. Nếu càng thúc đẩy tăng trưởng nhanh dựa vào động lực mở rộng quy mô vốn, giá trị gia tăng thấp và sự khai thác thái quá đặc điểm lao động rẻ, thì không thể cạnh tranh và càng ngày càng khó khăn. Mô hình tăng trưởng mà chúng ta đang theo đuổi chính là cái bẫy của sự phát triển thiếu bền vững. Ðây là bài học lớn thứ hai cần được rút ra "cái phúc" chứa đựng trong "cái họa". Tức là lúc chúng ta có thể "chuyển thách thức thành cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế". Tiến hành một cuộc "đại phẫu thuật" nền kinh tế, chứ không chỉ dừng lại việc "sơ cứu" bằng các biện pháp tình thế, mặc dù các biện pháp đó rất cần thiết để ngăn chặn suy giảm tốc độ tăng trưởng trước mắt. Nhưng quan trọng hơn là xây dựng chiến lược tình thế, lồng tất cả chính sách ngắn hạn với chính sách trung, dài hạn; các mục tiêu cho thời kỳ 2009 - 2010 với mục tiêu 2011-2015, tức là thời kỳ kinh tế thế giới phục hồi. Thời kỳ hậu khủng hoảng trật tự kinh tế thế giới không tránh khỏi quá trình sắp xếp lại, một cuộc chạy đua giữa các nền kinh tế, giữa các thị trường và quá trình đó liên quan đến số phận các nước đang phát triển. Vậy chúng ta sẽ ở đâu và làm gì trong quá trình này? Ðây là vấn đề cần tập trung nghiên cứu để làm cơ sở cho chính sách dài hạn, nếu chậm trễ chúng ta sẽ rơi vào thế bị động.

 

Do đó, cần tiến hành xây dựng ngay một chiến lược tình thế, thực hiện ngay trong hai năm 2009-2010 và gối đầu trong năm năm sau nhằm tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam.

 

Thứ nhất là, tái cấu trúc nội bộ các ngành kinh tế. Vấn đề không phải là sản xuất ra cái gì mà sản xuất bằng cách nào có hiệu quả nhất. Dường như chúng ta cứ nhầm lẫn rằng, máy laptop thì có công nghệ cao, còn làm cái khác thì không cao. Công nghệ cao thể hiện ở công đoạn sản xuất, chứ không phải ở kết quả sản xuất. Nếu sản xuất máy laptop bằng cách nhập 100% linh kiện về rồi ráp lại, thì không có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, nên cũng không có công nghệ cao. Nếu không có chính sách để thúc đẩy các doanh nghiêp chuyển từ gia công sang sản xuất thì nền kinh tế nước ta tiếp tục tồn tại một cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế thiếu cạnh tranh.

 

Thứ hai là, cấu trúc lại thị trường, tức là mối quan hệ giữa thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Cấu trúc lại thị trường để có sự đồng nhất giữa thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. Không còn phân biệt hàng hóa sản xuất cho xuất khẩu và sản xuất cho thị trường nội địa, mà chỉ có một thị trường - thị trường của các nước thành viên WTO. Chính sách hướng về xuất khẩu của Việt Nam áp dụng trong các năm qua không phải sai mô hình kinh tế, mà sai ở mô hình sản xuất, tức là hướng về xuất khẩu, nhưng chúng ta lại không chuyển được nền kinh tế từ gia công sang sản xuất. Mô hình phát triển của các nước Ðông Á trong ba thập niên qua cho thấy, họ định hướng chiến lược xuất khẩu, họ đi nhanh vào sản xuất, đi nhanh vào công đoạn có giá trị gia tăng cao và mất khoảng mười năm để chuyển nền kinh tế từ gia công sang sản xuất. Tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất công nghiệp của nước ta ngày càng giảm. Tính gia công của nền kinh tế ngày càng cao, nên dẫn đến việc nhập siêu triền miên là điều không tránh khỏi.

 

Thứ ba là, tái cấu trúc hệ thống các doanh nghiệp (DN). Hiện nay các DN đang đứng trước một tình hình gọi là "thị trường sàng lọc". DN nào khỏe thì có cơ hội phát triển nhanh, còn yếu thì có nguy cơ phá sản. Do đó các chính sách hiện nay cần giúp DN nhưng đừng để xảy ra tình trạng mất tiền cho những DN mà bản thân họ không biết cách "tự cứu" hoặc tạo thêm thói quen sống nhờ bao cấp. Nhưng đối với những DN mà khó khăn hiện nay có phần do sự thay đổi chính sách của chúng ta tạo ra, mà chỉ cần hỗ trợ có thể đứng lên được thì không thể để phá sản. Chính sách nên hướng vào đối tượng này. Do đó, cần rà lại các chính sách hiện nay, để thật sự tạo cơ hội cho các DN có điều kiện tự mình tái cấu trúc nhằm phát triển bền vững hơn.

 

Thứ tư là, tái cơ cấu đầu tư. Thời điểm hiện nay là cơ hội để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nông thôn. Nếu đẩy được thị trường xây dựng tăng thêm từ 0,5% đến 0,7%, thì GDP có thể đạt 5,5% (con số mà Ngân hàng thế giới dự báo). Chúng ta kỳ vọng Việt Nam sẽ đẩy thị trường xây dựng lên, vì có dư địa để phát triển. Trong năm nay và đầu năm tới không có một dư địa nào cho nông nghiệp hay công nghiệp mà có thể đột biến được. Do đó, cần tháo nhanh "nút cổ chai" về thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản. Như vậy có thể tái cấu trúc lại phần đầu tư, nhất là đầu tư từ ngân sách.

 

Thứ năm là, thể chế kinh tế. Có bốn nhóm công cụ điều tiết vĩ mô thông dụng mà quốc gia nào cũng áp dụng, nhưng nó biến ảo tùy thời kỳ, gồm: Chính sách về tài khóa; chính sách tiền tệ; chính sách chi tiêu; chính sách ngoại thương. Chúng ta tái cấu trúc ở cấp độ thể chế để nâng cao vai trò quản lý vĩ mô. Thể chế kinh tế phù hợp sẽ biến thành lực lượng vật chất, mà "khoán 10" trong nông nghiệp là một điển hình nhất về đổi mới thể chế kinh tế.

 

Với cách nhìn cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu như trên, thì đây không chỉ có thách thức mà đang là thời cơ để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, phát triển bền vững.

 

TS TRẦN DU LỊCH        
Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load