Ban Quản lý dự án thừa nhận có việc chậm bàn giao mặt bằng thi công metro Nhổn - ga Hà Nội, nhưng gần 115 triệu USD là con số đơn phương nhà thầu đòi bồi thường thiệt hại và chưa có chứng minh cụ thể.
3 lần đòi bồi thường
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được UBND TP Hà Nội khởi công năm 2009, thời gian hoàn thành là năm 2018. Sau đó, dự án được điều chỉnh thời gian vận hành đoạn trên cao đến tháng 4/2021 và đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, hiện mốc hoàn thành đưa vào khai thác đoạn trên cao đã được chuyển sang cuối năm 2022; đoạn đi ngầm đã bị dừng thi công gần 4 tháng và chưa dự kiến thời gian khai thác toàn tuyến.
Về vấn đề khiếu nại của nhà thầu CP03 tại dự án Nhổn - ga Hà Nội, do việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng đến nay và hiện vẫn tồn tại chậm trễ xử lý đối với nhà 23 Quốc Tử Giám và phê duyệt chính sách đền bù, hỗ trợ tạm cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm.
Liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella (HGU) đã gửi 3 khiếu nại yêu cầu bồi thường với tổng chi phí là 114,7 triệu USD, đề nghị chủ đầu tư chấp thuận thanh toán nếu không sẽ không thể tiếp tục thực hiện công việc và sẽ tiến hành các thủ tục khiếu nại lên trọng tài quốc tế.
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chưa xác định được ngày vận hành, khai thác (Ảnh: Đỗ Linh). |
Theo ghi nhận về tình hình thực hiện dự án, nhà thầu HGU đã giảm khối lượng công việc trên công trường kể từ tháng 6/2021 và đã có văn bản thông báo tạm dừng công việc. Nhà thầu đã yêu cầu thành lập Ban giải quyết tranh chấp (DB), Ban Quản lý dự án cũng đã cử thành viên đại diện cho Chủ đầu tư để tiến hành hòa giải theo quy định của Hợp đồng.
Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang xem xét thành lập Ban xử lý tranh chấp để xử lý các khiếu nại và tháo gỡ các vướng mắc về khiếu nại của nhà thầu CP03.
Trên thực tế, các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài được triển khai theo hợp đồng FIDIC. Trong hợp đồng nêu rõ nhà thầu và chủ đầu tư có quyền khởi kiện nếu như bị thiệt hại, bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp.
Với trường hợp dự án Nhổn - ga Hà Nội, nhà thầu HGU khiếu nại và yêu cầu đền bù thiệt hại gần 115 triệu USD vì cho rằng không được trao quyền tiếp cận công trường dự án một cách đầy đủ. Hiện nhà thầu đã khởi kiện ra tòa quốc tế.
Nhà thầu chưa chứng minh được thiệt hại
Trưa 30/10, trao đổi với PV Dân trí về sự việc trên, ông Lê Trung Hiếu - Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (QLDA) - cho biết, nguyên nhân dẫn tới vướng mắc đối với nhà thầu chủ yếu xuất phát từ công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ dự án bị chậm so với kế hoạch. Nhà thầu đã gửi thư khiếu nại và hai bên đã trao đổi, đối thoại nhưng chưa giải quyết được sự việc.
"Đưa ra tòa cũng là việc văn minh và chúng ta cũng cần phải làm quen dần, khi hai bên không thống nhất được thì đưa ra tòa để bên thứ 3 phân xử. Ban QLDA đang xin ý kiến các cơ quan về việc chuẩn bị các thủ tục tại tòa án quốc tế" - ông Hiếu cho hay.
Liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella đòi bồi thường thiệt hại gần 115 triệu USD nhưng chưa có tài liệu chứng minh cụ thể (Ảnh: Đỗ Linh). |
Cũng theo ông Hiếu, khi làm hợp đồng FIDIC, hai bên đã rất rõ ràng về các điều kiện khiếu nại. Cụ thể, nếu chủ đầu tư và nhà thầu bị thiệt hại mà lỗi không do chủ quan của mình thì sẽ được đền bù thiệt hại, đây là điều khoản cân bằng giữa hai bên. Trường hợp hai bên không thống nhất giải quyết được các vấn đề khiếu nại thì có quyền khởi kiện ra tòa.
"Chủ đầu tư ghi nhận việc chậm bàn giao mặt bằng gây chậm tiến độ dự án. Tuy nhiên, số tiền đòi bồi thường thiệt hại hiện mới chỉ là con số mà nhà thầu đơn phương đưa ra, nhà thầu chưa có bất cứ tài liệu minh chứng nào, vì vậy chủ đầu tư chưa có cơ sở để xem" - ông Hiếu khẳng định.
Phó Giám đốc Ban QLDA cũng thông tin, chủ đầu tư sẵn sàng đối thoại với nhà thầu, không giải quyết được thì sẽ theo kiện tại tòa án quốc tế. Tại tòa, chủ đầu tư cũng sẽ đấu tranh đến cùng vì quyền lợi của dự án, của chủ đầu tư theo hợp đồng FIDIC đã ký. Nếu nhà thầu chứng minh được đầy đủ là có thiệt hại thực sự, đúng luật, chủ đầu tư sẽ báo cáo TP Hà Nội và sẵn sàng đền bù đúng theo quy định.
Cần phải nói thêm rằng, trong triển khai thực hiện các công trình, dự án, địa phương có dự án có trách nhiệm giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công. Nếu địa phương không thực hiện đúng cam kết, không đáp ứng được yêu cầu về mặt bằng khiến tiến độ thi công bị chậm thì nhà thầu có đòi bồi thường thiệt hại.
Trên thực tế, đã có các dự án sử dụng vốn ODA phải đền bù thiệt hại cho nhà thầu như nhà ga T2 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, đường vành đai 3 trên cao Hà Nội, cầu Nhật Tân - các dự án này do nhà thầu Nhật Bản thi công. Việc chậm bàn giao mặt bằng khiến cho thời gian thi công kéo dài hơn kế hoạch, theo hợp đồng và luật pháp quốc tế, chủ đầu tư buộc phải bồi thường thiệt hại cho nhà thầu nước ngoài.
Dự án đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, có tổng mức đầu tư ban đầu là 783 triệu Euro, trong đó vốn vay ODA là 653 triệu Euro, vốn đối ứng là 130 triệu Euro. Đến nay, tổng mức đầu tư điều chỉnh đã tăng lên 1.176 triệu Euro. Nguồn đầu tư vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ là Chính phủ Pháp, Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và nguồn vốn đối ứng ngân sách thành phố. |
Theo Châu Như Quỳnh/Dantri.com.vn