(Xây dựng) - Nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến năm 2024, định hướng và đẩy mạnh các hoạt động thuộc Chương trình năm 2025 và những năm tiếp theo, sáng 19/9, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. |
Trong bối cảnh kể từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu. Trong khi đó, việc đầu tư phát triển các dự án nguồn và lưới điện đòi hỏi nguồn lực rất lớn của xã hội. Các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành còn cao cũng như bị giới hạn về tỷ trọng công suất trong hệ thống điện do các rào cản kỹ thuật trong việc vận hành ổn định hệ thống. Vì vậy, việc sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện, bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: “Các Chương trình, Chỉ thị đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về vai trò quan trọng mang tính chiến lược việc của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong việc phát triển bền vững nền kinh tế đất nước giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai”.
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) đến năm 2024 đã có 60/63 tỉnh thành ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình của địa phương giai đoạn 2020-2025 và giai đoạn đến năm 2030. Đã có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo hoặc ban hành Chỉ thị của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, Chương trình tiết kiệm điện đã đạt kết quả tỷ lệ tiết kiệm điện toàn quốc lớn hơn 2% hàng năm trong giai đoạn 2020-2023.
Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính, lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 về danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới.
Nhiều quyết định, thông tư, hướng dẫn kỹ thuật, các hội thảo đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cuộc thi, giải thưởng... thuộc lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng đã được Bộ Công Thương triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Luật đã được Chính phủ ban hành năm 2010, có hiệu lực từ năm 2011. Sau hơn 10 năm thực thi, cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc, làm rõ các cơ chế ưu đãi, khuyến khích.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra Lễ phát động “Chương trình tăng tốc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng”. Đây là chương trình tăng tốc khởi nghiệp lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam dành riêng cho lĩnh vực hiệu quả năng lượng. Chương trình hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư vào các giải pháp đổi mới sáng tạo về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải và xây dựng tại Việt Nam.
Đây là chương trình tăng tốc khởi nghiệp lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam dành riêng cho học sinh và sinh viên. |
Chương trình tăng tốc khởi nghiệp này nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng” (AIS4EE) thuộc Chương trình Chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam – EU (SETP) do Liên minh châu Âu tài trợ. Tổng giá trị giải thưởng của chương trình lên đến 10.000 USD cho nhóm học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các đội còn có cơ hội tham gia các sự kiện gọi vốn trong nước và quốc tế từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, bao gồm khoản đầu tư từ quỹ Touchstone Partners và các khoản đầu tư tiềm năng từ quỹ đầu tư đối tác.
Dự án AIS4EE được đồng tài trợ và thực hiện bởi Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) - một tổ chức quốc tế liên chính phủ được thành lập dựa trên hiệp ước nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh trên phạm vi toàn cầu. Các hoạt động của chương trình tăng tốc khởi nghiệp do quỹ đầu tư Touchstone Partners thực hiện.
Thông qua thúc đẩy đầu tư, chương trình tăng tốc khởi nghiệp sẽ đóng góp vào mục tiêu chung của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các giải pháp sáng tạo về hiệu quả năng lượng cũng sẽ góp phần vào quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, hướng tới đạt được các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã cam kết.
Vũ Ngọc
Theo