(Xây dựng) - Việc sử dụng cát nhân tạo (hay còn gọi là cát nghiền) đang trở thành một xu hướng tất yếu khi mà nhiều công trình xây dựng có quy mô lớn, nhỏ đã sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên trước áp lực của giá thành cũng như vùng nguyên liệu khai thác cát tự nhiên ngày càng bị thu hẹp.
Ảnh minh họa
Không còn dư địa cho cát tự nhiên
Mặc dù nhu cầu sử dụng cát cho xây dựng và san lấp rất lớn, nhưng sản lượng khai thác cát tự nhiên không còn nhiều, cộng với việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt rà soát, giám sát và xử lý triệt để các tổ chức, cá nhân khai thác cát lậu lại càng làm cho nguồn cung cát tự nhiên bị thu hẹp. Theo ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ VLXD, đến năm 2020 Việt Nam sẽ không còn cát phục vụ cho san lấp. Theo số liệu thống kê của Viện VLXD (Bộ Xây dựng), nhu cầu sử dụng cát xây dựng trên toàn quốc khoảng 130 triệu m3/năm, nhu cầu cát san lấp khoảng 2,1 - 2,3 tỷ m3 (2016 - 2022), trong khi trữ lượng cát phục vụ cho san lấp đến năm 2020 chỉ còn 2,1 tỷ m3.
Trong khi đó, việc sử dụng cát nhân tạo tại các công trình có tổng mức đầu tư lớn đã có từ nhiều năm nay trước sức ép của giá cát tự nhiên tăng cao khi cung đường vận chuyển xa, trong đó phải kể đến công trình thủy điện Sơn La, 95% bê tông của công trình này sử dụng cát nhân tạo. Và ngay từ những năm 2002 - 2003, Viện VLXD đã xây dựng quy hoạch cát nhân tạo trên toàn quốc, trên cơ sở tiềm năng khoáng sản tự nhiên của các tỉnh thành, vùng miền, trong đó chỉ rõ các tỉnh thành, vùng miền có tiềm năng phát triển sản xuất cát nhân tạo, cho thấy ngành Xây dựng đã sớm quan tâm đến việc phát triển cát nhân tạo.
Theo nhiều chuyên gia, trên thế giới hiện nay cũng chủ yếu sử dụng cát nhân tạo được nghiền từ đá. Cho nên, ở Việt Nam, không có lý do gì để mà không sử dụng cát nhân tạo. Ông Trần Bá Việt - nguyên Phó viện trưởng Viện KHCNXD cho biết, việc sử dụng cát nhân tạo là biện pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết vấn nạn thiếu hụt nguồn cung cát tự nhiên. Ưu điểm của cát nghiền là thành phần hạt đồng đều, có thể chủ động điều chỉnh mô đun và tỷ lệ thành phần hạt theo từng cấp phối vật liệu cho các loại bê tông khác nhau (bê tông asphalt, bê tông xi măng, bê tông đầm lăn, bê tông mác cao đặc biệt…). Chỉ có nhược điểm duy nhất, do trọng lượng nặng dẫn đến độ linh động hạn chế, nên quá trình sử dụng cần có thêm phụ gia. Trên toàn quốc, sản phẩm cát nhân tạo đã được đầu tư, sử dụng ở nhiều vùng miền như: Vùng núi Sơn La, tỉnh Quảng Ninh sử dụng cát nhân tạo từ đá cát kết, các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… đều có sự đầu tư lớn vào các dây chuyền sản xuất cát nghiền.
Việc sử dụng cát nhân tạo, dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế xây dựng, sẽ góp phần làm giảm thất thoát, lãng phí, tiết kiệm chi phí cho công trình trước tình hình biến động không ổn định của giá cát tự nhiên. Ông Lê Văn Cư - Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, chi phí tài chính cho cát có ảnh hưởng không nhỏ đối với tổng chi phí đầu tư xây dựng công trình. Với công trình giao thông xử lý nền đất yếu và đắp nền cao, nếu giá cát tăng từ 100 - 200% thì chi phí của công trình tăng từ 17% trở lên. Với công trình dân dụng, khi giá cát tăng khoảng 100% thì chi phí cát tăng không lớn, khoảng 1,2 - 3,5%. Đối với dạng công trình hạ tầng, san nền nhiều, khi giá cát tăng 100 - 200% thì chi phí của công trình tăng khoảng 80 - 160%.
Khuyến khích sử dụng vật liệu thay thế
Dễ nhận thấy, Chính phủ đã quyết tâm thực hiện và xử lý rốt ráo các bất cập liên quan đến cát tự nhiên, đồng thời có những chỉ đạo quyết liệt trong sử dụng cát nhân tạo và các loại vật liệu khác để thay thế cát tự nhiên. Các chỉ đạo của Chính phủ như: Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP về quản lý VLXD, Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, hóa chất làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng, Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 5/2017, Thông báo số 269/TB-TB-VPCP ngày 15/6/2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP tại cuộc họp đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi, đều nhắm tới mục tiêu hạn chế sử dụng cát tự nhiên, khuyến khích sử dụng cát nhân tạo và các vật liệu khác thay thế cát tự nhiên, đặc biệt là trong san lấp.
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành một loạt các văn bản cũng như tiêu chuẩn quốc gia hiện hành phục vụ cho việc quản lý và khuyến khích đưa các sản phẩm như cát nhân tạo và vật liệu khác thay thế cát tự nhiên, trong đó có TCVN 9250:2012 cát nghiên cho bê tông và vữa, TCVN 7570:2006 cốt liệu cho bê tông và vữa, và mới đây là định mức dự toán xây dựng công trình cho vật liệu xây không nung, trong đó có cát nhân tạo… là cơ sở pháp lý cơ bản để cát nhân tạo và các loại vật liệu thay thế cát tự nhiên đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng chủ động nghiên cứu, tạo cơ sở hành lang pháp lý cho việc sản xuất và sử dụng các loại vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên, nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn phục vụ nhu cầu san lấp bờ biển chống sạt lở, mở rộng đất liền, mở rộng đảo.
Có thể nói, sử dụng cát nhân tạo là biện pháp hữu hiệu để thay thế cát tự nhiên. Ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, cát tự nhiên đã đi vào cuộc sống, được sản xuất từ chính nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương như: Đá vôi, đá granit, đá bazan...
Thanh Nga
Theo