(Xây dựng) - Sống xanh là xu hướng tất yếu của thời đại và bạn có thể sống xanh ngay từ bây giờ với những việc làm nhỏ, nhưng có tác động rất lớn đến môi trường.
Việc sử dụng xe bus sẽ góp phần giảm thiểu khí thải được xả ra môi trường.
Việt Nam đang là một nước có tốc độ đô thị hóa nhanh hàng đầu Đông Nam Á. Sự đô thị hóa nhanh ở nước ta khiến dân số đô thị ngày càng gia tăng đến mức quá tải, trực tiếp thu hẹp các khoảng không gian xanh và gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều khía cạnh khác nhau như ô nhiễm tiếng ồn, rác thải, nước thải, đất và không khí.
Trong hoàn cảnh này, ngày càng có nhiều người dân tìm đến những không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên ở các công trình xanh, hay các khu nghỉ dưỡng, nghỉ mát. Nhưng liệu có phải sống xanh chỉ đơn giản là sống trong một không gian trồng nhiều cây xanh, không khí trong lành, không có tiếng ồn, và rác thải, nước thải được xử lý hợp vệ sinh?
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia đầu ngành về phát triển cuộc sống xanh tại Việt Nam và trên cả thế giới, mọi người dân đều có thể tham gia bảo vệ môi trường bằng cách sống xanh từ những việc làm nhỏ nhất như không vứt rác bừa bãi, sử dụng vật liệu tái chế, giảm thiểu sử dụng túi nilon...
Bạn Hoàng Minh Đạt, sinh viên khóa 5, khoa Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của Trường ĐH TN&MT chia sẻ: “Với tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng như hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ cần thiết hơn bao giờ hết. Tôi thấy việc lựa chọn cách sống xanh là thực sự cần thiết và cần được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Sống xanh có thể không giải quyết ngay lập tức vấn đề ô nhiễm môi trường, nhưng nó có thể cải thiện chất lượng môi trường một cách đáng kể qua từng ngày”.
Với suy nghĩ như vậy, Hoàng Minh Đạt đã và đang góp phần xây dựng lối sống xanh bằng những hoạt động nhỏ ngay tại khu vực sinh sống của mình. Gia đình của Đạt làm nghề dệt may tại nhà. Ngày trước, mẹ của Đạt thường xuyên dùng túi nilon loại to để chứa các loại rác thải như vải vụn, thức ăn thừa của công nhân... Nhưng sau đó, Hoàng Minh Đạt đã đề nghị gia đình chuyển sang sử dụng bao tải dứa để chứa rác để có thể làm sạch và tái sử dụng nhiều lần. Từ ngày chuyển sang dùng bao tải dứa, gia đình của Đạt đã ngừng hẳn việc vứt túi nilon ra bãi rác.
Là một sinh viên, Đạt cũng xây dựng ý thức sống xanh và bảo vệ môi trường ngay từ việc đi học bằng xe buýt. Chàng sinh viên năm cuối của ĐH TN&MT cho biết: “Đi xe buýt thì hơi tắc đường và hơi đông một chút, nhưng đổi lại tôi có thể góp một phần nhỏ trong việc giảm thiểu khí thải của xe máy hay ôtô. Hơn nữa, tôi cũng có thể tập thể dục nhờ việc đi xe buýt. Vậy tại sao tôi lại không đi xe buýt cơ chứ?”.
Cũng là những hoạt động xây dựng lối sống xanh, nhưng trên quy mô lớn hơn, Thư viện Dương Liễu đã tổ chức các hoạt động thu gom chai nhựa và pin cũ trên địa bàn xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) để tái sử dụng đúng cách, tránh gây ô nhiễm môi trường. Tháng 7/2018, Thư viện Dương Liễu đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững (CSDS) để tổ chức các buổi học Workshop “Sử dụng rác thải nhựa đối với môi trường” nhằm phổ biến kiến thức về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và những giải pháp thực tiễn để giải quyết vấn đề này. Trong đó, Trung tâm CSDS đã hướng dẫn các em nhỏ tại xã Dương Liễu làm gạch sinh thái EcoBrick, một loại gạch làm từ chai nhựa đựng rất nhiều rác thải nhựa khó phân hủy và không thể tái chế như túi nilon, vỏ bánh kẹo, xốp, ống hút...
Ở chiến dịch thu hồi pin cũ, Thư viện Dương Liễu đã nhận được gần 250 viên pin cũ trong tháng 10/2018. Số pin này đã được Thư viện gửi cho cơ quan Nhà nước để tiêu hủy và xử lý đúng cách. Bên cạnh đó, Thư viện cũng duy trì hoạt động thu gom pin cũ tại địa điểm tập kết trên địa bàn xã, và khuyến khích các em nhỏ tham gia hoạt động ý nghĩa này bằng cách đổi mỗi viên pin cũ lấy 1.000 đồng. Kinh phí cho hoạt động thu gom pin sẽ được tài trợ bởi người dân trong xã.
Hiện nay, phong trào làm gạch sinh thái EcoBrick đang lan rộng khắp thế giới, và được coi là một trong những giải pháp tuyệt vời để giải quyết các vấn đề tiêu cực về rác thải nhựa. Việc nhét rác thải không thể tái chế vào một chai nhựa sẽ giúp chúng ta giải quyết việc xả rác bừa bãi ra ngoài môi trường, và bảo vệ sức khỏe con người khỏi những nguy hại trực tiếp từ ô nhiễm. Thậm chí, những viên gạch sinh thái sau khi được hoàn thành còn có thể sử dụng thay thế cho những gạch truyền thống để xây nhà, hoặc làm ra các vật dụng khác như bàn, ghế...
Hữu Mạnh
Theo