(Xây dựng) - Toàn tỉnh Quảng Bình có 15 xã ở 5 huyện (Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy và Quảng Ninh) thuộc đối tượng vùng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong hơn 3 năm triển khai, đã có 205 công trình được đầu tư xây dựng và nâng cấp sửa chữa, làm thay đổi hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, tỷ lệ hộ nghèo giảm, giải ngân vốn đầu tư của chương trình này đạt 66,15%.
Dự án cầu Hà Lẹc ở xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thủy. |
Từ năm 2022 đến năm 2024, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719) đã thực hiện 10/10 dự án và 12/14 tiểu dự án. Thực hiện bố trí gần 1.112 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư phát triển có mức độ giải ngân cao, đạt 66,15%. Trong đó, một số dự án có tỷ lệ giải ngân cao như: Dự án 4 đạt 78,7%; dự án 5 đạt 72,1%; dự án 9 đạt 54,7%...
Riêng tại dự án 4 (Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc) được bố trí gần 154 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển bố trí hơn 130 tỷ đồng; vốn sự nghiệp bố trí hơn 23 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân được 78,7% kế hoạch.
Tỷ lệ giải ngân cao ở dự án 4 đã tác động tích cực đến cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tính lũy kế từ năm 2022 đến tháng 7/2024, toàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Bình đã xây mới được 103 công trình. Trong đó, có 3 công trình chợ; 57 công trình giao thông; 18 công trình trường học; 24 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng; 1 công trình thuỷ lợi. Ngoài ra, nguồn lực từ dự án 4, Chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã đầu tư duy tu và bảo dưỡng được 45 công trình khác.
Trong đó, nổi bật là công trình cầu Hà Lẹc ở xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thủy đã phát huy được hiệu quả của mục tiêu đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng, đây là tuyến giao thông chính phục vụ cho hơn 200 hộ đồng bào Bru Vân Kiều đi lại, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội. Khi đưa vào sử dụng, cầu Hà Lẹc sẽ rút ngắn khoảng cách từ các bản Hà Lẹc, cụm bản A Bai ra trung tâm xã Kim Thủy xuống còn khoảng 20 phút đi xe máy. Cầu cũng trở thành tuyến chính cho đồng bào Bru Vân Kiều ở bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy) ra trung tâm.
Ông Hồ Nhiều, Trưởng bản Hà Lẹc, xã Kim Thủy phấn khởi: “Việc xây dựng cầu Hà Lẹc giúp dân bản đi lại rất thuận tiện. Đồng thời, giúp người dân được giao thương, tiếp cận với những cách thức phát triển kinh tế hiệu quả trong xã, trong vùng. Từ đó, bà con học tập để áp dụng và phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo”.
Dự án trồng lúa nước ở bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa. |
Còn tại dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 (Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn chủ yếu là tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc Chứt sinh sống) có vai trò quan trọng trong phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Trong giai đoạn từ năm 2022-2024, tỉnh Quảng Bình được phân bổ hơn 228 tỷ đồng để thực hiện dự án 9. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển là gần 165 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là hơn 63 tỷ đồng.
Nhiều công trình, dự án sử dụng nguồn vốn từ dự án 9 đã và đang mở ra cơ hội lớn để đồng bào Chứt vươn lên. Điển hình là dự án trồng lúa nước ở bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Dự án trồng lúa nước ở bản Lòm có tổng mức đầu tư trên 6 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I là làm công trình hồ chứa nước để phục vụ trồng lúa nước, hiện nay xây dựng đã xong và đưa vào sử dụng. Giai đoạn II của dự án là khai hoang đất để hình thành ruộng bậc thang có tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng. Dự kiến, khi đưa vào sản xuất, mỗi hộ gia đình đồng bào Chứt ở bản Lòm sẽ được cấp 3 sào đất để trồng lúa nước.
Trong năm 2024 - 2025, huyện Quảng Ninh tiếp tục được phân bổ vốn đầu tư 9 công trình tại các bản thuộc hai xã Trường Sơn và Trường Xuân, với tổng mức đầu tư trên 11 tỷ đồng. Hiện những công trình này đã được cấp vốn và đang gấp rút thi công.
Sau hơn 3 năm thực hiện, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Quảng Bình. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình đã giảm bình quân 8,2%/năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dần được đồng bộ, thu nhập bình quân đầu người đã được nâng lên trên 23 triệu đồng/người/năm.
Đào Hồng Thiệu
Theo