(Xây dựng) – Xác định chính sách thu hút đầu tư là yếu tố hàng đầu, quan trọng để tăng trưởng nhanh cùng với mục tiêu phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2020, thành phố Sông Công đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả cải thiện chỉ số cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư.
Ông Hoàng Thái Cương - Bí thư Thành uỷ thành phố Sông Công trao đổi với PV trong buổi làm việc trước thềm Đại Hội. |
Nằm ở phía Nam và cách thành phố Thái Nguyên 20km, thành phố Sông Công có vị trí địa lý khá thuận lợi khi cách Khu du lịch Hồ Núi Cốc 17km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 48km và cách Hà Nội 60km. Bên cạnh đó, thành phố còn có hệ thống giao thông ngang dọc với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua. Với những tiềm năng sẵn có, Sông Công đang từng bước vươn lên khẳng định mình, trở thành một vùng đất triển vọng để đầu tư và lập nghiệp.
Là vùng đất chuyển tiếp giữa đồng bằng với trung du, từ Sông Công có thể giao thương thuận tiện với các vùng kinh tế Bắc Thủ đô Hà Nội hoặc phía Nam của vùng núi phía Bắc mà trung tâm là thành phố Thái Nguyên và các vùng kinh tế trọng điểm khác như: Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Bắc Ninh, Bắc Giang. Đây cũng chính là một trong những yếu tố tiên quyết để Sông Công từ lâu được xác định là trung tâm công nghiệp lớn và là thành phố trung chuyển kinh tế giữa các vùng trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên.
Hơn nữa, thành phố Sông Công còn nằm giữa nhiều khu công nghiệp lớn như: Sông Công 1, Sông Công 2, Phổ Yên, Yên Bình, Diềm Thuỵ, Quyết Thắng... thu hút hàng vạn lao động từ khắp các nơi đổ về. Chưa kể nhà máy sản xuất linh kiện của Samsung với vốn FDI hàng tỷ USD tại Thái Nguyên đang hoạt động rất hiệu quả. Với định hướng xây dựng và phát triển thành một trung tâm công nghiệp theo hướng lấy công nghiệp, thương mại và dịch vụ làm nền tảng, đồng thời trở thành khu vực trọng điểm trong phát triển công nghiệp của tỉnh, thành phố Sông Công trong thời gian qua đã tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ cở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Lĩnh vực thu hút đầu tư nổi bật của Sông Công không thể không nói đến lĩnh vực công nghiệp. Từ chỗ chỉ có một cụm công nghiệp Gò Đầm với với ba doanh nghiệp thì đến nay thành phố đã có hai khu công nghiệp tập trung là Sông Công 1, Sông Công 2 có quy mô 470ha và ba cụm công nghiệp nhỏ với trên 300 đơn vị sản xuất kinh tế và doanh nghiệp, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động ở trong và ngoài tỉnh.
Phối cảnh dự án Khu đô thị Thiên Lộc tại thành phố Sông Công. |
Là trung tâm kinh tế lớn, quan trọng của tỉnh Thái Nguyên, trong những năm qua thành phố Sông Công đã chủ động xác định cơ cấu kinh tế chính là công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Đây là một định hướng đúng đắn với giá trị công nghiệp - xây dựng trong các năm qua luôn chiếm tới 75,4%.
Thương mại và dịch vụ chiếm tỷ lệ 17,4%. Tỷ trọng các ngành này thường chiếm 92,8% cơ cấu kinh tế của thành phố. Có thể nói, Sông Công đang có những thay đổi cả về chất và lượng. Đặc biệt là về lĩnh vực kinh tế với tổng thu ngân sách năm 2017 đạt xấp xỉ 572 tỷ đồng, tăng 194% so với năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm, tăng 13,6% so với năm 2016.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố còn chủ động tăng chỉ số thu hút đầu tư bằng các biện pháp thiết thực và hữu hiệu như: Giảm bớt, đơn giản các thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế, nỗ lực phát triển dân số và việc làm... Trong đó, nổi bật nhất là sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố đối với công tác cải cách hành chính.
Thành phố Sông Công được quy hoạch là một đô thị công nghiệp theo hướng hiện đại. Hiện tại, trên địa bàn thành phố Sông Công đã và đang thu hút nhiều dự án đầu tư về đô thị như: Khu đô thị Kosy 40ha, Khu dân cư đường Thống Nhất 20ha, Khu đô thị 2 đầu cầu cứng Sông Công, Khu đô thị Vạn Phúc, Khu đô thị Hồng Vũ... sẽ góp phần tăng tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn thành phố.
Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 02/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên đề ra mục tiêu “Xây dựng thành phố Sông Công trở thành đô thị loại II vào năm 2020”. Để hiện thực hóa nội dung này, ba năm qua, thành phố Sông Công đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội với trọng tâm là 6 nhiệm vụ và 12 chương trình, đề án, công trình trọng điểm. Tuy nhiên, theo thống kê, tổng nhu cầu vốn đầu tư để hoàn thành nhiệm vụ này tương đối lớn, trong khi đó, khả năng cân đối từ ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 50%.
Bởi vậy, việc huy động vốn đầu tư bằng nhiều hình thức để tạo nguồn lực phát triển trên địa bàn, trong đó có đầu tư theo hình thức PPP là giải pháp được thành phố ưu tiên và quan tâm thực hiện.
Trong số 15 dự án đầu tư theo hình thức PPP, có 6 dự án đã và đang trong quá trình triển khai xây dựng, 4 dự án đã ký hợp đồng, đang hoàn thiện thủ tục để triển khai xây dựng và 5 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư… Dự án Khu đô thị Hồng Vũ chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên đã triển khai xây dựng được khoảng 80% khối lượng tổng dự án, dự kiến hoàn thành và bàn giao trong năm 2020. Dự án đầu tư xây dựng đoạn đường Thống Nhất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tại phường Thắng Lợi (Công ty cổ phần Đầu tư – Xây dựng Thiên Lộc) đã triển khai xây dựng được khoảng 80% khối lượng tổng dự án, dự kiến hoàn thành và bàn giao năm 2020.
Có thể thấy, mặc dù số lượng dự án đầu tư thực hiện theo hình thức PPP trong thời gian qua của thành phố Sông Công chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với các dự án đầu tư công trên địa bàn nhưng đã mang lại lợi ích lớn về huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân và doanh nghiệp, giảm gánh nặng vốn đầu tư từ ngân sách, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương phát triển.
Với những lợi thế và tiềm năng sẵn có cùng những chính sách, cơ chế phù hợp, tạo sự thuận lợi cho các nhà đầu tư. Với vị thế được ví như đại bàng cất cánh tin rằng thành phố Sông Công sẽ tiếp tục có nhiều hơn nữa những dự án lớn, vững bước trên con đường hội nhập và phát triển, xứng tầm là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên, “vươn cao đô thị một vùng trời”.
Mộc Miên
Theo