Thứ bảy 02/11/2024 23:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Sở Xây dựng Hà Nội: Tăng cường công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị

10:14 | 26/01/2021

(Xây dựng) - Với vai trò là cơ quan thường trực Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016 - 2020”. Năm 2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng được UBND Thành phố giao.

so xay dung ha noi tang cuong cong tac quan ly ha tang ky thuat do thi
Tăng cường phát huy hết công suất các nhà máy nước mặt đã đi vào hoạt động đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân, nhất là thời gian cao điểm khu vực thường thiếu nước.

Bảo đảm đủ nguồn nước sạch cho Thủ đô

Riêng chỉ tiêu nước sạch nông thôn đạt 78% về phủ mạng (tăng thêm khoảng 3% so với năm 2019) và có 67,6% người dân nông thôn sử dụng nước sạch. Toàn bộ khu vực nông thôn còn 170/416 xã chưa được cung cấp nước sạch, trong đó 141 xã đã có dự án, nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện và 29 xã chưa có dự án, nhà đầu tư, chủ yếu tập trung vào khu vực xa nguồn, vùng cao. Sở đã hoàn thành việc rà soát Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và dự thảo Văn bản UBND Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng phê duyệt Đề án Điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công tác phát triển nguồn và mạng cung cấp nước sạch tiếp tục được quan tâm, đẩy nhanh tiến độ. Tăng cường phát huy hết công suất các nhà máy nước mặt đã đi vào hoạt động (Bắc Thăng Long - Vân Trì, Sông Đuống, Ba Vì) đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân, nhất là thời gian cao điểm khu vực thường thiếu nước. Đồng thời Sở cũng đã rà soát, xây dựng Đề án đưa ra lộ trình giảm khai thác, tiến tới ngừng sử dụng các giếng khai thác nước ngầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Quản lý thoát nước và xử lý nước thải, rác thải

Hệ thống thoát nước khu vực nội thành gồm các lưu vực thoát nước chính như: Tô Lịch, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Hà Đông, Long Biên. Tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh khoảng 960.000m3/ngày đêm; tổng công suất xử lý nước thải của 6 nhà máy hiện nay là 276.300m3/ngày; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tỷ lệ 28,8%.

Đến nay, Sở Xây dựng đã hoàn thành việc rà soát Quy hoạch về thoát nước, xử lý nước thải; có Báo cáo về thực trạng và giải pháp phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải Thành phố Hà Nội nhằm đề xuất giải pháp phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trong thời gian tới, nhất là khu vực các huyện đang thực hiện đề án thành quận đến năm 2025.

so xay dung ha noi tang cuong cong tac quan ly ha tang ky thuat do thi
Dây chuyền Nhà máy xử lý rác thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây).

Trong năm 2020, Sở Xây dựng cũng đã ban hành Kế hoạch thoát nước chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội, Sở thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống bão lụt trong mùa mưa; kiểm tra thường xuyên các hạng mục công trình thoát nước phòng chống úng, ngập; vận hành, khai thác hiệu quả các nhà máy, trạm xử lý nước thải đảm bảo phát huy tốt hiệu quả các công trình đã được đầu tư. Về công tác xử lý ô nhiễm môi trường, Sở đã xử lý 90/125 hồ nội thành bằng cách lắp đặt máy sục khí ở 52 hồ, bè thủy sinh 66 hồ, nạo vét bùn đáy cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm.

Về lĩnh vực quản lý rác thải, năm 2020 số liệu thống kê cho thấy khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Thành phố khoảng 6.500 tấn/ngày, việc xử lý cơ bản áp dụng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại hai khu gồm: 5.000 tấn/ngày tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn và (1.500+1.300) tấn/ngày tại Khu Xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì.

Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức rà soát, đề xuất UBND Thành phố chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nâng tổng công suất xử lý cho Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, Sơn Tây lên khoảng 3.250 tấn/ngày đêm, đồng thời tập trung xây dựng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn Thành phố; quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố. Việc thu gom, vệ sinh môi trường trên các tuyến phố, khu dân cư được tăng cường và có chuyển biến. Hạn chế phát sinh nguồn rác nơi công cộng, không để các tồn đọng trong ngày.

Các cơ quan chức năng đang đôn đốc tiến độ thực hiện dự án Nhà máy đốt rác phát điện 4.000 tấn/ngày tại Sóc Sơn; điều chỉnh chủ trương đầu tư nhà máy xử lý rác 1.500 tấn/ngày đêm tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn; Thường xuyên kiểm tra công tác vận hành tại 02 Khu xử lý rác thải tập trung đến nay khu xử lý chất thải Nam Sơn đã dần đi vào ổn định, kiểm soát được nguy cơ sự cố môi trường. Sở Xây dựng cũng đang tiếp tục phối hợp cùng các Sở, ngành, UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục giải quyết các kiến nghị của nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng. Tới đây, Sở Xây dựng sẽ bổ sung hai vị trí nghiền tái chế chất thải rắn xây dựng tại cửa ngõ Thủ đô (Chương Dương, huyện Thường Tín và khu đất 6,5ha Pháp Vân - Cầu Giẽ). Triển khai dự án đầu tư lắp đặt hệ thống thùng rác công nghệ kết hợp quảng cáo trên địa bàn Thành phố.

Giang Sơn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load