(Xây dựng) – Thực hiện Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 của UBND Thành phố quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, Chương trình công tác số 314/CTr-UBND ngày 28/12/2021 của UBND Thành phố, Chương trình số 01/CTr-SXD(KHTH) ngày 14/01/2021 của Sở Xây dựng về việc xây dựng chương trình công tác của Sở Xây dựng Hà Nội năm 2022, ngày 3/8, tại Hà Nội, Sở Xây dựng tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 công tác thanh tra, kiểm tra; Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Ông Võ Nguyên Phong – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Võ Nguyên Phong – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Đây là Hội nghị quan trọng được tổ chức, nhằm nắm bắt thông tin thực hiện hoạt động của UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo kết quả công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn quản lý 6 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, Sở Xây dựng báo cáo sơ kết công tác thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; Công tác quản lý trật tự xây dựng 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Báo cáo Kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Sở đã thực hiện tổng số 03 cuộc thanh tra chuyên ngành; Đồng thời thực hiện 48 cuộc kiểm tra chuyên ngành (thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực: việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và công sở...); Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư có vi phạm. Thanh tra Sở đã ban hành 16 Quyết định xử phạt (không phép, sai phép, sai quy hoạch, an toàn lao động...).
Những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022 như: Việc thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Thành phố Hà Nội đã góp phần giúp UBND cấp huyện, cấp xã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với các vi phạm trật tự xây dựng phát sinh trên địa bàn quản lý.
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã hướng dẫn chủ đầu tư, các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật góp phần vào việc xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật phát hiện, xử lý nghiêm đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, đồng thời qua thanh tra, kiểm tra phát hiện, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Việc tuyên truyền giáo dục pháp luật trong hoạt động xây dựng được các cấp chính quyền coi trọng, người dân và doanh nghiệp đã ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động xây dựng.
Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung thực hiện, các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh đã được tập trung giải quyết dứt điểm. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, góp phần quan trọng vào việc ổn định an ninh trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra, những mặt còn tồn tại, hạn chế và nguyên nhân còn tồn đọng: Hoạt động quản lý của chính quyền cơ sở và Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị cơ bản đã ngăn chặn được việc xây dựng không phép nhưng vẫn còn tình trạng công trình xây dựng sai phép như: lấn chiếm không gian, mật độ xây dựng, cơi nới mở rộng tum thang, xây dựng vượt diện tích tầng lửng, xây đua ban công, logia hoặc xây dựng tường quây thành phòng... chưa được xử lý kiên quyết, kịp thời. Việc xử lý vi phạm của các địa phương chưa quyết liệt, kịp thời xử lý ngăn chặn vi phạm.
Đa số các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng là nhà ở riêng lẻ đô thị, việc xử lý liên quan đến vấn đề bức xúc dân sinh. Vì vậy ở một vài nơi còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đặc biệt đối với những trường hợp vi phạm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, việc xử lý gặp nhiều khó khăn dễ gây khiếu kiện phức tạp.
Một số công trình vi phạm trên địa bàn UBND phường, xã, thị trấn, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị không kịp thời báo các cơ quan cấp trên để có biện pháp xử lý, khi được dư luận và Báo chí phản ánh các cơ quan vào cuộc thì các công trình đã vi phạm sâu, quy mô lớn dẫn đến gây khó khăn trong việc xử lý.
Quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị một số nơi còn thiếu đặc biệt tại các vùng ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, chất lượng cấp phép xây dựng chưa cao. Một số khu vực có quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch triển khai, chưa có quyết định thu hồi đất, chưa thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng. Dẫn đến công tác quản lý trật tự xây dựng một số địa phương gặp nhiều hạn chế và khó khăn.
Sự bất cập về cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức hoạt động đối với cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng. Trước đây còn là mô hình Thí điểm Thanh tra xây dựng, cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn được cấp trang phục để thực thi công vụ, được thi, bổ nhiệm các ngạch Thanh tra viên, Thanh tra viên chính... và được hưởng phụ cấp thanh tra viên, phụ cấp thâm niên nghề thanh tra. Hiện nay, các chính sách trên không còn được áp dụng nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tinh thần, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Điều này cũng ảnh hưởng không ít đến quá trình thực thi công vụ.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Tại Hội nghị, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề ra Phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 gồm 4 nhiệm vụ chính như sau:
Một là, thực hiện nhiệm vụ theo Chương trình công tác của UBND Thành phố, Chương trình của Sở Xây dựng; tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch của UBND Thành phố: Số 117/KH-UBND ngày 1/6/2017, về việc khắc phục những tồn tại hạn chế, yếu kém, nâng cao kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán trên địa bàn Thành phố; Số 125/KH-UBND ngày 01/6/2017 của UBND Thành phố về việc khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Hai là, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho toàn bộ lực lượng thanh tra xây dựng trên Thành phố nhằm nâng cao năng lực trong việc soạn thảo biên bản, thiết lập hồ sơ kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, giao tiếp hành chính khi thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng...
Ba là, triển khai thực hiện Kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm theo Kế hoạch đã được phê duyệt, nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, gắn hoạt động thanh tra với giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra của các cấp.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị trong đó tập trung vào các dự án phát triển nhà ở, các khu đô thị trên địa bàn Thành phố nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng từ khi mới phát sinh, không để phát sinh các vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng; Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng "siêu mỏng, siêu méo", báo cáo UBND Thành phố để kịp thời chỉ đạo, giải quyết trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã cần tập trung chỉ đạo Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên, kiểm tra, rà soát công trình xây dựng trên địa bàn; kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm mới phát sinh, tập trung phân loại, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng theo thẩm quyền; Thực hiện đồng bộ các giải pháp, các biện pháp ngăn chặn theo quy định đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Thảo Phương
Theo