(Xây dựng) – Năm 2021 là một năm lịch sử đối với tỉnh Bắc Giang khi đây từng trở thành tâm dịch đầu tiên lớn nhất cả nước với hàng nghìn ca F0. Trong bối cảnh đó, Sở Xây dựng Bắc Giang ngoài việc tham mưu, xây dựng các bệnh viện dã chiến phục vụ bệnh nhân nhiễm Covid-19, Sở còn tích cực thực hiện mục tiêu chính trị; xây dựng cơ chế, chính sách, đặc biệt là việc phát triển nhà ở công nhân, người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh.
Ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang phát biểu tại buổi đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong công tác phát triển đô thị. |
Thần tốc xây dựng cơ sở chống “giặc Covid-19”
Nhìn lại cuộc chiến chống dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Bắc Giang, Chính phủ và nhân dân cả nước ghi nhận sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị tỉnh, đặc biệt là các ngành Y tế, Xây dựng, Công an, Quân đội…
Tại thời điểm dịch bùng phát, để đáp ứng cơ sở thu dung, điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân có triệu chứng, nhiễm Covid-19, ngoài lực lượng Y tế, Công an, Quân đội, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bắc Giang ghi nhận sự vào cuộc thần tốc, hiệu quả của ngành Xây dựng tỉnh trong công tác tham mưu, vừa chỉ đạo tổ chức thiết kế, thi công xây dựng, vừa kiểm tra, nghiệm thu các công trình trước khi đưa vào sử dụng.
Ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang cho biết: Với vai trò là lực lượng tuyến đầu, đảm đương nhiệm vụ xây dựng các bệnh viện dã chiến phục vụ công tác thu dung, điều trị các bệnh nhân Covid-19, ngay sau khi dịch có dấu hiệu tăng mạnh trên địa bàn, dựa trên kịch bản và các phương án chống dịch của UBND tỉnh, Sở Xây dựng Bắc Giang đã chủ động tham mưu lãnh đạo tỉnh thực hiện khảo sát cơ sở vật chất tại các địa điểm để xây dựng các bệnh viện dã chiến đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cấp thiết.
“Để đảm bảo chất lượng xây dựng các bệnh viện dã chiến, Sở Xây dựng Bắc Giang đã chủ động đề xuất thành lập các tổ xây dựng tập trung tại các công trường để vừa thiết kế vừa chỉ đạo thi công, với thời gian hoàn thành mỗi công trình chỉ trong vòng 3 đến 5 ngày, điển hình như Bệnh viện dã chiến số 2 tại nhà thi đấu đáp ứng các tiêu chuẩn bệnh viện dã chiến theo quy định của Bộ Y tế với số lượng hơn 600 giường bệnh được thiết kế và thi công hoàn thành trong vòng 4 ngày; Trung tâm hồi sức tích cực ICU chuyên điều trị cho các bệnh nhân nặng (lớn nhất miền Bắc) đáp ứng cho 101 giường bệnh được thiết kế, thi công hoàn thành trong vòng 3 ngày. Đặc biệt, Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân tại thôn Chiền, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng cũng được tận dụng làm khu cách ly, theo dõi y tế đáp ứng khoảng 1.800 giường bệnh được thiết kế và thi công hoàn thành trong 3 ngày….”, ông Hùng cho biết thêm.
Đánh giá về chất lượng các bệnh viện dã chiến và trung tâm điều trị, qua các đợt khảo sát thực tế, Thứ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đều đánh giá cao và xác định các công trình sau khi hoàn thành đều phát huy tối đa hiệu quả sử dụng, đáp ứng tốt việc điều trị cho các bệnh nhân.
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: “Tôi đánh giá cao vai trò của các cấp, các ngành và đặc biệt là Tổ xây dựng Bệnh viện dã chiến của Sở Xây dựng trong việc tham mưu các biện pháp, trực tiếp chỉ đạo, điều hành thiết kế, thi công các công trình khẩn cấp đảm bảo cơ sở vật chất để hoàn thành các phương án chống dịch do tỉnh đề ra”.
Đảm bảo mục tiêu chính trị
Ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang cho biết: Năm 2021 là năm khó khăn đối với cả nước nói chung và toàn tỉnh Bắc Giang nói riêng. Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng cũng như đời sống người dân. Trước tình hình đó, Sở Xây dựng đã quán triệt nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND; chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương; thống nhất cao trong lãnh, chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp liên quan tới ngành; quyết tâm vừa phòng, chống đẩy lùi dịch bệnh, vừa khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhìn chung, các mục tiêu, nhiệm vụ Sở đề ra cơ bản hoàn thành, trong đó có công tác phát triển đô thị, quản lý kiến trúc quy hoạch, thanh kiểm tra...
Sở cũng thường xuyên tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp trong công tác phát triển đô thị trên địa bàn.
Tại buổi tọa đàm do Báo Xây dựng tổ chức, ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm “gỡ vướng” đẩy mạnh phát triển nhà ở công nhân. |
Đặc biệt, trong năm 2021, Sở Xây dựng đã phát huy vai trò trọng yếu trong việc kiểm soát đợt “sốt đất” chưa từng có tại Bắc Giang. Cụ thể trước thời điểm dịch bùng phát, chỉ trong thời gian ngắn, giá đất tại đây đã tăng 2-3 lần, thậm chí có những vị trí tăng gấp 4 lần. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tạo tín hiệu xấu cho thị trường bất động sản Bắc Giang bởi các mua bán, giao dịch chủ yếu với mục đích đầu cơ “lướt sóng” dẫn đến nguy cơ “vỡ bong bóng”.
Trước thực trạng đó, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Xây dựng đã lập tức vào cuộc nhằm khống chế “sốt đất”, quyết tâm làm minh bạch thị trường bất động sản.
Theo đó, hàng tháng, Sở Xây dựng Bắc Giang thường xuyên công bố công khai các dự án khu đô thị, khu dân cư trên website của Sở và thiết lập đường dây nóng để người dân có thể điện thoại trực tiếp trước khi mua, bán hoặc đặt cọc để Sở Xây dựng giải đáp hoặc cảnh báo người dân. Sở cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông lập các chuyên trang thông tin về bất động sản nhằm đảm bảo tính minh bạch, chính xác về thị trường.
Xây dựng cơ chế, đẩy mạnh phát triển nhà ở công nhân
Cũng trong năm 2021, ngoài việc kiểm soát thị trường, quản lý kiến trúc quy hoạch, phát triển đô thị…, Sở Xây dựng còn tập trung hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có việc tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh.
Theo tìm hiểu được biết, hiện Bắc Giang có khoảng 238.000 công nhân (trong đó, công nhân tại khu công nghiệp khoảng 190.000 người, tại cụm công nghiệp khoảng 48.000 người). Trong đó, số công nhân có nhu cầu về nhà ở hiện nay khoảng 124.000 người; công nhân đang thuê nhà trọ trong nhà của các hộ dân khoảng 58.000 người với điều kiện sinh hoạt hạn chế, thiếu các thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao… Số công nhân không có nhà lưu trú hàng ngày phải đi làm bằng phương tiện cá nhân hoặc xe khách công cộng đã ảnh hưởng đến thời gian và hiệu suất lao động, gây ách tắc, mất an toàn giao thông, hàng năm số vụ tai nạn giao thông liên quan đến công nhân ở các khu công nghiệp đều tăng.
Tuy nhiên, toàn tỉnh Bắc Giang hiện mới có 2 dự án nhà ở công nhân do doanh nghiệp xây dựng; 19 vị trí khu nhà ở xã hội dành cho công nhân đang triển khai; 9 dự án đã chấp thuận đầu tư, đang triển khai thi công và đang chấp thuận chủ trương đầu tư.
Xác định đây là việc cấp thiết, Sở Xây dựng Bắc Giang đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề phát triển nhà ở công nhân tầm nhìn đến 2025, xây dựng đề án xây dựng nhà ở công nhân…
Tại buổi tọa đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp” do Báo Xây dựng tổ chức mới đây, ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang cũng đưa ra thực trạng, những khó khăn vướng mắc và thẳng thắn kiến nghị một số giải pháp nhằm đẩy mạnh việc phát triển nhà ở công nhân. Theo đó, cho phép doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp sử dụng lao động được ký hợp đồng thuê nhà với chủ đầu dự án; công nhân lao động trong khu công nghiệp khi thuê nhà ở chỉ cần có hợp đồng lao động tại các doanh nhiệp sản xuất trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; sửa Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế…
Bệnh viện dã chiến số 2 tại nhà thi đấu Bắc Giang với hơn 600 giường bệnh được thiết kế và thi công trong vòng 4 ngày (Ảnh: TL). |
Hiện Bắc Giang đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái mới đây cũng thường xuyên khảo sát, kiểm tra thực tế nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, qua đó yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các đơn vị kiểm tra, nghiệm thu, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, thực hiện loại hình nhà ở này.
Kim Thoa
Theo