Thứ hai 09/12/2024 21:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Siết vốn tín dụng lên thị trường BĐS: Doanh nghiệp hoang mang lo sập thị trường

13:11 | 27/02/2016

(Xây dựng) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo sửa đổi thông tư 36/2014/TT-NHNN (Thông tư 36), trong đó dự kiến giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về BĐS từ 150% lên 250%.

Theo các chuyên gia tài chính, NHNN đang hướng đến việc điều chuyển dòng tiền để BĐS ít phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên điều này đang vấp phải những kiến nghị chưa nên siết tín dụng từ cộng đồng doanh nghiệp xây dựng – BĐS và hiệp hội chuyên ngành bởi những tác động tiêu cực sau khi siết rất nguy hiểm, có thể làm sập thị trường quan trọng của nền kinh tế quốc gia này.

“Chính sách gây nguy hiểm cho thị trường”


Ông Trần Ngọc Quang – Tổng TK Hiệp hội BĐS Việt Nam.

Tại buổi gặp mặt báo chí và doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ BĐS tổ chức chiều ngày 26/2, ông Trần Ngọc Quang – Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá: Thị trường BĐS vốn đã chứng kiến cảnh các chủ đầu tư chật vật, nỗ lực hết sức trong vài năm qua với sự điều hành hiệu quả của nhà nước thông qua công cụ chính sách mới hồi phục được một trong năm nay.

Nếu Thông tư 36 sửa đổi theo hướng thắt chặt tín dụng sẽ tạo ra một chính sách mới vô cùng nguy hiểm, tác động xấu đến toàn bộ nền kinh tế chung của đất nước. Gây ra hiệu ứng một số dự án bị ngừng trệ do thiếu vốn trong khi các nguồn khác như vốn DFI, quỹ tín dụng, quỹ đầu tư BĐS còn hạn hẹp.

“Mặt khác, tổng dư nợ tín dụng BĐS đang ở mức hợp lý, khoảng 360 nghìn tỷ đồng đến 380 nghìn tỷ đồng trên tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng là khoảng 4 triệu nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng dư nợ tín dụng BĐS khoảng dưới 10%, trong khi đó, mức thông thường cần phải áp dụng các biện pháp là khoảng 15%. Vì vậy, việc nâng hệ số rủi ro của BĐS từ 150% lên 250%  theo tôi là chưa đến mức cần thiết” – ông Quang nhấn mạnh.

"Siết tín dụng vào BĐS là một sai lầm!"


Ông Nguyễn Vũ Cao - Chủ tịch HĐQT Hoàng Gia Invest Group.

Ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch HĐQT Hoàng Gia Invest Group thì cho rằng: “Theo quan điểm của tôi, việc siết tín dụng vào BĐS là một sai lầm. Bởi vì BĐS là một mắt xích quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Thử tưởng tượng rằng khi vận hành một bộ máy mà một mắt xích nó yếu dẫn đến sẽ đứt thì bộ máy đó cũng sẽ dừng lại.

BĐS là loại hình có vốn hóa rất lớn và có ảnh hưởng tới rất nhiều ngành nghề kinh tế khác như sản xuất VLXD, nội thất, xây dựng… thậm chí cả lĩnh vực tài chính ngân hàng. Đây là những lĩnh vực chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong nền kinh tế, ảnh hưởng đến rất nhiều người. Siết tín dụng vào BĐS thì chắc chắn thị trường sẽ ảnh hưởng nặng nề bởi lẽ, BĐS Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay và ngân hàng. Nếu BĐS yếu đi, hệ thống ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng không hề nhỏ, khi đó sẽ có sự ảnh hưởng nhất định tới dòng tiền của nền kinh tế.”

“Bị phanh gấp, thị thường BĐS sao có thể an toàn”?


Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Cty CP Reenco Sông Hồng nhận xét:  Thị trường BĐS bao giờ cũng có chu kỳ lên xuống. Năm 2014 - 2015 thị trường mới bắt đầu đi lên, vì vậy phải nhiều năm nữa thị trường mới xuất hiện bong bóng nữa.

"Thị trường vừa phục hồi, các doanh nghiệp BĐS còn nhiều khó khăn, dễ bị tổn thương. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân, nhu cầu đầu tư chính đáng của nhà đầu tư rất lớn. Vì vậy, không thể "phanh gấp" thị trường bằng cách siết chặt tín dụng BĐS lại như dự thảo sửa đổi Thông tư 36. Bị “phanh gấp”, thị trường BĐS thật khó giữ an toàn", ông Điệp nhấn mạnh.

Ông Điệp cũng đưa ra kiến nghị: NHNN cần nghiên cứu kỹ hơn, điều tiết thế nào cho hợp lý. Nếu muốn khống chế đầu cơ thì phải điều tiết theo cơ chế thị trường có thể là đánh thuế cao hơn những người mua nhà từ căn nhà thứ hai trở đi....

“Vùi dập thị trường BĐS đi xuống”


Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch liên minh các sàn giao dịch BĐS G5.

Đại diện đơn vị phân phối bán hàng đến người mua nhà, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch liên minh các sàn giao dịch BĐS G5 cũng đã có những chia sẻ rất khẩn thiết. Theo ông Khánh, thị trường mới có sắc xuân, nếu sửa đổi thông tư 36 sẽ vùi dập thị trường BĐS xuống.

"Năm 2015 thị trường BĐS đã phục hồi hết sức thận trọng, thông tin thị trường rõ ràng, người mua nhà cẩn trọng hơn. Trong số các dự án chúng tôi bán tỷ lệ người mua vay nhà chỉ chiếm 10-15%, không phải tất cả khách hàng đều vay. Chủ yếu nguồn vốn của người mua nhà đến từ vốn tự có, vốn từ các nguồn khác chứ không riêng gì ngân hàng", ông Khánh chia sẻ.

"Tại sao phải siết, siết như thế nào đều không rõ ràng?"

TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá: Với nội dung sửa đổi như thế này thì có thể nói là rất khó để xem xét nó ảnh hưởng thế nào được. Còn đối với riêng BĐS, bao gồm nhiều loại hình BĐS khác nhau, do đó phải xem xét tín dụng ở các góc độ khác nhau mới làm rõ được vấn đề.


TS. Phạm Sỹ Liêm,
nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Hiện nay một số loại hình như căn hộ phổ thông, BĐS nghỉ dưỡng, du lịch… cũng đang rất đắt khách vậy thì tại sao lại phải siết lại? Thậm chí bây giờ loại hình căn hộ cao cấp cũng bán tốt, nhu cầu mua khá lớn, nhiều người còn muốn mua thêm để cho thuê. Nhiều báo cáo về BĐS cũng đề cập đến việc dân ở Hà Nội còn vào tận TP HCM mua các căn hộ cao cấp đắt tiền để cho thuê.

Họ hướng đến đối tượng là người nước ngoài, chuyên gia sang đầu tư và làm việc tại Việt Nam với thu nhập từ cho thuê khoảng vài nghìn đô la mỗi tháng. Trong khi đó, các báo cáo có nêu rõ, thị trường căn hộ cao cấp cho thuê này cũng cho thấy nhiều tín hiệu khá tốt, vậy tại sao lại phải siết tín dụng BĐS?

“Thế cho nên, nói siết tín dụng thì phải nói rõ siết cái gì và siết ở đâu, siết bên cung hay bên cầu hay siết cái gì thì cũng đều không rõ? Bởi vì thị trường BĐS nó phát triển không đồng đều trên cả nước, những nơi khác thì tôi không rõ nhưng Hà Nội và TP HCM thì rõ ràng BĐS đang phát triển tốt. Cho nên, nói một câu là “siết” thì ngay cả với NHNN lúc này mà nói thì đây không phải là lúc thị trường BĐS suy thoái để mà siết lại, mà có phân khúc nào đó gặp khó hoặc khu vực nào đó mà cầu không lớn thì có thể siết lại hoạt động cho vay” – ông Liêm nói.


Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM.

Đề nghị chưa sửa đổi Thông tư 36

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoRea) đề nghị chưa sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của NHNN trong thời điểm hiện nay. Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước có những nguồn thông tin dẫn đến yêu cầu bắt buộc phải sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN thì HoRea có đề xuất phương án là “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa như sau: Ngân hàng thương mại 50%; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài 50%”.

Ông Châu cũng đề nghị xếp "các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS" vào "Nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150%" như đã quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

Ninh Toàn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load