Thời điểm hiện tại chỉ còn hơn 8 tháng là phải hoàn thành 4 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn đó những dự án chưa đáp ứng tiến độ. Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra nhiều giải pháp, một trong những giải pháp đó là nhanh chóng thay thế các nhà thầu yếu kém.
Sẽ mạnh tay với nhà thầu yếu làm chậm cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa: TTXVN |
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải phải hoàn thành 361 km cao tốc của 4 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Hiện nay, 2 dự án đang đáp ứng tiến độ gồm: Đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 dài 63,37 km với sản lượng thực hiện đạt 57,5% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu; đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km, dự kiến hoàn thành ngày 30/9, hiện đạt khoảng 81,8% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng kế hoạch.
Còn lại 2 dự án là Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây vẫn chậm tiến độ do một số nhà thầu không đáp ứng được năng lực tài chính và kinh nghiệm tổ chức thi công.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, cao tốc Bắc Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022. Tuy nhiên dự án đang chậm khoảng trên 13% giá trị hợp đồng (chậm khoảng 2 tháng) so với kế hoạch. Đây là dự án đang có tiến độ đáng lo ngại nhất trong các dự án phải hoàn thành trong năm 2022.
Nguyên nhân chậm tiến độ được cho là do khách quan như ảnh hưởng của COVID-19, thời tiết…, đặc biệt là tình trạng khan hiếm vật liệu đất đắp trong thời gian dài. Tuy nhiên, sự yếu kém về năng lực và tính chuyên nghiệp của cả đại diện chủ đầu tư và phần lớn nhà thầu xây lắp tại
Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vào lúc này mới là nguyên nhân chính và lo lắng lớn nhất của Bộ Giao thông Vận tải. Trong Thông báo số 117/TB-BGTVT ngày 30/3/2022 tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai thực hiện Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã đưa ra những đánh giá gay gắt đối với Ban Quản lý dự án 7 - đại diện chủ đầu tư và các nhà thầu.
Đó là: "Ban Quản lý dự án 7 và các đơn vị thi công chưa nghiêm túc triển khai thực hiện, dẫn đến tình trạng chậm tiến độ kéo dài và có nguy cơ ngày càng chậm, không có chuyển biến tích cực. Các nhà thầu chưa tập trung cao trong công tác tổ chức điều hành, huy động nguồn lực, triển khai trên công trường, chưa xây dựng cụ thể kế hoạch, giải pháp thực hiện đẩy nhanh tiến độ để bù lại tiến độ đã bị chậm trễ và có nguy cơ không hoàn thành dự án đúng tiến độ".
Để kịp tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo nhà thầu cam kết tiến độ hoàn thành dự án theo các mốc thời gian: Đến ngày 15/4 sản lượng thi công của dự án phải đạt 34,5% (2.094 tỷ đồng) và đến ngày 30/6 phải đạt 50,8% (3.081 tỷ đồng).
Mặc dù ghi nhận của phóng viên TTXVN những ngày này trên công trường các nhà thầu tại dự án này đã có những chuyển biến tích cực, tổ chức tăng ca, kíp thi công, nhưng đến ngày 15/4 sản lượng mới đạt 32,9% hợp đồng, chậm khoảng 97 tỷ đồng (tương đương 8 ngày thi công) so với tiến độ cam kết mới nhất.
Trước thực trạng đó, trong tháng 3 và 4/2022, Ban Quản lý dự án 7 đã thực hiện cắt chuyển 16,5km của 3 nhà thầu và 7 tổ đội thi công yếu kém. Đồng thời, yêu cầu tiếp tục theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện của các nhà thầu, đảm bảo đến ngày 30/4 dự án phải đạt được sản lượng thi công là 36% giá trị hợp đồng và đến ngày 30/6 phải đạt được sản lượng thi công 50,8% giá trị hợp đồng.
"Nếu các nhà thầu đáp ứng các mốc tiến độ nêu trên và UBND tỉnh Bình Thuận tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền đường dứt điểm trong tháng 4/2022 (hiện còn 0,9 triệu m3 vật liệu đất đắp chưa được cấp phép khai thác và 1,34 triệu m3 vật liệu đất đắp đã cấp phép nhưng chưa khai thác được), dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu", báo cáo Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.
Mặc dù vậy, một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khi nói về dự án này thừa nhận, khối lượng, sản lượng thực hiện còn lại là rất lớn (khoảng hơn 67%), thời gian thực tế thi công chỉ còn khoảng 5 - 6 tháng (trừ thời gian ảnh hưởng của thời tiết mưa ở Bình Thuận), nên nếu không có giải pháp quyết liệt, Dự án Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khó có thể hoàn thành vào ngày 30/12/2022 như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Với dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km cũng phải hoàn thành tháng 12/2022. Sản lượng thực hiện đạt 38,5% giá trị hợp đồng, dự án hiện chậm khoảng 1,4% giá trị hợp đồng so với kế hoạch.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ do một số nhà thầu thiếu hụt kinh phí, chưa kịp thời huy động đủ thiết bị mở thêm các mũi thi công và ảnh hưởng mưa trái mùa đầu tháng 4/2022.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long đã yêu cầu nhà thầu đã cam kết tổ chức thi công bù sản lượng theo kế hoạch ngay trong tháng 4 này và hoàn thành công trình trong năm 2022 với các mốc kế hoạch mới. Nếu đến ngày 30/4, sản lượng thi công không được cải thiện, Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết sẽ thực hiện báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cắt chuyển khối lượng do các nhà thầu này phụ trách.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, hiện nay, các nhà thầu đang nỗ lực huy động bổ sung thiết bị, tích cực triển khai thi công. Với tiến độ như hiện nay, dự án sẽ hoàn thành đúng kế hoạch.
Ngoài 2 dự án nêu trên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết để đảm bảo tiến độ chung của toàn tuyến cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm như cảnh cáo, nhắc nhở; cắt, chuyển khối lượng. Đối với các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng, cấm đấu thầu từ 3-5 năm đối với dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Hiện một số nhà thầu đã được điểm mặt vì không đáp ứng tiến độ đề ra. Ví dụ như dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết đã có văn bản nhắc nhở các nhà thầu phụ là Công ty 388 và Công ty Tân Thành, yêu cầu các nhà thầu chính là Công ty Hòa Hiệp, Công ty 122 Vĩnh Thịnh tăng cường thi công khi thầu phụ không đáp ứng tiến độ.
Một số nhà thầu cũng được đưa vào diện cảnh báo như: Tổng công ty 319 và nhà thầu phụ Hoàng Nguyên, Công ty Nhạc Sơn, Công ty Hà An, Công ty Thành Phát, Cienco5 và thầu phụ Công ty Đại Hiệp, Công ty 471 và nhà thầu phụ Công ty Bảo Sơn.
Đặc biệt, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng điều chuyển khối lượng 560m của Công ty TNHH Hoàng Nguyên và đường đầu cầu của Công ty TNHH Vinh Khải tại gói thầu XL3 tại dự án Cam Lộ - La Sơn cho Công ty cổ phần Xây dựng dịch vụ và thương mại 68.
Ngoài việc kiên quyết xử lý các nhà thầu yếu kém, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp để đảm bảo các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam bám sát kế hoạch đã đề ra, như: Bộ trưởng phân công các đồng chí Thứ trưởng phụ trách thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc các Ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đồng thời làm việc với các địa phương để giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu...
Tập thể lãnh đạo Bộ tổ chức họp giao ban kiểm điểm tiến độ hàng tuần, nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu của các Ban Quản lý dự án có dự án chậm tiến độ; trường hợp dự án không có chuyển biến sẽ không giao dự án mới và xem xét thay thế người đứng đầu.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các Ban quản lý dự án tăng cường cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, điều hành, giải quyết ngay các vướng mắc, như yêu cầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát xử lý kịp thời các vấn đề kỹ thuật phát sinh; đẩy nhanh nghiệm thu, thanh toán để giải quyết khó khăn về tài chính cho nhà thầu; phối hợp chặt chẽ với địa phương giải quyết các vướng mắc về giải phòng mặt bằng, nguồn vật liệu.
Theo Quang Toàn (TTXVN)