(Xây dựng) – Ngày 12/07/2023, tại phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 19/07/2023.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. |
Sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm nguyên tắc thống nhất
Theo Nghị quyết số 352023/UBTVQH15 ngày 12/07/2023, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 bao gồm 3 trường hợp. Trước hết là đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/05/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/09/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 27).
Đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết số 27 cũng thuộc diện cần sắp xếp. Cuối cùng là đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết số 27.
Trong khi đó, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2026 – 2030 bao gồm 3 trường hợp. Thứ nhất là đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết số 27. Thứ hai là đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết số 27. Thứ ba là đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết số 27.
Số liệu về diện tích tự nhiên và quy mô dân số làm cơ sở cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 được tính đến thời điểm ngày 31/12/2022. Số liệu làm cơ sở cho việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2026 - 2030 được tính đến thời điểm ngày 31/12/2025.
Việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm nguyên tắc thống nhất và gắn với việc sắp xếp tổ chức Đảng và tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Quá trình xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần bảo đảm sự tiếp nối của giai đoạn 2023 - 2025 với giai đoạn 2026 – 2030. |
Cần xử lý dứt điểm đơn vị hành chính có tranh chấp về địa giới
Để việc triển khai thực hiện Nghị quyết kịp thời, hiệu quả và đồng bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.
Trong đó, Chính phủ khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025. Nội dung Kế hoạch phải xác định cụ thể yêu cầu về lộ trình, tiến độ thực hiện, trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương các cấp. Các cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và đơn vị cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng đề án, xác định mục tiêu, lộ trình và tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân ở các địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện bảo đảm đúng yêu cầu, tiến độ và hiệu quả.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và các đề án thành phần, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan cần đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ, rút ngắn thời gian giải quyết để bảo đảm tiến độ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng phải kịp thời hướng dẫn việc thực hiện các công việc có liên quan thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực, tạo thuận lợi tối đa cho quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.
Trong quá trình xây dựng phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện phương án sắp xếp để bảo đảm sự tiếp nối của giai đoạn 2023 - 2025 với giai đoạn 2026 – 2030. Khi xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cấp tỉnh cần xem xét, đánh giá toàn diện cả quá trình hình thành, phát triển của các đơn vị hành chính để kế thừa, tiếp tục phát huy truyền thống của địa phương.
HĐND, UBND cấp tỉnh phải có giải pháp điều chỉnh, xử lý dứt điểm các trường hợp đơn vị hành chính có tranh chấp về địa giới hành chính, đơn vị hành chính có địa hình chia cắt, không thuận lợi cho người dân và công tác quản lý của chính quyền địa phương. Ngoài ra, chính quyền cần chủ động rà soát, xem xét tạm dừng phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở công tại những đơn vị hành chính dự kiến nhập, điều chỉnh vào đơn vị hành chính khác, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Khi lựa chọn, xác định tên gọi của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, chính quyền phải lựa chọn tên gọi có ý nghĩa, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương. Để thực hiện tốt công việc này, các cấp chính quyền cần lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, đồng thời có tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa.
Dịch Phong
Theo