Thứ ba 05/11/2024 07:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Dam San chuyển mình mở rộng lĩnh vực kinh doanh đón xuân quý mão 2023:

Sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời

15:00 | 20/01/2023

(Xây dựng) - Mùa xuân này, Công ty CP Dam San (Dam San) như vui hơn, khí thế hơn bởi đang chuẩn bị hiện thực hoá ý tưởng mới đầu tư nhà máy sản xuất tấm panel năng lượng mặt trời, hưởng ứng chương trình “thắp sáng đường quê” trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Thái Bình.

Sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời
Nhà máy sản xuất tấm Panel năng lượng mặt trời của Damsan.

Dam San được biết đến là DN tiên phong trong ngành sợi/dệt và phát triển đa ngành, với cốt lõi là dệt may và BĐS. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid - 19 nắm bắt được xu hướng phát triển của thị trường, cũng như định hướng của UBND tỉnh Thái Bình, ông Vũ Huy Đông - Chủ tịch HĐQT Dam San chia sẻ ý tưởng mới, sẽ cho ra đời nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, với ưu điểm vượt trội, hiện đại. Đây là ý tưởng mới, rất mạnh dạn và nhạy bén của đơn vị.

Mục tiêu đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tấm panel năng lượng mặt trời có quy mô hiện đại, phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Đồng thời, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, ưu tiên khai thác sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch để phục vụ sản xuất, đời sống, góp phần tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội của huyện Tiền Hải nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung.

Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời do Công ty CP Tập đoàn Năng lượng xanh AD, thuộc Dam San thực hiện, tại cụm công nghiệp An Ninh, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, Thái Bình; với diện tích hơn 79.000 m². Tổng số vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 120 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động

Công suất thiết kế và quy mô sản xuất theo dây chuyền hiện đại, công nghệ cao sản lượng dự kiến đạt 1.850.000 sản phẩm/năm. Dự án sẽ hoàn thành xây dựng và lắp đặt thiết bị vào quý II/2023; bắt đầu hoạt động chính thức từ quý III/2023.

“Dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm ổn định cho 1.000 lao động trong khu vực, có thu nhập trung bình 9 - 15 triệu đ/người/tháng. Góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ” - ông Vũ Huy Đông cho biết.

Sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời
Hình ảnh 3D Nhà máy sản xuất tấm pin tấm panel năng lượng mặt trời.

Cũng thông tin từ đơn vị, chuyển dịch sang lĩnh vực mới, để phù hợp với xu hướng của thị trường, định hướng của tỉnh, Dam San đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm từ nhiều đơn vị sản xuất tấm panel năng lượng mặt trời trong và ngoài nước; Mời các chuyên gia đầu ngành về khảo sát, tư vấn… Hình ảnh về một nhà máy sản xuất tấm panel năng lượng mặt trời của Dam San được đầu tư xây dựng theo dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến và đồng bộ, được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới, tính hiệu quả cao, đang dần hiện hữu.

Dây chuyền công nghệ của dự án này có đặc điểm nổi bật trình độ công nghệ tiên tiến, có độ chính xác cao; phù hợp với quy mô đầu tư lựa chọn; sử dụng hợp lý nguyên nhiên vật liệu, năng lượng và nhân lực; chất lượng sản phẩm được khẳng định trong suốt quá trình sản xuất; đảm bảo an toàn với người lao động và thân thiện với môi trường.

Theo đề án, sau khi sản phẩm ra đời sẽ hướng tới thị trường các quốc gia phát triển và đang phát triển chú trọng sử dụng năng lượng xanh như Nhật, Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á và Việt Nam…

Bên cạnh đó, Dam San sẽ lắp đặt đèn năng lượng mặt trời vào hệ thống giao thông nội đô và khu vực nông thôn theo đề án chương trình “thắp sáng đồng quê” mang ánh sáng đến từng con xóm nhỏ. Đây là bước đột phá thay thế ánh sáng đường giao thông bằng hệ thống đèn năng lượng mặt trời, với thiết kế kỹ thuật thông minh, an toàn với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Dự kiến trong tương lai gần, Dam San sẽ có nhà máy lắp ráp đèn năng lượng, quy mô công suất lớn tại Thái Bình.

Trước đó, hồi đầu tháng 5/2022, Dam San vừa ký kết hợp tác với Tập đoàn ET Solar đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất tấm silicon, ứng dụng trong ngành công nghiệp bán dẫn và năng lượng mặt trời, tại cụm công nghiệp An Ninh, huyện Tiền Hải, Thái Bình.

Đây là dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay vào cụm công nghiệp tại tỉnh. Tổng mức đầu tư 98 triệu USD, xây dựng trên diện tích 6,8 ha tại Cụm công nghiệp An Ninh, Dam San làm chủ đầu tư. Nhà máy dự kiến sản xuất 300 triệu tấm/năm, doanh thu khoảng 280 triệu USD/năm, mang lại nguồn thuế từ 400 tỷ đ/năm cho tỉnh, tạo việc làm trên 1.000 lao động khi đi vào hoạt động).

Dam San đi đầu trong việc đầu tư vào năng lượng mặt trời với Công ty AD Green có công suất 3GW điện/năm tại Cụm công nghiệp An Ninh, Tiền Hải. Đồng thời, quyết định chuyển Cụm công nghiệp An Ninh mở rộng 75 ha thành cụm công nghiệp sản xuất năng lượng mặt trời.

Thực tế đã minh chứng, đầu tư vào công nghiệp năng lượng tái tạo điện mặt trời là xu thế của thời đại, để tạo ra cuộc sống xanh, sạch cho hôm nay và tương lai. Hai ngành này, đều là bước ngoặt chuyển mình của Dam San từ công nghiệp nhẹ, công nghiệp truyền thống sang công nghiệp công nghệ kỹ thuật cao, để giảm nguồn nguyên liệu hoá thạch, hướng tới sử dụng năng lượng xanh sạch, bảo vệ môi trường.

Mùa Xuân mới đang về, hy vọng với khí thế, tinh thần nhạy bén tiếp cận xu hướng, Dam San sẽ thành công ở lĩnh vực mới - sản xuất tấm panel năng lượng mặt trời và sản xuất tấm Silicon. Đưa Dam San tiếp tục là đơn vị tiên phong trong ngành công nghiệp kỹ thuật cao tại Thái Bình, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình “thắp sáng đường quê”, tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội của huyện Tiền Hải nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung.

Kim Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load