(Xây dựng) – Thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, lãi suất ngân hàng cao, thuế cao so với điều kiện thực tế, khiến thị trường vật liệu xây dựng hầu như ngưng trệ… Từ đó, các Hiệp hội cũng như doanh nghiệp lớn nhỏ trong nước đều phải tìm ra giải pháp cho thị trường vật liệu xây dựng. Hãy cùng chúng tôi gặp gỡ ông Nguyễn Mạnh Bình San (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Landscape Association) – Trưởng ban SACABANKS (Ngân hàng Vật liệu Xây dựng Hiệp hội SACA) để tìm hiểu một số giải pháp mà SACA đưa ra để hỗ trợ hội viên.
Ông Nguyễn Mạnh Bình San - Trưởng ban SACABANKS (Ngân hàng Vật liệu Xây dựng Hiệp hội SACA). |
PV: Thưa ông Bình San, để bạn đọc có thể hiểu hơn về Hiệp Hội SACA và Ban Ngân hàng vật liệu xây dựng hiệp hội SACA (SACABANKS), ông có thể giới thiệu qua về SACA và SACABANKS?
Ông Nguyễn Mạnh Bình San: Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (SACA) đang hoạt động với tổng số hơn 300 hội viên và có lịch sử thành lập 32 năm và thu hút rất nhiều doanh nghiệp trong ngành Xây dựng và vật liệu xây dựng tham gia hoạt động. Trong suốt 32 năm hình thành và phát triển, SACA luôn nỗ lực không ngừng để ngày càng phát triển lớn mạnh, quy tụ và gắn kết những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, bất động sản và vật liệu xây dựng đã hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, kể cả trong và ngoài nước, đồng thời tạo ra nguồn lực là những chuyên gia đầu ngành, tham gia tích cực trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, các đề án phát triển đô thị quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh.
Một thực tế cho thấy, đa phần các hội viên trong các hiệp hội thường tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp rất tổng thể và lý tưởng doanh nghiệp mà thiếu tính cụ thể, thực tế và tương tác sâu về các sản phẩm dịch vụ, cho nên việc mua hàng và dịch vụ nội bộ Hiệp hội rất ít, cũng như việc các hội viên hỗ trợ giới thiệu cho nhau ra thị trường bên ngoài cũng rất e dè vì thiếu thông tin trực quan chính xác để tự tin, mạnh dạn giới thiệu sản phẩm của nhau, đây là điểm yếu chung của gần như phần lớn các hiệp hội.
Vì vậy, Ban Phát triển ngân hàng vật liệu xây dựng Hiệp hội SACA (trực thuộc Hiệp hội SACA) tên viết tắt là SACABANKS ra đời. Ban SACABANKS là một môi trường hẹp hơn, đi tìm giải pháp giải quyết kinh doanh nội bộ.
Giải nghĩa về tên gọi SACABANKS, thì “bank” ở đây không được hiểu theo nghĩa là ngân hàng tài chính; mà bank ở đây được hiểu theo nghĩa rộng hơn là nơi lưu trữ dữ liệu thông tin sản phẩm, thông tin doanh nghiệp và còn là “ngân hàng” khách hàng tiềm năng cho các doanh nghiệp. Do đó, SACABANKS cung cấp cho các hội viên những giải pháp, chiến lược mới tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh, nhanh chóng đưa dịch vụ xây dựng cũng như các sản phẩm vật liệu xây dựng Việt Nam phát triển ra thị trường nước ngoài, khôi phục tốc độ tăng trưởng đã đạt được trong ba thập niên qua.
PV: Với vai trò là Trưởng Ban Ngân hàng vật liệu xây dựng Hiệp hội SACA, ông có thể cho biết giải pháp của Hiệp hội SACA cũng như SACABANKS đối với các hội viên của mình trong thời điểm khó khăn hiện tại?
Ông Nguyễn Mạnh Bình San: Những biến động thời gian qua như khủng hoảng tiền tệ, cuộc xung đột Nga - Ukraine, lệnh phong tỏa “Zero-Covid” của Trung Quốc… đã gây thiệt hại lên nền kinh tế thế giới. Trong đó có nhiều ngành nghề bị tác động, bao gồm cả ngành Vật liệu xây dựng.
Doanh nghiệp ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam hiện phải đương đầu với hai trở ngại lớn là “biến động giá nguyên vật liệu” và “tác động của suy thoái kinh tế”.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu không tích cực kéo theo sức cầu vật liệu xây dựng yếu. Ngoài ra, rào cản thương mại ở các nước nhập khẩu buộc doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam cũng vất vả hơn khi tìm kiếm thị trường xuất khẩu… Hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp tương đối lớn. Đứng trước nỗi lo chung của các doanh nghiệp về sản xuất vật liệu xây dựng, Ngân hàng Vật liệu xây dựng SACA (SACABANKS) thuộc Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (SACA) đã bắt đầu triển khai kênh bán lẻ trực tuyến - Ngân hàng vật liệu xây dựng Saca online. Với 3 nội dung chính:
1. Trực quan và cụ thể số hóa thông tin sản phẩm của hội viên.
“1 click all information” (thông tin chỉ bằng một cái nhấp chuột). Chỉ cần ấn nút tìm kiếm từ khóa có liên quan, mọi thông tin về doanh nghiệp cũng như mặt hàng kinh doanh của doanh nghiệp đó sẽ được hiển thị một cách đầy đủ và chính xác nhất.
2. Tương tác đa chiều với tư vấn trực tuyến online, mỗi doanh nghiệp đã được đăng ký vào ngân hàng vật liệu xây dựng SACA, đều được ít nhất 5 doanh nghiệp thành viên khác của SACA hiểu biết sâu về sản phẩm và có thể thay thế doanh nghiệp có sản phẩm trong việc giới thiệu và tương tác với khách hàng. Cho phép không chỉ các doanh nghiệp thành viên SACA hiểu biết rõ về sản phẩm của nhau mà không gì chứng nhận bằng người khác nói tốt về sản phẩm của mình tạo ra kênh đánh giá đáng tin cậy cho khách hàng và thị trường.
3. Hỗ trợ bán chung nhóm hàng vào 1 dự án với hổ trợ mua trước trả sau, ưu đãi tổng hợp trên doanh thu.
Vừa tạo sự kết nối doanh nghiệp hội viên với khách hàng nhanh chóng và tạo ưu thế cạnh tranh bằng chất lượng kiểm soát và các ưu đãi thanh toán, ưu đãi giá tổng thể.
PV: Ý tưởng của Siêu thị ngân hàng vật liệu xây dựng có từ đâu, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Bình San: Quan sát nhiều doanh nghiệp đang phát triển kinh doanh bằng công nghệ trên thị trường hiện nay như Grab, Google, ChatGPT… chúng tôi sẽ chắt lọc những cái hay từ các trang công nghệ này để nghiên cứu và ứng dụng vào việc xây dựng trang website tương tác và phát triển vào thực tế ngành sản phẩm vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, đã từ nhiều năm, mỗi khi có sự biến động tăng cao chi phí đầu vào, tăng thuế, phí… ngành Vật liệu xây dựng luôn nhắc nhau phải nâng cao năng suất, cải tiến công nghệ, tiết giảm chi phí về nhiều mặt. Đây là điệp khúc được nhắc đi, nhắc lại nhiều và lúc nào cũng đúng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi doanh nghiệp và không cần phải chờ đến lúc biến động chi phí đầu vào. Kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn là giá, chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào, chi phí năng lượng ngày càng tăng và nếu có giảm thì chỉ giảm một phần nhỏ, sau khi đã tăng quá cao, nghĩa là chi phí ngày càng tăng.
Từ đó, bài toán đặt ra không chỉ với mỗi doanh nghiệp ngành Vật liệu xây dựng mà còn là nỗi niềm của những người đứng đầu các Hiệp hội ngành Xây dựng về phương pháp nhằm tháo gỡ khó khăn giúp thúc đẩy tăng trưởng “hệ sinh thái” đi cùng như xây dựng, vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, trong bối cảnh người tiêu dùng đang rất quan tâm về thông tin sản phẩm, giá cả, tính năng, chất lượng… của hàng hóa, sản phẩm; việc phát triển các trang thương mại điện tử ngành Vật liệu xây dựng đã mở ra cơ hội cho người tiêu dùng sở hữu các sản phẩm với chất lượng tối ưu và giá cả phải chăng. Tiện lợi trong việc chọn lựa, thanh toán, tham khảo nhanh chóng, dễ dàng; thương mại điện tử chính là xu hướng của tương lai cho ngành Vật liệu xây dựng nói riêng và thị trường hàng hóa nói chung.
Mô hình Siêu thị vật liệu xây dựng trực tuyến. |
Mô hình Siêu thị vật liệu xây dựng trực tuyến hiện đang được chúng tôi triển khai, bắt tay ngày đêm xây dựng và bắt đầu cho lưu hành nội bộ trong Hiệp hội SACA. Khi mọi thứ hoàn thiện thì chỉ cần năm sau, mô hình Siêu thị vật liệu SACABANKS sẽ đưa ra ngoài thị trường để người tiêu dùng mua bán trực tuyến, được tư vấn trực tuyến bằng sự thân tình nhất và kết nối nhanh nhất giúp khách hàng đưa ra lựa chọn sau cùng tốt nhất. Khi thúc đẩy được mô hình bán lẻ ra toàn quốc, các doanh nghiệp sẽ giải quyết được vấn đề tồn kho đưa dòng vốn lưu chuyển dễ dàng hơn thì sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững hơn.
PV: Thưa ông, ông có thể cụ thể hơn về phương thức hoạt động và mục tiêu hướng tới của Siêu thị vật liệu SACABANKS được không?
Ông Nguyễn Mạnh Bình San: SACABANKS là mô hình đầu tiên xuất hiện trong một tổ chức hiệp hội, SACABANKS sẽ giải quyết 3 bài toán mà các hội viên thường đang vướng mắc ở các hiệp hội.
Bài toán thứ nhất, SACABANKS sẽ giữ vai trò là “công cụ” để cụ thể hóa thông tin trực quan bởi thông tin là giá trị đầu bảng của doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp giới thiệu về công ty của mình một là cao siêu quá, 2 là sáo rỗng quá, 3 là không thực tế thì SACABANKS sẽ là nơi thẩm định thông tin doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm cung cấp. Sản phẩm phải được hiệp hội xét duyệt thì mới được đăng tải thông tin lên SACABANKS, khi được hiệp hội bảo chứng uy tín thì các hội viên trong hiệp hội sẽ yên tâm và sản phẩm của các thành viên.
Giải bài toán thứ 2 là thúc đẩy kết nối hội viên để thấu hiểu lẫn nhau cùng mua hàng cho nhau. Tiếp đó, SACABANKS sẽ có 2 nhiệm vụ khi giải quyết vấn đề mua bán nội bộ, khuyến khích mua bán nội bộ, đây cũng được coi là bước thử nghiệm và sau đó sẽ là bước huấn luyện đào tạo cho thành viên trong hiệp hội thao tác quy trình. Lúc này, các hội viên trên nền tảng Siêu thị trực tuyến SACABANKS mới đủ điều kiện năng lực để tương tác với thị trường bên ngoài.
Xác định mục tiêu xây dựng vững mạnh trong nội bộ dựa trên tình thương san sẻ cho nhau, mua hàng cho nhau với phương châm khi có nhu cầu mua hàng hay mua cho người cùng một nhà trước. Sau đó tương tác bên ngoài, khi đó SACABANKS sẽ trở thành một trung tâm dữ liệu ngân hàng dữ liệu để cung cấp thông tin ra bên ngoài để khách hàng bên ngoài có thể tiếp cận mặt hàng nhanh nhất. Đồng thời, SACABANKS có thể đứng ra hỗ trợ cung cấp thông tin và ngoại giao giúp các doanh nghiệp để thực hiện quá trình mua, bán, trao đổi sản phẩm. Từ đó, SACABANKS được coi là nơi đảm bảo cho niềm tin của khách hàng.
Ảnh minh họa. |
Nhiệm vụ thứ 3 là gia tăng sự tin cậy của khách hàng đối với sản phẩm của hội viên của SACABANKS. Muốn gia tăng sự tin cậy của khách hàng đối với hội viên SACABANKS quan trọng đầu bảng là doanh nghiệp phải tự xây dựng niềm tin cho mình. Xây dựng ở đây là hình ảnh chủ doanh nghiệp, sản phẩm thể hiện cốt cách, cái tâm của người làm chủ, chất lượng của mặt hàng mình bán lên trang thông tin SACABANKS và lên các trang thông tin truyền thông khác.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông vì buổi phỏng vấn hôm nay. Chúc ông thật nhiều sức khỏe và SACABANKS sẽ gặt hái được nhiều thành công trong những dự án sắp tới!
Nguyễn Dương – Hàn Thủy
Theo