Thứ năm 06/02/2025 00:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Sa Thầy (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả các tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới

20:29 | 19/11/2024

(Xây dựng) - Thời gian qua, xác định giáo dục là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trường học, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Sa Thầy (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả các tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới
Giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh thích thú và hứng khởi mỗi ngày tới trường.

Cô Võ Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Sa Thầy cho biết, trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), các tiêu chí về giáo dục gồm có 2 tiêu chí: tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục. Để thực hiện hiệu quả các tiêu chí trên, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học ở các cấp. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chỉ đạo các đơn vị trường học cùng nỗ lực thực hiện hiệu quả các tiêu chí phù hợp với tình hình thực tiễn; lồng ghép, huy động nguồn lực của Nhà nước, các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư hiệu quả cho công tác giáo dục.

Đối với tiêu chí số 5 về trường học, Phòng GD&ĐT huyện đã tranh thủ các nguồn lực để xây mới, sửa chữa nhiều phòng học, phòng bộ môn và các công trình phụ trợ tại các trường học.

Từ năm 2021 đến nay đã xây mới 47 phòng học, 8 công trình vệ sinh, 3 công trình nước sạch, 12 phòng học bộ môn, 3 nhà hành chính, quản trị, cải tạo sửa chữa 71 phòng học, 6 công trình vệ sinh, nước sạch; bổ sung trang thiết bị dạy học: 756 máy vi tính, 1.885 bộ bàn ghế mới, sửa chữa 757 bộ bàn ghế, 319 bộ đồ dùng đồ chơi và 38 thiết bị khác với tổng nguồn vốn trên 116,777 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Nhà nước gần 114,777 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa gần 2,041 tỷ đồng).

Tính riêng năm 2024 đã xây mới 7 phòng học, 9 phòng bộ môn; cải tạo sửa chữa: 19 phòng học, 5 cổng tường rào và các công trình phụ trợ khác với tổng kinh phí trên 1,556 tỷ đồng.

Đối với tiêu chí số 14 về giáo dục, ngành Giáo dục huyện đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, quan tâm bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để đạt chuẩn, trên chuẩn; sắp xếp, bổ sung đội ngũ nhân lực phù hợp, đáp ứng các yêu cầu để nâng cao chất lượng dạy và học.

Toàn huyện Sa Thầy có 38 trường học (36 trường công lập và 2 trường mầm non tư thục) với 562 lớp, 14.944 học sinh (DTTS chiếm trên 68%). Được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư nhiều mặt đã giúp chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện ngày một nâng cao.

Trong đó, huyện có tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra học mầm non đạt 100%; 100% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 và 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6; công tác xóa mù chữ đạt hiệu quả, thực hiện giảng dạy chương trình xóa mù chữ tại 24 điểm trường; tỷ lệ phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức 3 đạt 100% ở tất cả các địa phương; phổ cập giáo dục THCS có 5/11 xã, thị trấn đạt mức 3 và 6/11 xã, thị trấn còn lại đạt mức 2; 11/11 xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; cơ sở vật chất đảm bảo 1 phòng/1 lớp học để tổ chức dạy 2 buổi/ ngày đối với tất cả các trường; số phòng học bộ môn đáp ứng tương đối đầy đủ cho công tác dạy và học.

Hiện nay, huyện Sa Thầy có 990 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học; trong đó cán bộ quản lý 95 người, giáo viên 835 người, nhân viên 60 người. Số cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo là trên 80%; số cán bộ quản lý, giáo viên đạt trên chuẩn là gần 30%. Bên cạnh đó, toàn huyện hiện có 160 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 25 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 100% số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn.

Huyện hiện có 10/11 xã, thị trấn đạt tiêu chí số 5 về trường học và 7/11 xã, thị trấn đạt tiêu chí số 14 về giáo dục; có 7/11 xã, thị trấn đạt cả 2 tiêu chí; có 23 trường đạt chuẩn quốc gia (dự kiến cuối năm 2024 có 28 trường đạt chuẩn quốc gia).

Xã Sa Nghĩa là một trong những địa phương hoàn thành tốt các tiêu chí về giáo dục, góp phần để xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2023. Xã hiện đạt cả 2 tiêu chí số 5 và số 14 về giáo dục; các trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2…

Trường Mầm non Hoa Sen (xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy) hiện có 211 em học sinh với 8 lớp, 2 điểm trưởng. Trường là một trong những điểm sáng về giáo dục mầm non trên địa bàn huyện, hiện đạt tất cả các tiêu chí về giáo dục trong xây dựng NTM và hoàn thành các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Với những thành tích đó, nhiều năm liền trường được UBND tỉnh tặng Bằng khen và Cờ thi đua; chi bộ, đoàn thể của nhà trường luôn vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ðến trường Mầm non Hoa Sen vào những ngày đầu tháng 11, chúng tôi ấn tượng bởi khuôn viên xanh, sạch, đẹp, được các cô giáo trang trí nhiều hoa, đồ chơi từ các vật dụng tái chế đẹp mắt. Đối với các em nhỏ tại trường, mỗi ngày đến trường là một ngày vui bởi bên cạnh việc học tập, các em còn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, sáng tạo ngoài trời, thỏa thích vui chơi, học tập hiệu quả.

Cô Đỗ Thị Hoa, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Sen cho biết: “Nhờ các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó có chương trình xây dựng NTM, trường đã được quan tâm hỗ trợ, tạo nhiều thuận lợi để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Năm học 2023 – 2024 vừa qua, trường có tỷ lệ trẻ em 5 tuổi ra lớp đạt 100%; thực hiện đảm bảo 2 loại hình bán trú (tập trung và dân nuôi); tỷ lệ trẻ 3-5 tuổi ra lớp đạt 100%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm vượt so với chỉ tiêu; củng cố và duy trì chất lượng phổ cập trẻ 5 tuổi đạt 100%; trẻ em 5 tuổi đủ điều kiện lên lớp đạt 100%; 100% đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn”.

Sa Thầy (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả các tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới
Tiết ngoại khóa của cô và trò trường Mầm non Hoa Sen.

Chị Nguyễn Thị Kim có con theo học tại trường Mầm non Hoa Sen phấn khởi cho biết: “Gia đình chúng tôi thấy rằng trường Mầm non Hoa Sen là môi trường tốt để các con phát triển toàn diện. Trường được đầu tư cơ sở vật chất khá đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu học tập cũng như vui chơi của các con. Cùng với đó, không gian của trường rộng rãi, thoáng mát, thân thiện và an toàn. Các phòng học được trang trí rất bắt mắt với đầy đủ trang thiết bị, giáo cụ để phục vụ cho việc học của các con, khiến các con hứng thú hơn với bài học cũng như tiếp thu bài tốt hơn. Bên cạnh đó, cá nhân tôi nhận thấy giáo viên của trường rất tâm huyết và thực sự yêu thương con trẻ”.

Cô Võ Thị Kim Dung cho biết: “Hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và các tiêu chí giáo dục trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được và sự ghi nhận của các cấp, ngành thời gian qua sẽ là động lực để toàn ngành tiếp tục phấn đấu nâng cao, vượt chuẩn các tiêu chí trong thời gian tới”.

Mộc Miên- Ảnh: Lê Đức

Theo

Cùng chuyên mục
  • Lập Thạch (Vĩnh Phúc): Diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc

    (Xây dựng) – Luôn xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, những năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện Lập Thạch, các địa phương trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung mọi nguồn lực giúp diện mạo nông thôn mới huyện Lập Thạch ngày càng khởi sắc, góp phần hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới vào năm 2025.

  • Triệu Sơn (Thanh Hóa): Nỗ lực về đích nông thôn mới nâng cao

    (Xây dựng) – Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 31/QĐ-TTg, công nhận huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

  • Hà Nội: Nông thôn mới diện mạo mới

    (Xây dựng) - Thời gian qua, Thủ đô Hà Nội đã bám sát Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn Thủ đô thay đổi từng ngày. Hòa mình vào kỷ nguyên mới mà Trung ương phát động, nhiều quận, huyện chủ động tinh giản, sắp xếp lại bộ máy hành chính để tạo động lực vươn mình.

  • Hà Tĩnh: Công nhận thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

    (Xây dựng) - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải vừa ký Quyết định số 227/QĐ-UBND về việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao và xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2024.

  • Nghệ An: Bỏ phiếu xét công nhận huyện Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024

    (Xây dựng) - Sáng 22/1, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc họp để thảo luận, bỏ phiếu xét, công nhận huyện Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

  • Hà Tĩnh: Đề xuất công nhận 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đợt 3 năm 2024

    (Xây dựng) - Tại cuộc họp vừa qua, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh, Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu đề nghị xét, công nhận thị xã Kỳ Anh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đề nghị công nhận 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đợt 3 năm 2024.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load