Tại nhiều vùng, rừng đã bị phá để thay vào đó là những khối bêtông, như trong vùng lõi Di sản Thiên nhiên Thế giới Tràng An (tỉnh Ninh Bình). Tại vùng đồi rừng huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội), thành phố Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình) là cuộc đua của những resort mọc lên trái phép. Các resort, khu nghỉ dưỡng vi phạm xảy ra nhiều năm, tuy nhiên đến nay mọi việc vẫn diễn ra và sẽ diễn ra nếu chính quyền địa phương chỉ thống kê sai phạm mà không có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn.
Hàng loạt công trình không rõ tên dự án đã xây xong phần thô tại xã Ninh Hải, nằm trong vùng lõi di sản Tràng An. Ảnh: CHÍ NGUYÊN |
Nằm trong vùng lõi của danh thắng Tràng An, đường vào xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), hàng loạt các resort, homstay mọc như nấm từ năm 2016 tới nay. Phát triển nóng du lịch xâm hại di sản là điều hiển hiện trước mắt…
Vẫn tiếp tục băm nát vùng lõi di sản
Vào những ngày đầu tháng 11.2019, hàng loạt xe tải chở gạch, đá, vật liệu xây dựng rầm rập chạy vào khu vườn chim Thung Nham. Tại đây, hàng loạt công trình gồm nhà dịch vụ xông hơi mát xa, cụm nhà nghỉ dưỡng đang được đào móng, xây dựng.
Tới những ngày giữa tháng 2.2020, theo quan sát của PV Lao Động, xuất hiện một dãy các công trình xây dựng dọc theo chân một ngọn núi đang xây dựng dang dở. Dãy công trình này kéo dài khoảng 300m, xung quanh được che kín bởi bờ rào bằng tôn, bạt và gắn nhiều camera an ninh. Các lối vào khu vực xây dựng đều có biển báo “Cấm tất cả các phương tiện vào công trường”. Tại các lối vào công trình đều có lực lượng bảo vệ túc trực liên tục kiểm soát không cho người lạ vào. Bên trong công trình máy móc, vật liệu xây dựng ngổn ngang.
UBND huyện Hoa Lư cho biết, Công ty CP dịch vụ thương mại - du lịch Doanh Sinh (gọi tắt là Công ty Doanh Sinh) chủ khu du lịch sinh thái Thung Nham đã xây sai phép tổng cộng 1.810m2 ngay trong vùng lõi di sản Tràng An.
Chỉ cách địa điểm xây dựng sai phép tại khu du lịch sinh thái Thung Nham vài trăm mét là dãy nhà ba tầng được xây dựng kiên cố, mang kiến trúc Châu Âu. Công trình này kéo dài vài trăm mét, bên ngoài xây dựng tường rào kiên cố, treo biển Resort Aravinda. Theo xác nhận của Ban Quản lý, resort này là công trình vi phạm trong vùng lõi Tràng An. Nằm ở vùng lõi Tràng An, resort quy mô nhất là Tam Cốc La Montagne chỉ cách bến thuyền Tràng An vài bước chân, tại đây hàng loạt dãy nhà biệt thự mọc lên, bên trong bố trí hàng loạt nhà hàng, nhà hội nghị.
Ngoài ra, ngay tại xã Ninh Hải, PV Lao động ghi lại nhiều công trình đang xây dựng nham nhở rồi bỏ hoang, còn các Homstay mọc lên thì nhiều vô kể. Ngay giữa những ngày tháng 2, đang là cao điểm dịch Covid-19, tuy nhiên cả đường dẫn vào danh thắng Tràng An luôn sôi động, vẫn đông nghịt khách tây. Các resort, homstay vẫn trưng biển hiệu, sáng đèn vẫy gọi du khách.
Chính quyền có tiếp tay cho vi phạm?
Ngày tháng 6.2014, tại Doha, với sự đồng thuận tuyệt đối của Ủy ban Di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Tuy được công nhận là di sản thế giới từ giữa năm 2014 nhưng phải đến tháng 2.2016 thì Tràng An nhận Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An. Quyết định này được xem là hành lang pháp lý cơ bản để quản lý các công trình xây dựng tại di sản Tràng An.
Từ trước khi Thủ tướng ký quyết định, thực tế Tràng An có 35 cơ sở lưu trú. Theo Ban quản lý di sản Tràng An, đối với các cơ sở này thì chủ trương, quan điểm của tỉnh Ninh Bình và cả Unesco đồng tình giữ nguyên, tôn trọng những hoạt động diễn ra trước khi Tràng An thành di sản thế giới. Tuy nhiên, từ 2016 tới nay, đã có 39 công trình gồm các resort, homestay vi phạm xây dựng trên vùng lõi và vùng đệm di sản Tràng An. Các cơ sở lưu trú mới được xác định xây dựng không phép.
Ông Bùi Văn Mạnh - Phó GĐ sở du lịch Ninh Bình, Trưởng ban quản lý di sản Tràng An - cho biết, trong 39 công trình vi phạm xây dựng tại di sản Tràng An, phát hiện 30 hộ kinh doanh lưu trú và đã có thông báo dừng hoạt động kinh doanh, tuy nhiên ông Mạnh khẳng định vẫn có nhiều cơ sở lưu trú đang hoat động chui. Về hướng xử lý 39 trường hợp vi phạm sau 2016, ông Mạnh cho rằng rất khó xử lý. “Mình phải căn cứ họ xây trên đất hợp pháp hay xây như thế nào. Nếu xử phạt hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng thì thuộc thẩm quyền của huyện. Phía Sở chỉ có thể tham mưu”.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư khẳng định đang xử lý quyết liệt các công trình vi phạm xây dựng. Tuy nhiên, PV Lao Động đặt vấn đề muốn cung cấp thông tin cụ thể việc xử lý từng công trình thì Chủ tịch huyện Hoa Lư nói “anh em đang xử lý”.
PV Lao Động đặt vấn đề, việc các công trình vi phạm mọc lên ồ ạt ngay tại vùng lõi di sản Tràng An, chính quyền có buông lỏng quản lý, thậm chí bao che, tiếp tay cho sai phạm và bao giờ các vi phạm sẽ được xử lý triệt để, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư vẫn nói: “Sẽ xử lý và sẽ thông báo lại sau”.
Xây khu du lịch giữa lõi di sản không có ĐTM UBND tỉnh Ninh Bình đã có Quyết định số 363/QĐ - XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại và Du lịch Doanh Sinh vì đã có hành vi vi phạm hành chính: Không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định khi thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Thung Nham tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, được quy định tại Điểm d, Khoản 5, Điều 11, Nghị định số 155/2016/NĐ - CP ngày 18/11/2016 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.Hình thức xử phạt: Phạt tiền với số tiền 400 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu Công ty Doanh Sinh khẩn trương hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định khi thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Thung Nham. TC -CN |
Theo Thông Chí - Cao Nguyên/Laodong.vn