Thứ ba 05/11/2024 07:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Quyết tâm xóa “nút thắt cổ chai” khơi thông huyết mạch trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang

22:07 | 18/11/2021

(Xây dựng) – Những năm trở lại đây, tỉnh Bắc Giang là một trong những điểm sáng trên cả nước về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, trên tuyến đường huyết mạch của tỉnh này lại đang tồn tại hai “nút thắt cổ chai”, ảnh hưởng không nhỏ tới việc lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Trước thực trạng đó, tỉnh Bắc Giang đã có những động thái mạnh mẽ nhằm quyết tâm xóa bỏ hai điểm đen này.

quyet tam xoa nut that co chai khoi thong huyet mach tren tuyen cao toc ha noi bac giang
Cầu Như Nguyệt nối 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Điểm nghẽn giao thông

Bắc Giang có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50km, cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110km và cách Cảng Hải Phòng 140km. Bắc Giang có diện tích tự nhiên xấp xỉ 3.900 km2, trong đó trên 75% diện tích là đất nông nghiệp, đảm bảo quỹ đất rất lớn cho phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ trong tương lai. Dân số của tỉnh đạt trên 1,8 triệu người (đứng thứ 12 cả nước) và đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với trên 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động.

Trong những năm qua, nhờ vị trí địa lý thuận lợi cùng nhiều chính sách mở cửa, thu hút đầu tư, nhiều “đại bàng” trong giới công nghệ đã tìm tới Bắc Giang để xây dựng các nhà máy, trong đó phải kể đến như: Foxcon, Luxshare… những cái tên không chỉ có vai trò với nền kinh tế của tỉnh mà còn là một thành phần không thể thiếu trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề trên toàn cầu, Bắc Giang vẫn vươn lên trở thành điểm sáng về phục hồi và phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu cả nước, ước đạt 13,02%.

Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang cũng được quy hoạch và đầu tư phát triển khá đồng bộ và hiện đại. Bắc Giang có mạng lưới giao thông phát triển đa dạng với cả 03 loại hình vận tải, gồm đường bộ, đường sắt và đường sông, khả năng kết nối, liên kết giữa các vùng trong tỉnh và với các trung tâm kinh tế lớn trong vùng thuận tiện. Trong đó, tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang có vị trí hết sức quan trọng.

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang là tuyến quốc lộ trọng điểm của cả nước đi qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh và nối với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hoàn thành năm 2016. Trên tuyến cao tốc dài 45km có 2 cây cầu lớn là cầu Như Nguyệt và cầu Xương Giang, tuy nhiên cả 2 cây cầu đều chỉ có 1 làn xe mỗi chiều trong khi đường lưu thông 2 làn, việc này đã dẫn đến các “nút thắt cổ chai”. Hằng ngày, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang phải thường xuyên có mặt tại 2 địa điểm này nhiều giờ đồng hồ để phân luồng, xử lý giao thông nhưng không thể xử lý dứt điểm tình trạng ùn tắc.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Bắc Giang, hiện nay số lượng phương tiện tăng lên rất nhanh, mật độ phương tiện giao thông rất dày đặc dẫn đến việc ùn ứ tại 2 điểm cầu là Như Nguyệt và Xương Giang vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều. Đường cao tốc 2 làn xe nhưng vào cầu thì bề rộng mặt cầu chỉ bằng 1 làn xe nên tạo ra các “nút thắt cổ chai”, buộc các xe khi đi qua hai cây cầu đều phải giảm tốc độ và đi với tốc độ rất chậm nên gây ra hiện tượng ùn tắc.

Thời gian gần đây, công nghiệp phát triển nhanh đã khiến lượng phương tiện giao thông qua địa bàn tỉnh Bắc Giang tăng nhanh. Mỗi ngày có hàng nghìn chuyên gia, gần 200.000 công nhân, hàng nghìn lượt xe đưa đón công nhân đổ dồn về đây. Đặc biệt, xe đưa đón công nhân cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng lưu thông trên tuyến cao tốc này khiến ùn ứ xảy ra ngày càng nghiêm trọng.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, anh Nguyễn Văn Hà, một tài xế cho biết: “Tôi ngày nào cũng chạy 2 lượt từ Lạng Giang, Bắc Giang xuống Hà Nội để giao hàng. Giao thông thì tương đối thuận lợi, tuy nhiên mỗi khi đi qua cầu Xương Giang và cầu Như Nguyện thường gặp khó khăn do cầu nhỏ mà phương tiện lưu thông lại quá nhiều, đặc biệt vào đầu giờ sáng từ 7-8h và chiều từ 17-18h. Tài xế như chúng tôi cũng rất mong cầu sớm được mở rộng để lưu thông được thuận tiện hơn”.

Quyết tâm xóa bỏ điểm nghẽn

Trước những nhức nhối của hai “nút thắt cổ chai” kể trên, UBND tỉnh Bắc Giang đã có những động thái mạnh mẽ nhằm sớm xóa bỏ những bất cập tại hai nút thắt này nhằm phát huy tối đa thế mạnh và tiềm năng của tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang và Bắc Giang – Lạng Sơn. Trong đó, tỉnh này đã chủ động có văn bản xin ý kiến Chính phủ về về việc đầu tư xây dựng mở rộng cầu Như Nguyệt.

Trước đề nghị của UBND tỉnh Bắc Giang, ngày 18/10, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện đầu tư xây dựng mở rộng cầu Như Nguyệt bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo xây dựng cầu Như Nguyệt giải quyết, xử lý gấp rút các thủ tục liên quan.

Ngay sau đó, HĐND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 39/NQ-HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Như Nguyệt, tỉnh Bắc Giang. Theo đó, Dự án đầu tư xây mới cầu Như Nguyệt qua sông Cầu có vị trí nằm bên cạnh vị trí cầu hiện tại về phía hạ lưu, tổng mức đầu tư dự án khoảng 456,3 tỷ (nguồn ngân sách tỉnh), tổng chiều dài tuyến đường hai bên cầu dự kiến hơn 1,2km. Điểm đầu tại Km131+580 Quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Quang Châu, huyện Việt Yên; điểm cuối Km132+820 Quốc lộ 1 thuộc địa phận Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh.

Diện tích đất sử dụng khoảng 0,96ha, trong đó tỉnh Bắc Giang khoảng 0,78ha; tỉnh Bắc Ninh khoảng 0,18ha. Dự án được khởi công trong 2 năm từ 2022-2024, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư.

Quy mô đầu tư gồm phần cầu thiết kế bằng cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài cầu khoảng 445m, chiều rộng cầu 16m; phần đường hai đầu cầu có tổng chiều dài khoảng 800m. Như vậy, cầu Như Nguyệt sẽ được đầu tư mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe, rộng 33m để đồng bộ với khổ đường trên toàn tuyến. Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 456 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Đối với cầu Xương Giang, tại Thông báo 258/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp xem xét việc đầu tư mở rộng cầu Như Nguyệt trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang làm việc, thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải để xem xét, đưa dự án xây dựng mở rộng cầu Xương Giang trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang và cầu Cẩm Lý trên Quốc lộ 37 vào danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn ODA Hàn Quốc giai đoạn 2023-2026.

Với những hành động cụ thể, có thể tin tưởng rằng, trong thời gian sắp tới, cảnh ùn tắc tại cầu Như Nguyệt và cầu Xương Giang sẽ sớm được xóa bỏ và tỉnh Bắc Giang sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.

Chương Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load