Thứ ba 05/11/2024 07:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Quy hoạch không gian biển từ nhận thức đến lý luận thực tiễn

20:44 | 19/01/2024

(Xây dựng) - Chúng ta đều biết, biển và đại dương chiếm 71% diện tích bề mặt trái đất, giữ vai trò cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của loài người ở quá khứ, hiện tại và tương lai. Biển và đại dương là cội nguồn bảo đảm sự sống của trái đất chúng ta và là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về lương thực, thực phẩm và các nguồn nguyên, nhiên liệu. Tuy nhiên, biển và đại dương đang đứng trước những thử thách toàn cầu bởi tác động của con người: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khan hiếm tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường sinh thái cùng với việc đô thị hóa các khu vực ven biển với những thách thức từ nguy cơ của an ninh phi truyền thống trong việc cạnh tranh gay gắt đối với nguồn lợi do biển đem lại.

Quy hoạch không gian biển từ nhận thức đến lý luận thực tiễn

Thế kỷ thứ XXI được xem là “thế kỷ của đại dương”, một không gian sinh tồn của loài người và các quốc gia không chỉ phát triển kinh tế - xã hội biển mà còn đảm bảo an ninh biển, đảo và tăng cường sức mạnh quốc phòng. Đây là những yêu cầu khách quan của thời đại được Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp nhận và đưa vào chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Với những mục tiêu và yêu cầu như nêu trên thì việc quy hoạch không gian biển Việt Nam là một việc làm cần thiết mang tính khoa học và thực tiễn, để đảm bảo phát triển kinh tế biển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh quốc gia.

Cuốn sách “Quy hoạch không gian biển từ nhận thức đến lý luận thực tiễn” của Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương (Nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hải Phòng) và các cộng sự là một cuốn sách mang tính nghiên cứu khoa học về việc sử dụng, khai thác biển thực tế của Việt Nam và của nhiều quốc gia trên thế giới có biển. Đồng thời, tổng kết những kinh nghiệm trong việc quy hoạch không gian biển của một số quốc gia và đặt ra những yêu cầu trong việc quy hoạch không gian biển Việt Nam nhằm khai thác biển một cách hợp lý, khoa học, phát triển kinh tế biển bền vững, đảm bảo an ninh quốc gia và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Cuốn sách bao gồm 171 trang, 4 phần bao gồm:

I. Quy hoạch không gian biển

Phần 1 – Quy hoạch không gian biển từ nhận thức lý luận đến thực tiễn

1. Đối tượng, mục tiêu hướng tới của quy hoạch không gian biển

Tác giả cho rằng, quy hoạch không gian biển là mục tiêu mà các chuyên gia có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch quản lý các khu vực biển cũng như các tài nguyên của các vùng biển được nghiên cứu.

Quy hoạch không gian biển cung cấp một cái nhìn tổng quan, toàn diện, tập trung mô tả trình tự hợp lý và các bước cần thiết để đạt được mục đích và mục tiêu được đặt ra đối với mỗi khu vực biển.

Quy hoạch không gian biển là một công cụ quan trọng đối với các chuyên gia ở cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia và địa phương, những người muốn tìm hiểu sâu hơn về tiềm năng của quy hoạch không gian biển với cách nhìn về một phương thức nhằm đạt được mục tiêu bao gồm cả mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ đa sinh học bền vững.

2. Sự cần thiết của tổ chức quy hoạch không gian biển

Theo tác giả, về mặt lịch sử, các phương pháp quản lý tập trung vào các lĩnh vực riêng lẻ mà ít được xem xét đến các xung đột tiềm ẩn giữa các lĩnh vực. Trong thập niên qua, cách tiếp cận theo ngành truyền thống đối với tài nguyên thiên nhiên và quản lý môi trường đã được thừa nhận là không đủ để giải quyết các tác động tích lũy những hoạt động của con người đối với môi trường biển và đã chuyển sang một “cách tiếp cận hệ sinh thái” tổng thể hơn nhằm phân tích toàn diện các khía cạnh của các vấn đề môi trường. Vì vậy, thông qua quy hoạch không gian biển để tạo ra một nhận thức mới trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên biển bảo đảm phát triển bền vững, hạn chế tối đa các xung đột trong việc phát triển của các ngành riêng lẻ.

3. Quy hoạch không gian biển là gì?

Ở mục này, tác giả đã đưa ra một số khái niệm của một số nước về quy hoạch không gian biển và tác giả cho rằng, khái niệm quy hoạch không gian biển còn khá mới không chỉ ở Việt Nam, nhưng ở chừng mực nhất định nội hàm của quy hoạch này lại không hoàn toàn mới bởi tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ biển ở Việt Nam đã có lịch sử 30 năm trải nghiệm. Từ các phân tích đánh giá, tác giả đã đặt ra 10 bước để thực hiện một đồ án quy hoạch không gian biển. Đây là cơ sở khoa học để các cơ quan quản lý Nhà nước quản lý về lĩnh vực không gian biển,nghiên cứ bổ sung và hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy hoạch không gian biển.

4. Mục tiêu quy hoạch không gian biển, vùng bờ

Mục tiêu chung của quy hoạch không gian biển là khung hành động quản lý môi trường và sử dụng hợp lý không gian biển, hướng tới phát triển bền vững vùng biển, đảo, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền và lợi ích các quốc gia trên biển.

Mục tiêu cụ thể là tạo hệ thống tư liệu đồng bộ về điều kiện tự nhiên tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển làm cơ sở khoa học cho quy hoạch không gian biển.

5. Các nguyên tắc của quy hoạch không gian biển

Trong mục này tác giả đã đặt ra một số nguyên tắc của quy hoạch không gian biển bao gồm: Nguyên tắc toàn vẹn của hệ sinh thái, nguyên tắc tích hợp, nguyên tắc tín nhiệm của công chúng, nguyên tắc minh bạch, nguyên tắc chủ động phòng ngừa, nguyên tắc bên gây ô nhiễm trả chi phí khắc phục hậu quả.

6. Quy hoạch không gian biển mang lại lợi ích gì?

Ở mục này tác giả cho rằng, khi được phát triển đúng cách, quy hoạch không gian biển sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội và môi trường.

Những lợi ích về kinh tế: Cho chúng ta mức độ chắc chắn cao hơn khi tiếp cận các lĩnh vực mong muốn cho các khoản đầu tư mới của khu vực đầu tư tư nhân, thường được khấu hao trong vòng 20-30 năm.

Những lợi ích về xã hội: Cải thiện cơ hội cho sự tham gia của cộng đồng và người dân trong đó có việc làm, phân phối thu nhập; xác định và bảo tồn các giá trị xã hội và tinh thần liên quan đến việc sử dụng đại dương.

II. Khung nhiệm vụ xác định quy trình quy hoạch không gian biển (mô hình và kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới)

Ở phần này, tác giả đã tổng kết những lợi ích của một số mô hình quy hoạch không gian biển như: Quy hoạch không gian biển có giá trị sinh thái cao, một phần của biển Bắc Hà Lan, bản đồ quy hoạch định giá sinh học một phần biển Bắc thuộc Bỉ; bản đồ dự thảo các khu vực môi trường quan trọng trong vùng nước biển Massachusetts. Đồng thời, nghiên cứu xung đột giữa các hoạt động của con người ở vùng biển thuộc Bắc nước Bỉ; khả năng tương thích giữa các mục đích sử dụng.

Trong mục này, tác giả đã đặt ra 7 nhiệm vụ trong quy hoạch không gian biển bao gồm: Nhiệm vụ thu thập và sơ đồ hóa thông tin về điều kiện sinh thái, môi trường và đại dương; nhiệm vụ thu thập và lập bản đồ thông tin về các hoạt động của con người; nhiệm vụ xác định các xung đột và tính tương thích hiện hữu; nhiệm vụ các tiêu chí cụ thể để lựa chọn các biện pháp quản lý không gian biển; nhiệm vụ xây dựng kế hoạch khoanh vùng; nhiệm vụ đánh giá kết quả kế hoạch quản lý không gian biển; nhiệm vụ phê duyệt tổ chức triển khai kế hoạch quản lý quy hoạch không gian biển.

III. Quản lý sử dụng quy hoạch không gian biển dựa trên hệ sinh thái

Ở phần này là một khối lượng kiến thức phong phú với nhiều thông tin thực tiễn quản lý không gian biển của nhiều nước trên thế giới. Ở đây tác giả đặt ra những câu hỏi như: Tại sao việc quản lý sử dụng biển và quy hoạch không gian biển dựa trên hệ sinh thái lại quan trọng? Tại sao sử dụng “quản lý sử dụng biển thay vì quản lý hệ sinh thái”? Có phải chúng ta đã phân vùng các khu vực cho nhiều nơi trên đại dương? Tại sao phải quản lý các hoạt động của con người trên biển? Mục đích của quản lý sử dụng biển dựa trên hệ sinh thái là gì? Tại sao nên quản lý sử dụng biển dựa trên hệ sinh thái? “Quản lý sử dụng biển dựa trên hệ sinh thái có phải là thuật ngữ khác của “quản lý khu bảo tồn biển” không?”; liệu quản lý sử dụng biển dựa trên hệ sinh thái có giống với phương pháp tiếp cận hệ sinh thái đối với quản lý thủy sản không? Quản lý sử dụng biển dựa trên hệ sinh thái có giống với quản lý tổng hợp vùng ven biển không?

Đồng thời, bằng những luận cứ khoa học và thực tiễn, tác giả đã lần lượt giải đáp các câu hỏi trên.

IV. Phương pháp Đồng hợp cho quy hoạch và quản lý quy hoạch không gian biển

1. Quy hoạch và quản lý quy hoạch không gian biển với phương pháp Đồng hợp trong tư duy chiến lược

Đồng hợp là phương pháp hữu hiệu nhất để chủ động có những giải pháp thích ứng với những thách thức phức hợp của sự biến đổi, không để bị động cho phép các bên liên quan tham gia cùng một lúc để tham gia ý tưởng và kế hoạch hành động lập quy hoạch không gian biển một cách hiệu quả và sáng tạo. Đồng thời, tác giả cũng đề xuất một số ứng dụng tư duy hệ thống trong phương pháp Đồng hợp.

Phần II – Thực trạng quy hoạch, quản lý quy hoạch không gian biển của một số quốc gia trên thế giới – Một số bài học

Trong phần này, tác giả đã nghiên cứu chính sách quản lý biển của một số nước như: Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Niu Dilân nhằm rút ra những bài học cho việc lập quy hoạch không gian biển Việt Nam trong việc khai thác các sản phẩm của biển để phát triển kinh tế một cách bền vững và giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo; Tác giả cũng nêu lên một số những bất cập được quy định trong công ước của Liên hợp quốc về Luật biển; và chính những bất cập đó là một nguyên nhân gây ra sự tranh chấp các đảo để phục vụ cho mục đích quân sự và các mục đích kinh tế khác của một số nước.

Phần III – Quy hoạch và quản lý quy hoạch không gian Biển Việt Nam mô hình nghiên cứu vùng bờ Tây vịnh Bắc bộ

Trong phần này, tác giả đã tổng kết đánh giá tình hình khai thác tài nguyên biển của đất nước ta trong thời gian qua, tổng kết những ưu điểm tồn tại trong việc quy hoạch và khai thác biển của một số lĩnh vực như: khai thác và nuôi trồng thủy sản, chiến lược khai thác dầu khí, vận tải biển, xây dựng các bến cảng và một số dịch vụ du lịch… Tuy nhiên, những nguồn lợi thu được từ biển trong thời gian vừa qua là rất nhỏ so với tiềm năng của biển thuộc đất nước chúng ta; Tác giả đã nghiên cứu về bờ Tây vịnh Bắc bộ (Hải Phòng, Quảng Ninh) và đề xuất mô hình nghiên cứu.

Tác giả cho rằng, quy hoạch không gian biển bờ Tây vịnh Bắc bộ (Hải Phòng, Quảng Ninh): Bao gồm quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết, là khuôn khổ hành động cần thực hiện trong 3 giai đoạn 2016-2020, 2021-2025, 2026-2030. Đồng thời, tác giả đề xuất 12 nguyên tắc quản lý tổng hợp trong thiết kế quy hoạch không gian biển.

Từ nhiều năm nay, đặc biệt là từ năm 1975 sau khi thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm và đề ra các chiến lược, hệ thống pháp luật nhằm quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên của biển Việt Nam một cách có hiệu quả, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cũng đã tiến hành quy hoạch, đầu tư, khai thác, sử dụng tài nguyên biển như lĩnh vực: Dầu khí, đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản, vận tải và du lịch biển và vấn đề nghiên cứu đại dương. Tuy nhiên, chúng ta chưa có quy hoạch không gian biển một cách bài bản nhằm hạn chế sự chồng chéo giữa các quy hoạch ngành, các xung đột tiềm ẩn trong quy hoạch kinh tế của từng ngành nhằm bảo vệ môi trường biển, chống ô nhiễm và phát triển bền vững đa dạng sinh học biển.

Luật quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đã quy định về quy hoạch không gian biển. Tuy nhiên, hàng chục năm nay, chúng ta chưa có quy hoạch không gian biển Việt Nam được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chúng tôi cho rằng, cuốn sách này rất có giá trị cho các cơ quan quản lý Nhà nước về quy hoạch không gian biển nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện để trở thành những tài liệu mang tính pháp luật trong việc quy hoạch không gian biển và quản lý, khai thác tài nguyên biển một cách có hiệu quả, phát triển bền vững.

PGS.TS Nguyễn Văn Thành là một vị tướng, nhưng kể cả khi công tác cho tới khi ông giữ một cương vị khác, ông vẫn đam mê nghiên cứu khoa học và tạo ra những tác phẩm khoa học có giá trị ở nhiều lĩnh vực, để cho các nhà khoa học thế hệ sau tham khảo nghiên cứu. Xin cảm ơn ông và các cộng sự về cuốn sách này.

Tiến sỹ Phạm Gia Yên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load