(Xây dựng) – Biển và đại dương là cội nguồn của sự sống trên Trái đất. Trong bối cảnh loài người đang phải đối mặt và nỗ lực ứng phó với những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu, biển và đại dương một lần nữa lại chứng tỏ vai trò quan trọng toàn cầu của nó. Để khai thác hiệu quả tiềm năng môi trường biển mang lại, một trong những biện pháp cơ bản để bảo vệ môi trường biển là cần quy hoạch không gian biển để phát triển “kinh tế biển xanh” hướng đến các mục tiêu trong đó có phát triển bền vững.
Quy hoạch không gian biển là một cách thiết thực để tạo ra và thiết lập một tổ chức hợp lý hơn nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội một cách cởi mở và có kế hoạch. |
Đại hội lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996), lần đầu tiên Đảng bàn về phát triển toàn diện các lĩnh vực liên quan đến xây dựng Chiến lược quản lý biển, đảo, đặc biệt là các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng (tháng 01/2021) đã xác định kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Như vậy, có thể thấy quan điểm về phát triển kinh tế biển xanh đã được tiếp thu, xây dựng và hoàn thiện khá sớm ở Việt Nam và thể hiện khá rõ trong các văn kiện khác nhau nêu trên của Đảng và Nhà nước ta.
Sự cần thiết của việc quy hoạch không gian biển
Dân số tăng nhanh và nhu cầu tiêu dùng thay đổi đã làm tăng nhu cầu về lương thực, năng lượng và thương mại từ các vùng biển. Do hạn chế về tài nguyên và không gian trên đất liền, tỷ trọng hàng hóa và dịch vụ ngày càng lớn đến từ các khu vực ven biển và biển.
Trong 20 năm tới, hoạt động của con người ở nhiều khu vực biển sẽ tăng lên đáng kể. Những hoạt động truyền thống như vận tải biển, khai thác cát và giải trí trên biển vẫn giữ được tầm quan trọng nhất định. Hoạt động khai thác dầu khí sẽ tiếp tục diễn ra ở những khu vực biển xa và sâu hơn. Khai thác thủy sản vẫn tiếp tục diễn ra nhưng ở mức thấp hơn do trữ lượng giảm dần, mức độ khai thác cũng bị hạn chế do cạnh tranh về không gian biển.
Vì vậy, quy hoạch không gian biển là một cách thiết thực để tạo ra và thiết lập một tổ chức hợp lý hơn trong việc sử dụng không gian biển và mối tương tác giữa các mục đích sử dụng của nó, nhằm cân bằng nhu cầu phát triển với sự cần thiết bảo vệ các hệ sinh thái biển và đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội một cách cởi mở và có kế hoạch.
Có một số định nghĩa về quy hoạch không gian biển. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) (2010): Quy hoạch không gian biển là một quá trình chung phân tích, bố trí không gian và thời gian các hoạt động của con người tại một vùng biển để đạt được các mục tiêu sinh thái, kinh tế và xã hội thường được cụ thể hoá thông qua một quá trình quản lý Nhà nước.
Về cơ bản, quy hoạch không gian biển là một công cụ quy hoạch cho phép tổng hợp, dự báo và ra quyết định phù hợp về việc sử dụng biển. Nhiều nước trên thế giới đang nắm giữ công cụ này để quản lý việc sử dụng các vùng biển của mình.
Và cũng theo UNESCO, quy hoạch không gian biển là một cách cải thiện việc ra quyết định và đưa ra cách tiếp cận dựa trên hệ sinh thái để quản lý các hoạt động của con người trong môi trường biển. Đây là một quá trình lập kế hoạch cho phép đưa ra quyết định tổng hợp, hướng tới tương lai và nhất quán về việc sử dụng biển của con người. Quy hoạch không gian biển tương tự như quy hoạch không gian hoặc quy hoạch sử dụng đất trong môi trường trên cạn.
Ngoài ra, quy hoạch không gian biển là mục tiêu mà các chuyên gia có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch và quản lý các khu vực biển cũng như các tài nguyên của các vùng biển được nghiên cứu. Quy hoạch này đặc biệt nhằm mục tiêu vào những trường hợp mà ở đó thời gian, tài chính, thông tin và các nguồn lực khác bị hạn chế. Nó sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan, toàn diện, tập trung mô tả trình tự hợp lý các bước cần thiết để đạt được mục đích và mục tiêu được đặt ra đối với mỗi khu vực biển.
Quy hoạch không gian biển là một công cụ quan trọng đối với các chuyên gia ở các cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia và địa phương, những người muốn tìm hiểu sâu hơn về tiềm năng của quy hoạch không gian biển với cách nhìn về một phương thức nhằm đạt được đa mục tiêu, bao gồm cả mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ đa dạng sinh học bền vững.
Khái niệm “Quy hoạch không gian biển” còn khá mới không chỉ ở Việt Nam, nhưng ở chừng mực nhất định, nội hàm của quy hoạch này lại không hoàn toàn mới bởi tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ biển ở Việt Nam đã có lịch sử 30 năm trải nghiệm. Theo đó, quy hoạch bảo vệ môi trường trước các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ngày càng sôi động, trước tác động của các quá trình tự nhiên gây ra những biến đổi có xu hướng gia tăng, định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn tự nhiên đã được thực hiện dù kết quả bước đầu còn hạn chế.
Quy hoạch không gian biển không phải là quy hoạch phát triển kinh tế biển, mà là quy hoạch quản lý và sử dụng hợp lý không gian biển để đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất theo quy hoạch phát triển. Không gian biển bao gồm cả môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và vị thế của biển.
Đầu ra chính của quy hoạch không gian biển là một kế hoạch quản lý không gian toàn diện cho một khu vực biển hoặc hệ sinh thái. Hãy coi kế hoạch này như một “tầm nhìn cho tương lai”. Nó đặt ra các ưu tiên cho khu vực và xác định những ưu tiên này có ý nghĩa như thế nào trong thời gian và không gian. Thông thường, một kế hoạch quản lý không gian toàn diện có bản chất chung, có thời hạn 10 - 20 năm và phản ánh các ưu tiên chính trị cho khu vực. Quy hoạch không gian biển toàn diện thường được thực hiện thông qua (các) bản đồ phân vùng và/hoặc hệ thống giấy phép.
Kinh nghiệm quốc tế
Tại Trung Quốc, công tác quản lý biển được thực hiện bởi nhiều cơ quan Trung ương và tỉnh. Hai cơ quan Trung ương quan trọng nhất về các vấn đề biển bao gồm Cơ quan Quản lý biển nhà nước (SOA) và Cơ quan Bảo vệ môi trường quốc gia (NEPA). Tuy nhiên, nhiều hoạt động phát triển của Trung Quốc được tập trung vào vùng duyên hải và việc tranh chấp sử dụng biển xảy ra thường xuyên ở các khu vực duyên hải.
Năm 1996, Trung Quốc đã ban hành Chương trình Nghị sự Biển 21. Theo tên gọi, Chương trình 21 là đối sách trực tiếp tới Hợp tác và Phát triển biển và Chương trình nghị sự 21 của Liên hợp quốc. Đây là một tài liệu tổng thể, phần lớn nội dung trong chính sách biển quốc gia, như: quan tâm phát triển bền
vững ngành công nghiệp biển; khoa học và công nghệ biển; các vùng duyên hải và biển, đảo; bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn lực biển; quản lý thống nhất biển và vùng biển thuộc quyền tài phán; bảo vệ môi trường biển; chống và giảm thiên tai biển; các vấn đề biển quốc tế; và sự tham gia của nhân dân.
Từ khi phê chuẩn UNCLOS, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước đã đóng vai trò quan trọng trong việc “duy trì quyền và lợi ích biển của đất nước”. Kế hoạch 5 năm lần thứ 9 (1996 - 2000) đã xác định nhiệm vụ: Xây dựng luật quản lý biển, xây dựng lực lượng thực thi pháp luật biển, hoàn chỉnh hệ thống dự báo thiên tai biển và cảnh báo sớm, xây dựng các khu trưng bày về phát triển khoa học biển, thành lập vệ tinh màu nước biển và đánh dấu năm 1998 là năm biển quốc tế (Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 49 lấy năm 1998 là Năm biển quốc tế).
Tại Indonesia, nước này đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCOLS 1982) ngày 03/02/1986, nhưng vẫn chưa ban hành chính sách tổng thể quốc gia về biển. Có một số đặc điểm đặc biệt của Indonesia ảnh hưởng đến việc hình thành quan điểm của nước này về các vấn đề biển. Trước
hết và có lẽ là quan trọng nhất, Indonesia là một quốc đảo. Tuy nhiên, Indonesia đã thể hiện ưu tiên của mình trong lĩnh vực biển thông qua một loạt luật liên quan đến biển. Năm 1982, Indonesia đã ban hành “Luật số 4”. Mười năm sau, Chính phủ đã công bố “Luật số 24”.
Tại Nhật Bản, Chính sách biển của Nhật Bản được xây dựng từ những năm 1940, nhìn chung việc quản lý biển thuộc nhiều cơ quan khác nhau, tùy theo lĩnh vực. Nhật Bản tuân thủ một cách cứng nhắc các hoạt động quản lý biển trên cơ sở quyền đánh bắt cá truyền thống. Chẳng hạn, các kiến nghị về khai thác và sản xuất dầu khí ngoài khơi; các hoạt động giải trí biển; xây dựng cảng biển... phải nêu chi tiết khoản bồi thường cho nghề cá, kể cả khi hoạt động mới này không có tác động tiêu cực đến nghề cá.
Ngày 20/6/1996, Nhật Bản phê chuẩn UNCLOS 1982. Có ít dấu hiệu cho thấy Nhật Bản chấp thuận yêu cầu của Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) về quản lý biển thống nhất. Về quản lý biển, Nhật Bản có 4 cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về các vấn đề biển. Năm 1972, Bộ Xây dựng (một trong 4 cơ quan) đã chuẩn bị một số văn bản hướng dẫn dự thảo luật quản lý vùng biển. Các bộ khác phản đối sáng kiến này với lý do các luật hiện hành đã đủ để giải quyết bất kỳ một vấn đề nào liên quan đến biển. Thực tế, nhiều luật quốc gia khác nhau áp dụng cho các lĩnh vực biển cụ thể, phụ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý nhà nước của từng cơ quan, kết hợp với các luật đối với quận, luật thành phố, luật đối với các vùng đặc biệt, cho thấy cách tiếp cận thống nhất hơn và thuận lợi hơn.
Kinh tế biển chính là động lực, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. |
Việt Nam là quốc gia biển, với đường bờ biển dài hơn 3.260km và hơn 3.000 hòn đảo bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trung bình 100km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần giá trị trung bình của thế giới. Kinh tế biển chính là động lực, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Theo ước tính, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước.
Theo phân tích, đánh giá của các chuyên gia kinh tế biển: “Trong một thời gian dài, chúng ta chỉ quan tâm đến đất liền. Vùng biển của chúng ta luôn nằm dưới sự kiểm soát của thực dân và đế quốc... Cho đến ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, chúng ta đã thực sự giành được chủ quyền trên biển”.
Tham gia công ước quốc tế, Việt Nam đã phê chuẩn nhiều công ước biển chuyên ngành như IMO-SOLAS (Công ước về cứu hộ trên biển, Công ước London ngày 01/11/1974), Công ước Load lines 1966, Công ước MARPOL 73/78 về phòng, chống ô nhiễm biển từ tàu. Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tạo cơ sở vững chắc cho việc bảo vệ các quyền lợi của Việt Nam trên biển, giải quyết các tranh chấp trên biển và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên biển. Bên cạnh đó, nhiều công ước quốc tế về biển cũng đã được dịch, xuất bản, giới thiệu và tuyên truyền…
Tuệ Minh
Theo