(Xây dựng) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký ban hành Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
1 góc Khu công nghệ cao Hòa Lạc. |
Theo Quyết định, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc thực hiện 27 nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có các nhiệm vụ, quyền hạn như: Cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, huy động nguồn lực, xã hội hóa để xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế trong từng thời kỳ theo quy định của pháp luật; Hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực có liên quan để phát triển và quản lý, khai thác Khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật; được thuê tư vấn nước ngoài thực hiện dịch vụ tư vấn xúc tiến đầu tư, tư vấn chiến lược về đầu tư, xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật.
Ban Quản lý có quyền cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi Giấy phép thành lập văn phòng đại diện thương mại của tổ chức và thương nhân nước ngoài; chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện thương mại theo quy định của pháp luật; Cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa theo ủy quyền.
Về quản lý, sử dụng đất đai, phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng và các cơ quan liên quan để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Khu công nghệ cao.
Về cơ cấu tổ chức, Ban Quản lý có 05 tổ chức hành chính giúp Trưởng Ban Quản lý thực hiện chức năng quản lý Nhà nước gồm: Văn phòng; Ban Kế hoạch - Tài chính; Ban Hợp tác và Đầu tư; Ban Quy hoạch, Xây dựng và Môi trường; Ban Khoa học và Công nghệ. Ba đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý gồm: Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo công nghệ cao; Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ; Ban Quản lý các dự án và Khai thác hạ tầng và 01 Công ty TNHH MTV Phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Khánh Hòa
Theo