(Xây dựng) - Quảng Yên được cả nước biết đến là một khu kinh tế ven biển theo Quyết định số 29/2020/QĐ-TTg của Chính phủ, nhưng trầm tích đô thị Quảng Yên lâu đời nhất ở Quảng Ninh và là một đô thị “cựu’ nhưng không “già” thì không phải ai cũng biết.
Theo chính sử, năm 1147, vua Lý Anh Tông đã cho dựng hành dinh ở Yên Hưng để trấn giữ Bến Rừng, nơi cửa biển quan trọng của Nhà nước Đại Việt (trấn lỵ bên bờ sông Bạch Đằng, dòng sông từng diễn ra 3 cuộc thủy chiến kinh điển chống giặc ngoại xâm của các triều đại phong kiến Việt Nam). Năm 1832, nhà Nguyễn thành lập tỉnh Quảng Yên, đặt trung tâm của tỉnh (trấn lỵ) ở phường Quảng Yên ngày nay và tồn tại trong 132 năm.
Ngày 02/7/1964, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 106-CP chuyển thị xã Quảng Yên thành huyện Yên Hưng và Quảng Yên là thị trấn của huyện. Ngày 25/11/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP, thành lập thị xã Quảng Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của huyện Yên Hưng.
Ông Hồ Văn Vịnh - Bí thư Thị ủy chỉ đạo công tác chỉnh trang, kiến thiết đô thị. |
Ngày 27/6/2016, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh họp thống nhất chủ trương xây dựng Quảng Yên trở thành một thành phố ven biển, kết nối với các đô thị của các tỉnh ven biển khu vực phía Bắc. Theo đó, Công ty Nihon Sekkei (Nhật Bản) đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới được chọn lập Quy hoạch chung thị xã Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế và cơ hội về vị trí địa lý của thị xã Quảng Yên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - cảng biển - dịch vụ - nông nghiệp, gắn với thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu nâng cấp đô thị, xây dựng thị xã Quảng Yên trở thành một thành phố văn minh, hiện đại trước năm 2030.
Năm 2020, Quảng Yên là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nổi bật, thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch trên 100 tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng đạt trên 11.300 tỷ đồng; sản xuất ngành dịch vụ đạt trên 4.100 tỷ đồng; sản xuất nông nghiệp đạt 2.165 tỷ đồng. Quảng Yên đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III theo 5 tiêu chí, 59 tiêu chuẩn về phân loại đô thị với 5 tiêu chí đạt điểm từ tối thiểu trở lên, 59 tiêu chuẩn đạt các yêu cầu đề ra. Trong đó, giá trị sản xuất tăng 16,8%, thu ngân sách Nhà nước tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,74%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8%...
Giai đoạn 2020 - 2022, Quảng Yên có 4 dự án giao thông động lực trên địa bàn đầu tư bằng ngân sách trung hạn. Một là, công trình 5km đường 4 làn xe, kinh phí đầu tư 1.469.000 triệu đồng, từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng bắt vào Tỉnh lộ 338, kết nối cao tốc với Khu công nghiệp (KCN) Sông Khoai Amata. Hai là, đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng tại Km20+50 với đầm Nhà Mạc, xây dựng nút giao liên thông dạng hoa thị hoàn chỉnh, gồm 4 nhánh nối vòng rẽ trái gián tiếp, 4 nhánh rẽ phải trực tiếp; quy mô 2 làn xe và đoạn đường chạy dưới nút giao với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, mức đầu tư 766.000 triệu đồng. Ba là, công trình đường ven sông Đá Vách, kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng tại Km20+50 qua đầm Nhà Mạc đến thị xã Đông Triều (công trình này chia làm 2 giai đoạn xây dựng. Giai đoạn I chiều dài 12km, trong đó bao gồm xây 2 cầu vượt sông Chanh và sông Rút với chiều dài 1,4km, kết cấu bằng bê tông cốt thép và bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, mức đầu tư chung là 1.498.000 triệu đồng). Bốn là, dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, có phần cầu dài hơn 1,87km; chiều rộng cầu 21,5m, với 6 làn xe, trong đó có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp; chiều cao thông thuyền 11m, đường dẫn hai bên dài hơn 0,4km.
Khu kinh tế ven biển Quảng Yên quy hoạch mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối hợp lý đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường liên phường... Thị xã chủ động đầu tư nâng cấp, cải tạo Tỉnh lộ 331B (đoạn Chợ Rộc - Bến Giang); mở đường nối Tỉnh lộ 331B với Tỉnh lộ 338 (đoạn từ phường Quảng Yên đến phường Cộng Hòa); xây dựng nút giao thông (Phong Hải đến KCN Nam Tiền Phong); xây dựng đường 338 kéo dài từ cầu sông Chanh đến nút giao đường cao tốc tại phường Phong Hải; đường Nguyễn Công Bao, xã Cẩm La; xây dựng đường cầu sông Chanh II, kết nối đường từ Ngã ba Chợ Rộc đến nút giao đường cao tốc tại phường Phong Hải; cải tạo, nâng cấp đường Minh Thành - Tân An; đường liên phường xã từ ngã ba thôn Núi Thành, xã Tiền An đi phường Hà An...
Năm 2021, thị xã cải tạo, nâng cấp tuyến đường phố Bạch Đằng (đoạn từ nút giao Lê Hoàn đến nút giao đường Trần Hưng Đạo) với tổng mức đầu tư 12,5 tỷ đồng. Trong đó, đoạn từ ngã tư giao đường Lê Hoàn đến ngã tư giao đường An Hưng được mở rộng lòng đường 2,5m, thu hẹp vỉa hè từ 5-11m xuống còn 3-8m, tạo làn xe rẽ phải tại các nút giao thông có đèn tín hiệu. Đoạn từ ngã tư giao đường An Hưng đến cuối tuyến ngã ba rẽ vào chùa Đống Phúc mở rộng lòng đường thêm 2,2m, cải tạo vỉa hè 2-5m, lắp đặt giải phân cách giữa; mở rộng nút giao thông Bạch Đằng - Trần Nhân Tông. Toàn bộ đường điện, cáp viễn thông, cáp truyền hình trên tuyến đường đều hạ ngầm.
Năm 2022, Quảng Yên hoàn tất các hạng mục xây dựng cuối, đưa đường nối Tỉnh lộ 331B với Tỉnh lộ 338 vào sử dụng; chỉnh trang, nâng cấp đường tỉnh 331 đoạn Chợ Rộc - Bến Giang, đường Cầu Chanh - Cẩm La, đường Chợ Quán -Tiền Phong, đường nối từ nút giao Phong Hải xuống KCN Nam Tiền Phong; đường kết nối phường Minh Thành với phường Tân An, đường từ thôn Núi Thành (xã Tiền An) đi phường Hà An; cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tuyến hè phố Trần Khánh Dư (phường Quảng Yên) có tổng mức đầu tư trên 5,8 tỷ đồng.
Thị xã Quảng Yên có 5 khu công nghiệp. |
Quảng Yên là địa phương có nhiều KCN nhất tỉnh với 5 KCN và 1 cụm công nghiệp với tổng diện tích sử dụng đất 4.591ha. Trong đó, gồm: KCN Đông Mai, sử dụng 167,8ha đất; KCN Sông Khoai Amata, sử dụng 714ha đất; KCN Bắc Tiền Phong, sử dụng 1.192,9ha đất; KCN Nam Tiền Phong, sử dụng 487,4ha đất; KCN Bạch Đằng, sử dụng 4.591ha đất; Cụm công nghiệp Đông Mai, sử dụng 16ha đất. Quảng Yên còn có Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, sử dụng 4.472ha đất.
Sông Chanh dài trên 760m, rộng trên 12m là 1 trong số 4 cây cầu bắc qua Sông Chanh kéo đảo Hà Nam về đất liền. |
Các KCN phát triển kéo theo là nhu cầu nhà ở, các dịch vụ hậu cần, cơ sở giáo dục, không gian văn hóa… đáp ứng nhu cầu cho người lao động. Thị xã đã chủ động quy hoạch dành quỹ đất 383ha xây dựng nhà ở xã hội, con số chiếm trên 50% trong tổng số quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội của toàn tỉnh. Riêng KCN Đông Mai hiện đã có 20.000 lao động, thị xã đã chủ động bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân rộng 9,1ha.
Quảng Yên vùng đất trấn lỵ cổ kính, trước đây kinh tế thuần nông nghiệp và ngư nghiệp, đất đai địa mạo bị sông ngòi chia cắt, nay không còn khái niệm đảo Hà Nam và khu Hà Bắc nữa. Bến đò Chanh đi vào dĩ vãng, hiện có 4 cây cầu lớn nối đảo Hà Nam - Phong Cốc với đất liền. Công trình hạ tầng phát triển mạnh với một tốc độ dự báo 50% diện tích đất tự nhiên của Quảng Yên sẽ đô thị hóa.
Thị xã Quảng Yên dự báo 50% diện tích đất tự nhiên sẽ đô thị hóa. |
Nét đẹp đô thị ở Quảng Yên là những công trình mới đồ sộ mọc lên, nhưng vẫn tồn tại những công trình xây dựng cổ kính. Đô thị đang còn sử dụng hàng trăm công trình, nhà cửa xây dựng từ thời thuộc Pháp như trụ sở Thị ủy, UBND thị xã và nhiều cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình. Các di tích được trùng tu xây dựng đáp ứng du lịch tâm linh và tạo cảnh quan đô thị như khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng; 31 di tích quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh.
Các công trình hạ tầng đang làm thay đổi diện mạo đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Quảng Yên đã và đang chuẩn bị hành trang vững chắc để nâng cấp thị xã lên thành phố. Một đô thị “cựu” nhưng không “già”.
Vũ Phong Cầm
Theo