(Xây dựng) - Nước lũ chảy xiết đã chia cắt cả cù lao Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nhưng không thể chia cắt được tình người bởi những tấm lòng hảo tâm, những người con sống xa quê luôn hướng về “rốn lũ” bằng sự sẻ chia, “nhường cơm xẻ áo”…
Đoàn cứu trợ tặng quà cho bà con ở cù lao Bắc Phước, xã Triệu Phước. |
Cù lao Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong gồm có 3 làng: Hà La, Duy Phiên và Dương Xuân. Đây là một vùng quê nằm trên một ốc đảo, lại ở cuối nguồn sông Thạch Hãn và cách không xa cửa biển. Vì thế, lũ trên diện rộng khiến Bắc Phước trở thành “rốn lũ”. Đặc biệt hơn, do nằm ngay vị trí “cổ chai” nên nước tràn qua Bắc Phước chảy rất xiết và nguy hiểm cho việc đi lại của phương tiện tàu, thuyền. Ấy thế mà trong những ngày nước lũ dâng cao, nhiều người con xa quê đã vượt qua mưa lũ, kịp thời ứng cứu thức ăn, đồ uống… cho bà con.
Khi cơn “đại hồng thủy” đang hoành hành, chúng tôi đã theo những chuyến hàng cứu trợ gồm: Gạo, mì tôm, nước uống… của các gia đình anh Trương Minh Vương, chị Nguyễn Thị Tuyến, chị Trần Thị Tuyết… những người con làng Duy Phiên, ông Nguyễn Văn Quốc, Chị Nguyễn Thị Hạnh… những người con của làng Hà La đang sinh sống thành phố Đông Hà.
Một chuyến cứu trợ đầy gian khó và nguy hiểm, khi đoàn xe chở hàng cứu trợ chạy về Bắc Phước, cách khoảng chừng 3km thì gặp cây cầu trên đường 64 bị hư hỏng nặng, xe không thể đi tiếp. Lúc đó, trên từng nét mặt của mọi người không giấu được vẻ lo lắng, nhất là sự chờ đợi tiếp tế của người thân ở quê nhà. “Cái khó ló cái khôn”, mọi người đã tìm gặp những người địa phương ở vùng biển có thuyền, với những tay lái thuyền dày kim nghiệm, nhờ họ giúp sức đưa hàng đến Bắc Phước bằng đường thủy. Nhờ vậy, trong chiều hôm đó, hàng hóa cũng chuyển đến tận từng gia đình ở vùng lũ Bắc Phước.
Dù không sinh ra và lớn lên tại Bắc Phước, nhưng khi nghe tin quê nhà ngập sâu trong lũ, chị Dương Thùy Linh, Dương Thùy Giang… quê Hà La (Bắc Phước) đang sinh sống và công tác tại tỉnh Nam Định đã cùng nhau quyên góp tiền mua hơn 100 suất quà. Số quà này được người bác ruột của các chị là ông Dương Việt Dũng ở tại thành phố Đông Hà trực tiếp chuyển đến bà con quê hương ngay trong những ngày lũ chưa rút.
Sống xa quê lâu năm, khi nghe tin quê nhà bị thiệt hại nặng do lũ lụt gây ra, ngay sau lũ, anh Nguyễn Văn Khiếu ở tại tỉnh Bình Phước cùng với các con của mình ở Thành phố Hồ Chi Minh, vượt hơn 1.000km về thăm và chung tay ủng hộ bà con khắc phục lũ lụt. Gia đình anh Khiếu đã tặng gần 200 suất quà bằng tiền mặt, mỗi suất từ 300 - 500 nghìn đồng. Anh Khiếu tâm sự: “Trong những ngày miền Trung xảy ra lũ lụt, ngày nào anh cũng theo dõi, điện thoại hỏi thăm bà con. Nhìn thấy cảnh nhà cửa ở làng mình ngập trong trong nước, gia súc, gia cầm, tôm cá… bị cuốn trôi theo dòng nước lũ mà không cầm được nước mắt”.
Sự sẻ chia, hỗ trợ của các nhà hảo tâm
Do nằm ở vùng xung yếu của lũ lụt nên trong và sau lũ, cù lao Bắc Phước được nhiều nhà hảo tâm, các đoàn thiện nguyện quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ cùng người dân nơi đây khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Doanh nhân Nguyễn Thị Lợi - Công ty TNHH Thương mại Đức Lợi tại thành phố Đông Hà; doanh nhân Nguyễn Thị Thùy Loan - Công ty Giang Loan tại thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị); doanh nhân Dương Ánh Hồng - Công ty Việt Hồng Chinh tại thành phố Đông Hà… họ cùng nhau chung tay, đồng thời kêu gọi, huy động các đối tác, bè bạn ở nhiều tỉnh, thành hướng về người dân vùng lũ với hàng nghìn suất quà.
Tại cù lao Bắc Phước, đoàn thiện nguyện đã trao hàng trăm suất quà bằng hiện vật và tiền mặt, giá trị hàng trăm triệu đồng… Chị Huỳnh Thị Trung ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Đình cho biết: Ngay trong khi miền Trung đang bị lũ dữ hoành hành, chị đã cùng với nhóm bạn bè kêu gọi, quyên góp các loại hàng hóa thiết yếu như: Chăn, màn, sữa, cơm rang, bánh chưng, áo quần, thuốc y tế… chia thành 600 phần quà, mỗi phần trị giá 500.000 đồng. Vượt hơn 500 cây số, đoàn của chị đã đến hỗ trợ nhiều vùng dân cư vùng bị ngập lũ nặng ở Quảng Trị, trong đó có Bắc Phước.
Tình người ở nơi “rốn lũ” Bắc Phước đến từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, thiện nguyện và những người con xa quê… không những thể hiện sự nhân văn sâu sắc mà còn là sự giúp sức, niềm động viên để người dân nơi đây vượt qua gian khó từ việc khôi phục lại nhà cửa, ruộng đồng, đầm hồ nuôi trồng thủy sản... sớm ổn định cuộc sống sau lũ.
Hữu Tiến
Theo