(Xây dựng) - Các dự án FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện đang phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường sau thời gian chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai. Tuy vậy, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian gần đây vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần được khơi thông.
Xưởng may công nghiệp của Công ty JINQUAN Việt Nam. |
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có có 18 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.484,52 triệu USD. Trong đó, có 12 dự án hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký là 49,582 triệu USD; 6 dự án đang triển khai xây dựng với tổng số vốn đăng ký là 2.434,94 triệu USD. Một số dự án tiêu biểu như: Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng tỉnh Quảng Trị - giai đoạn 1 của tổ hợp các nhà đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc gồm Tập đoàn T&T và các doanh nghiệp Hàn Quốc: Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) (2,317 tỷ USD); Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị của Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore, Công ty Cổ phần đô thị Amata Biên Hòa, Sumitomo Corporation (88,26 triệu USD)…
Nhìn lại kết quả hoạt động của các dự án FDI và công tác thu hút đầu tư ở địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn chưa được như kỳ vọng, còn mang tỉnh nhỏ giọt. Đơn cử trong quý IV/2022 các chỉ số đều giảm so với năm 2021. Cụ thể, vốn thực hiện các dự án đạt 1,4 triệu USD, doanh thu của các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 19,23 triệu USD (bằng 83,21% so với cùng kỳ 2021), giá trị xuất khẩu đạt 11,72 triệu USD (bằng 88,39% so với cùng kỳ), giá trị nhập khẩu đạt 3,66 triệu USD (bằng 33,67% so với cùng kỳ), giải quyết việc làm thường xuyên cho 2181 lao động tại địa phương (bằng 75,84% so với cùng kỳ) và nộp ngân sách 0,42 triệu USD (bằng 87,15% so với cùng kỳ 2021).
Điều đáng quan tâm hơn, đó là cả năm 2022, không có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; mà chỉ có 1 dự án thực hiện điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư là dự án SANGSHIN CENTRAL VIỆT NAM của Công ty TNHH Sangshin Central Việt Nam, nâng tổng mức đầu tư từ 3,5 triệu USD lên 4 triệu USD.
Từ bức tranh toàn cảnh về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tỉnh Quảng Trị cần nhìn nhận và đánh giá một cách đích thực về những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, những cản trở lớn trong việc thu hút vốn đầu tư FDI, đó là cơ sở hạ tầng và các chính sách hỗ trợ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, hạ tầng vẫn là “nút thắt” trong kêu gọi đầu tư vào tỉnh Quảng Trị. Việc thiếu các công trình giao thông, hạ tầng trọng điểm như sân bay, cảng biển nước sâu, kho ngoại quan đã có nhiều ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư của tỉnh.
Các chính sách ưu đãi đầu tư nói chung của tỉnh Quảng Trị chưa tạo được lợi thế thực sự khác biệt để kêu gọi, thu hút đầu tư do nguồn lực của tỉnh còn nhiều hạn chế. Áp lực trong cạnh tranh thu hút vốn đầu tư FDI với các địa phương, quốc gia khác. Thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, chất lượng cao, trình độ chuyên môn cao và có tay nghề để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Công tác giải phóng mặt bằng chậm, không đảm bảo tiến độ bàn giao cho nhà đầu tư, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong triển khai thực hiện dự án cũng như ái ngại trong việc quyết định đầu tư…
Theo đó, Quảng Trị cần có những biện pháp quyết liệt để hóa giải về những tồn tài, hạn chế, nhằm khơi thông dòng chảy xuyên suốt, nâng cao hiệu quả hoạt động của các dự án FDI và công tác thu hút đầu tư vốn nước ngoài.
Hữu Tiến
Theo