(Xây dựng) – Sự phát triển du lịch tại Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị còn nhiều bất cập, để góp phần phát triển du lịch cũng như kinh tế, địa phương cần có các giải pháp mang tính chiến lược ở tầm vĩ mô lẫn vi mô.
Hàng quán phục vụ du khách tắm biển tại Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị). |
Quảng Trị có bờ biển dài gần 75km, có nhiều bãi biển đẹp, nước trong xanh bãi cát rộng rãi, thoáng đãng… Ấy vậy mà, nhiều dự án phát triển du lịch tại Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt - một trong những nơi có bãi biển đẹp nhất của tỉnh Quảng Trị lại không phát huy hiệu quả, có dự án đang xây dựng dở dang phải dừng lại, có dự án không triển khai theo đúng cam kết buộc phải thu hồi đất… Vậy, đâu là nguyên nhân?
Đến thời điểm hiện tại, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có 15 dự án phát triển du lịch đăng ký đầu tư, trong đó có đến 13 dự án đăng ký đầu tư tại Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt thuộc địa bàn huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.565,414 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng khoảng 1.030,2ha. Có 4 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký là 247,40 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng là 4,69ha.
Chúng ta dễ nhận thấy một điều rằng, sau nhiều năm thu hút đầu tư (tính từ năm 2008), nhưng cho đến nay tại Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt mới có 4 dự án chính thức đi vào hoạt động, bao gồm Sepon Boutque Ressort thuộc Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị, khách sạn Tùng Việt, khu nghỉ dưỡng Cửa Việt của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị, khách sạn Phú Mỹ Hoa.
Phải khẳng định rằng, hiệu quả mang lại từ 4 dự án nói trên chưa được như sự mong đợi. Trong các dự án này thì dự án Sepon Boutque Ressort nằm ở vị trí trung tâm, gần với bờ biển và được đầu tư tương đối quy mô gồm các khu: Khu phục vụ ngủ, khu phục vụ ẩm thực, khu hội nghị, khu phụ trợ… Sau nhiều năm đi vào hoạt động, Sepon Boutque Ressort gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, được sự điều tiết chung của toàn công ty, Sepon Boutque Ressort vẫn tiếp tục hoạt động. Thực tế cho thấy, nếu Sepon Boutque Ressort “đơn thương độc mã” thì khó khăn này chưa biết về đâu.
Còn khu nghỉ dưỡng Cửa Việt của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị sau khi xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động một thời gian ngắn, đơn vị này đã cho các đối tác khác thuê lại để làm dịch vụ thông thường, tiền thuê hàng năm cũng chẳng đáng bao nhiêu so với nguồn vốn đầu tư, 2 dự án còn lại chủ yếu làm nhà nghỉ thông thường, với phòng ngủ giá rẻ…
Bên cạnh hoạt động không hiệu quả của các dự án trên, tại Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt có các dự án đang xây dựng dở dang phải dừng lại, có dự án được giao đất nhưng không triển khai như cam kết đã bị thu hồi đất. Xin được đơn cử, đó là Dự án HP Pacifica Hotel của Công ty Cổ phần Hiệp Phú được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị cấp Giấy chứng nhận thay đổi lần thứ 2 vào ngày 13/6/2016; tổng vốn đầu tư là 140 tỷ đồng; tiến độ thực hiện dự án đầu tư từ quý III/2016, tiếp tục triển khai xây dựng dự án đến quý IV/2017 hoàn thành đưa vào hoạt động.
Dự án này được UBND tỉnh Quảng Trị giao đất tại Quyết định số 51/QĐ-UBND ngày 10/01/2014. Công ty đã thực hiện xây dựng hoàn thành phần thô một số hạng mục công trình chính. Sau khi được cấp lại Giấy phép xây dựng vào tháng 11/2017, Công ty tiếp tục triển khai xây dựng, nhưng từ quý II/2018 đến quý II/2019 Công ty đã dừng thi công, vì vậy đến tháng 4/2020, hoạt động dự án đầu tư HP Pacifica Hotel đã bị chấm dứt.
Dự án Paradise Cửa Việt Resort của Công ty Cổ phần Bạch Đằng Quảng Trị với diện tích đất được cấp 30.132m2 và cấp từ tháng 8/2018 tại Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt, nhưng do đơn vị này không triển khai thực hiện đúng theo nội dung và thời gian cho phép của UBND tỉnh Quảng Trị, nên đến ngày 18/7/2019 UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị và các đơn vị liên quan thực hiện thu hồi đất…
Để tìm hiểu những nguyên nhân tác động trực tiếp đến hoạt động kém hiệu quả của các dự án phát triển du lịch tại Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt, chúng tôi đã gặp gỡ, trò chuyện với những người đã và đang làm công tác quản lý du lịch tại Quảng Trị. Họ đều có những đánh giá chung, đó là: Trước hết, về khách quan mà nói, thời gian qua ngành Du lịch nói chung bị ảnh hưởng không nhỏ đến sự cố môi trường biển do Formosa. Thời điểm dịch Covid-19, riêng Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt còn bị tác động bởi những nguyên chính: Lượng khách du lịch ngoại tỉnh đến Quảng Trị chưa nhiều, khách đến tham quan lưu trú lại Quảng Trị còn rất hạn chế.
Dự án HP Pacifica Hotel của Công ty Cổ phần Hiệp Phú bị chấm dứt hoạt động khi đang còn xây dựng dở dang. |
Điều đó cũng dễ hiểu bởi những điểm tham quan ở Quảng Trị chưa có sự thu hút và hấp dẫn đối với du khách; hạ tầng phục vụ du khách thuộc giới thượng lưu hay du khách nước ngooài chưa ngang tầm so với các địa phương khác. Tại Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt chưa có các dự án theo mô hình chuỗi du lịch…
Bên cạnh đó, các cơ sở phục vụ du khách đến Cửa Việt tắm biển và vui chơi trên biển còn đơn điệu, chưa xứng tầm. Cụ thể, ở bãi biển Cửa Việt các nhà hàng phục vụ du khách vui chơi, tắm biển phần lớn là của người dân địa phương, họ đầu tư khá đơn giản, mang tính chất tạm thời; chưa dành quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư bên ngoài tham gia đầu tư cơ sở phục vụ du khách tắm và vui chơi bên biển…
Về vấn đề này, phóng viên tìm hiểu được biết: Do việc thuê đất làm nhà hàng trên bãi biển có thời hạn nhất định, hết thời gian thuê đất là phải đấu lại và thay đổi địa điểm, chính vì vậy nên tâm lý e ngại, bà con không đầu tư lớn, không đầu tư có quy mô mà chỉ mang tính “dã chiến” và hoạt động trong mấy tháng hè. Những tháng còn lại trong năm, các cơ sở này gần như “đắp chăn” nằm chờ…
Cũng xin nhấn mạnh thêm một điều rằng: Do tại Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt chưa có điểm vui chơi, không có các điểm trưng bày và phục vụ mua sắm hàng hóa… mà nơi đây chỉ là đơn thuần thu hút du khách đến tắm biển mùa hè và chủ yếu khách trong tỉnh, còn vào những mùa khác hoặc buổi đêm thì khu này rất vắng người.
Thực tế phát triển du lịch ở Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt cho thấy còn nhiều điều cần phải ngẫm nghĩ, từ đó cần có các giải pháp mang tính chiến lược ở tầm vĩ mô lẫn vi mô nhằm khắc phục về những tồn tại, bất cập làm ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của du lịch ở Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt, góp phần đưa ngành Du lịch Quảng Trị trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương.
Hữu Tiến
Theo