(Xây dựng) – Hàng loạt nhà tránh lũ cộng đồng được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng tại nhiều khu vực dân cư nên những năm trở lại đây, vùng quê Hải Lăng (Quảng Trị) đã giảm thiểu được nhiều rủi ro đáng kể khi có lũ lớn xảy ra.
Nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn Trung Hải, xã Hải Định, huyện hải Lăng đồng thời được dùng làm nhà tránh lũ cộng đồng của khu vực này. |
Hải Lăng nằm về phía Nam của tỉnh Quảng Trị, giáp ranh với đất Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, có 16 xã và thị trấn. Nơi đây thuộc vùng thấp trũng nhất của tỉnh Quảng Trị, được xem là rốn lũ của tỉnh này. Khi mùa mưa lũ đến, từ lũ vừa đến lũ lớn, trên địa bàn huyện Hải Lăng gần như bị chia cắt thành nhiều vùng biệt lập. Đáng quan tâm, đó là tại những vùng dân cư của huyện có đến 7 vùng càng, mỗi vùng có khoảng 50 hộ gia đình, với khoảng 150-200 nhân khẩu, nằm gần như tách rời ra khỏi khu vực thôn, làng vì vậy nên càng trở nên mênh mông giữa biển lũ. Đã vậy, sau lũ nước rút rất chậm, ngâm nhiều ngày trong nước để lại bao hệ lụy tiêu cực về môi trường, cây trồng, vật nuôi với người dân.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại, nhất là về người do lũ lụt gây ra, những năm trở lại đây huyện Hải Lăng đã tập trung huy động, lồng ghép mọi nguồn lực để đẩy nhanh việc cao tầng hóa. Bắt đầu là việc cao tầng hóa trường lớp học từ năm 1998, rồi đến cao tầng hóa trụ sở làm việc của các xã, thị trấn và cao tầng hóa các cơ sở công cộng như nhà văn hóa, trụ sở hợp tác xã nông nghiệp, nhà tránh lũ lụt trong các khu dân cư… Tiếp đến, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ năm 2012, trong đó có việc chỉnh trang nông thôn, huyện Hải Lăng đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào xây dựng nhà ở cao tầng của người dân.
Đến nay, trên địa bàn huyện Hải Lăng xây dựng được 121 nhà cao tầng, trong đó có 20 nhà cao tầng tại trụ sở UBND các xã, thị trấn, 94 nhà cao tầng tại các trường học, 3 trụ sở hợp tác xã sản xuất nông nghiệp cao tầng, 3 nhà cao tầng công cộng tại thôn Văn Quỹ, xã Hải Phòng, thôn Lam Thủy, xã Hải Hưng và càng Cây Gia, thị trấn Diên Sanh.
Phải khẳng định rằng, việc thực hiện chủ trương xây dựng nhà cao tầng tại Hải Lăng là giải pháp mang lại rất hiệu quả, nó có tính đa mục tiêu, trong đó, quan trọng nhất là làm nơi tránh lũ lụt cho người dân, một minh chứng cụ thể, đó là trận lũ lịch sử từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11 năm 2020, mức lũ lụt ngang bằng, có nơi cao hơn năm 1999, năm 2009, với cường độ dồn dập hơn, thời gian kéo dài hơn, lũ chồng lũ 4-5 cơn, nhưng thiệt hại do lũ lụt gây ra thì thấp hơn rất nhiều. Nếu như năm 2009, có 6 người bị chết, 46 người bị thương thì trận lũ lịch sử năm 2020 có 5 người chết, 24 người bị thương.
Nhớ lại trận lũ lịch sử năm 2020, bà Lý Thị Loan, ở thôn Trung Đơn, xã Hải Định vẫn chưa hết bàng hoàng khi mà nước lũ dồn dập đổ về và lên nhanh, nhà bà bị ngập sâu trong nước, cả nhà phải di chuyển đến tránh lũ tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Trung Hải. Bà Lý tâm tư: “Nếu không có nhà sinh hoạt hoạt cộng đồng thôn thì không biết điều gì sẽ xảy ra với nhiều hộ gia đình ở thôn Trung Hải”.
Ông Lê Đình Lễ – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Lăng cho biết: Hệ thống nhà tránh lũ cộng đồng trên địa bàn huyện Hải Lăng như hiện nay còn rất hạn chế so với nhu cầu tránh lũ cho hơn 8 vạn dân trong trong toàn huyện. Trong đó đáng quan tâm là các vùng đông dân cư như Hải Thành, Phước Điền, thôn Trung Đơn xã Hải Định; các thôn Phú Kinh, An Thơ, Văn Trị, Hà Lỗ xã Hải Phòng; vùng dân cư thôn Đông Hải, xã Hải Trường…
Vì vậy, thời gian tới, Hải Lăng tiếp tục mong nhận được quan tâm của nhà nước, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp… hỗ trợ để những khu vực đông dân cư ở những vùng thấp trũng có thêm những ngôi nhà tránh lũ cộng đồng, giải quyết nỗi âu lo khi mùa lũ tràn qua.
Hữu Tiến
Theo