(Xây dựng) - Hiện nay, tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) chỉ đạt 58,41%, tương đương 69.014/118.160 hộ, thuộc mức trung bình so với bình quân chung cả nước.
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở miền núi tỉnh Quảng Trị. |
Cụ thể, số lượng hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung khá thấp, chỉ đạt 26,08%, tương đương 30.819/118.160 hộ; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ các công trình cấp nước sạch hộ gia đình đạt 32,32% tương đương 38.195/118.160 hộ. Tỷ lệ trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh 57,45%; tỷ lệ trường học có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh 29,29%.
Đối với các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, phần lớn được xây dựng từ năm 2002 trở về trước, công tác khảo sát và giải pháp thiết kế chưa tính đến những ảnh hưởng có khả năng làm giảm lưu lượng, trữ lượng nước mặt cũng như nước ngầm do tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho một số công trình cấp nước ngày càng thiếu nguồn nước cấp cho công trình.
Đặc biệt, một số công trình tự chảy ở 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa thường bị thiếu nước vào mùa nắng hạn, chất lượng nước sau xử lý không đảm bảo, bị đục vào mùa mưa; hệ thống xử lý lắng lọc, đập dâng nước đầu nguồn thường bị bồi lấp và bị tắc sau một hoặc 2 mùa mưa lũ; áp lực nước không ổn định, cuối mạng đường ống thường bị thiếu nước.
Bên cạnh đó, bão lũ thường xuyên đã làm hư hỏng, cuốn trôi các hạng mục của công trình cấp nước tự chảy ở miền núi: Đập dâng, đường ống dẫn nước, mố đỡ ống... nhưng việc khắc phục chưa kịp thời và do khó khăn về tài chính dẫn đến công trình bị hư hỏng lớn và dần dần công trình ngừng hoạt động.
Mặt khác, phần lớn công trình cấp nước tự chảy ở miền núi không thu được tiền sử dụng nước, hoặc có thu nhưng không đủ chi các khoản như: Lương nhân công, tiền mua hóa chất xử lý nước, tiền điện... nên không có kinh phí để duy tu bảo dưỡng công trình, làm cho công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng, dẫn đến công trình không hoạt động.
Từ năm 2016 đến nay, công tác cấp nước sạch nông thôn được tích hợp trở thành một hợp phần nhỏ trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nguồn vốn hàng năm của chương trình bố trí cho công tác cấp nước nông thôn rất ít chủ yếu dùng để sửa chữa, nâng cấp các công trình có quy mô nhỏ (công suất <100m3>
Quảng Trị là tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế, do đó để sử dụng nguồn ngân sách địa phương để đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn có quy mô liên xã, liên huyện rất khó thực hiện. Để việc cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường sức khỏe và điều kiện sống của người dân nông Quảng Trị đang cần sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương, các tổ chức phi Chính phủ… sớm triển khai đầu tư vào các dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn, nâng cao tỷ lệ hộ dân có điều kiện sử dụng nguồn nước đạt quy chuẩn Việt Nam.
Hữu Tiến
Theo