Thứ sáu 26/04/2024 11:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Trị: Du lịch Vĩnh Linh “thức giấc” trong nắng mới

14:34 | 07/06/2016

Ông Trần Hùng

(Xây dựng) - Huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2020 phát triển đầy đủ các loại hình dịch vụ du lịch; đặc biệt quan tâm đẩy mạnh đầu tư nhằm đánh thức “Nữ hoàng bãi tắm” Cửa Tùng, biến Cửa Tùng thành khu du lịch - thương mại phát triển bậc nhất của tỉnh Quảng Trị, là điểm đến và cũng là địa chỉ dừng chân hấp dẫn của du khách trên hành trình du lịch… Trước một kế hoạch mang tính quy mô này, PV Báo Xây dựng đã phỏng vấn TS Trần Hùng - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh.

Xin Chủ tịch giới thiệu tổng quan về hệ thống du lịch của huyện Vĩnh Linh?

- Huyện Vĩnh Linh có 180 di tích lịch sử văn hóa được công nhận, trong đó có 4 di tích lịch sử được công nhận là di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia: Điểm bắn rơi B52 đầu tiên tại miền Bắc; Khu di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Đường Trường Sơn; Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc; 1 di tích lịch sử được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia là Bến đò B Tùng Luật và rất nhiều di tích được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh khác.

Với đường bờ biển dài gần 40km, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Vĩnh Linh rất nhiều bãi tắm đẹp. Đó là bãi tắm Vĩnh Thái thu hút du khách bởi còn giữ nguyên nét hoang sơ, nước biển trong xanh, bờ cát trắng mịn màng trải dài. Đặc biệt có bãi tắm Cửa Tùng nằm ở phía cuối dòng sông Hiền Lương lịch sử. Ngoài khơi xa, đảo Cồn Cỏ như một con rùa vàng ngoi lên khỏi mặt nước tím biếc gợi bao ý tưởng về huyền thoại thủa hoang sơ. Ở vào vị trí ấy, Cửa Tùng có thể ví như "Nữ hoàng" tựa lưng vào làng biển Cửa Tùng bốn mùa rợp xanh bóng mát tiêu chè và rừng phi lao rì rào trong gió. Không chỉ có bãi biển đẹp, Vĩnh Linh còn có rất nhiều loại hải sản quý và ngon như mực nang, tôm hùm, tôm hẹ, ghẹ biển, cá mú, cá chim, cá nụ, cá thu, cá bớp, điệp, sò mai... với sự chế biến mang phong cách rất riêng, rất cuốn hút của người dân địa phương.

Cách bờ biển khoảng 3km, nằm giữa vùng đồng bằng của huyện là danh thắng tự nhiên Rừng nguyên sinh Rú Lịnh. Với diện tích khoảng 100ha, Rú Lịnh là địa chỉ đặc biệt dành cho du khách yêu thích du lịch sinh thái, du lịch khám phá và say mê vẻ nguyên sơ của thiên nhiên.

Du khách trong và ngoài nước biết đến hệ thống "Ðịa đạo Vịnh Mốc như một tòa lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín bao điều kỳ lạ của những người làm ra nó và thời đại mà nó được sinh ra". Ðịa đạo Vịnh Mốc xã Vĩnh Thạch là một chứng tích lịch sử oai hùng về bài học sinh tồn của con người Vĩnh Linh trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17 nằm ở điểm giao nhau giữa đường QL1A và sông Bến Hải, phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh; phía Nam thuộc thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh; cách thị trấn Hồ Xá 7km về phía Nam và cách TP Ðông Hà 22km về phía Bắc. Do đặc điểm lịch sử nên di tích này kéo dài trên một chiều dài gần 15km. Hệ thống này bao gồm nhiều địa điểm với nhiều hạng mục từng diễn ra những sự kiện lịch sử tiêu biểu ở bên bờ giới tuyến.

Chủ tịch vui lòng cho biết thực trạng đầu tư, quản lý và khai thác ngành du lịch trên địa bàn huyện Vĩnh Linh?

- Hiện tại hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc, Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - sông Bến Hải và một số di tích lịch sử khác của huyện được tỉnh Quảng Trị đưa vào khai thác tour du lịch hoài niệm DMZ. Mặc dù được đánh giá là sản phẩm du lịch đặc thù của du lịch Quảng Trị nhưng hiện nay tour DMZ đang đứng trước nguy cơ “chết yểu” do sự yếu kém trong công tác quản lý; sự qua loa, cẩu thả, “chụp giật” trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của một số doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nội dung của tour còn nghèo nàn, chưa tạo ra được sự hấp dẫn cho du khách, chưa thu hút được du khách quay trở lại lần thứ hai. Chỉ tính riêng địa đạo Vịnh Mốc xã Vĩnh Thạch, hàng năm di tích này tiếp đón được khoảng 25.000 lượt khách, đây là con số rất lớn, thế nhưng nguồn thu nhập chủ yếu của người dân xã Vĩnh Thạch lại không phải nhờ vào các hoạt động có liên quan đến du lịch, bộ mặt của làng quê cũng không phải nhờ hoạt động du lịch mà thay đổi. Đây là thực trạng chung trong khai thác du lịch hoài niệm cách mạng ở tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Vĩnh Linh nói riêng.

Bãi tắm Cửa Tùng được tỉnh bàn giao cho huyện Vĩnh Linh quản lý từ năm 2012, hiện tại bãi tắm đã được đầu tư về kết cấu hạ tầng, hệ thống khách sạn, nhà hàng và các công trình phụ trợ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tắm biển, nghỉ ngơi, thưởng thức ẩm thực của du khách. Tuy nhiên, sự đầu tư đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của khu du lịch Cửa Tùng. Mặt khác, hiện nay bãi tắm Cửa Tùng đang phải đối mặt với tình trạng xâm thực và dần mất đi nguyên trạng ban đầu. Mặc dù tỉnh đã quan tâm đầu tư hệ thống kè chắn sóng nhưng bãi cát trắng mịn của bãi biển Cửa Tùng đã dần bị thu hẹp. Để khôi phục, cải tạo và nâng cấp bãi tắm, cần phải có một nguồn vốn đầu tư rất lớn...

Để ngành du lịch Vĩnh Linh phát huy theo đúng tiềm năng của nó, thời gian tới cần có những giải pháp gì?

- Để thúc đẩy ngành du lịch của huyện nhà phát triển xứng đáng với tiềm năng sẵn có, giải pháp quan trọng hàng đầu mà UBND huyện Vĩnh Linh đề ra trong giai đoạn tới là tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, huyện Vĩnh Linh chủ trương xã hội hóa du lịch. Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để cá nhân, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Tăng cường quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Vĩnh Linh. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đến công tác quy hoạch các địa điểm du lịch trên địa bàn, đề cao tính khả thi và tính kết nối giữa các địa điểm du lịch trong quy hoạch... Với tiềm năng sẵn có và sự quan tâm của lãnh đạo các cấp trong thời gian tới du lịch của huyện Vĩnh Linh sẽ “thức giấc” và  chuyển mình trong nắng mới, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch.

Hữu Tiến (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

  • Quảng Ninh: Kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sỹ

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ, người dân của địa phương đỗ tiến sĩ.

  • Hoàn thành giai đoạn 1 tu bổ nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

    Bệnh viện Chợ Quán xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam."

  • Khai hội đền Đô: Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc

    (Xây dựng) - Sáng 23/4, tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã long trọng diễn ra Lễ khai hội đền Đô 2024 và hướng tới kỷ niệm 1014 năm Vua Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load