(Xây dựng) – Hàng nghìn mét đất hai bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị) bị sạt lở nghiêm trọng, nếu không có giải pháp xử lý cấp bách, thì tình trạng sạt lở hai bên bờ sông này sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
Nhiều điểm hai bên bờ sông Thạch Hãn bị sạt lở nghiêm trọng. |
Nhắc đến câu chuyện sạt lở bờ sông Thạch Hãn, chắc nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến một cảnh tượng sập đổ, hoang tàn xảy ra cách đây gần một năm về trước, tại bờ sông Thạch Hãn đi qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Nguyên nhân là do trước đó mưa lớn kéo dài, kè bờ sông không đảm bảo… Hậu quả để lại thật tang thương, một đoạn bờ sông sạt sập, cuốn vùi thêm nhiều nhà cửa, của cải của người dân và khiến một người đàn ông tử vong…
Theo ngành chức năng của tỉnh Quảng Trị, hiện tại do chịu tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn ra ngày càng khắc nghiệt, không tuân theo quy luật, mưa lũ bất thường đã làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó, tình trạng sạt lở đặc biệt biệt nghiêm trọng xảy ra dọc hai bờ sông Thạch Hãn, nơi có nhiều di tích lịch sử quan trọng của quốc gia như: Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thành Cổ Quảng Trị và một số địa điểm ghi dấu tích cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị,...
Ở những khu vực này, bờ sông sạt lở theo mái gần như thẳng đứng, có nhiều đoạn đã bị xói lở, ăn sâu vào nhà ở của các hộ dân. Hàng năm, bờ sông bị sạt lở trung bình từ 5-10m, lấn sâu vào đất vườn, đất ở, làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sinh hoạt của hơn 5.000 hộ dân sinh sống dọc bờ sông Thạch Hãn.
Hiện tại, tuyến kè sông Thạch Hãn mới được tỉnh Quảng Trị thực hiện gia cố chân kè dài khoảng 2.150m và gia cố mái 370m tại những vị trí xung yếu để giảm thiểu xói lở. Do nguồn vốn ngân sách tỉnh Quảng Trị còn hạn chế nên mới triển khai xử lý cục bộ, chưa đảm bảo ổn định lâu dài cho toàn tuyến. Việc triển khai thực hiện xử lý sạt lở, kiên cố hóa bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là hết sức cấp thiết đảm bảo an toàn cho tính mạng của hàng nghìn người dân và bảo vệ các di tích lịch sử quan trọng của quốc gia, cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu vực…
Một vị lãnh đạo huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) cho hay: Dọc hai bên bờ sông Thạch Hãn thuộc địa phận huyện Triệu phong có nhiều điểm với trên 12.000m bị sạt lở nghiêm trọng. Từ năm 2020 đến nay, huyện Triệu Phong mới đầu tư xây và gia cố được 1.500m bị sạt lở bờ sông, số điểm sạt lở còn lại là rất lớn, có gần hơn 10.000m chưa được đầu tư chống sạt lở.
Thực trạng sạt lở hai bên bờ sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và sông Thạch Hãn nói riêng đã “gióng” lên một cảnh báo hết sức cấp bách. Tuy nhiên, để khắc phục sự cố này thì nó vượt qua khả năng của chính quyền địa phương. Người dân đang sinh sống trong vùng bị sạt lở trông chờ sự quan tâm từ Trung ương để họ được ổn định cuộc sống, vơi đi nỗi âu lo mất đất, mất nhà thường trực mỗi khi mùa mưa, lũ cận kề.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết, công tác xử lý chống sạt lở bờ sông với một địa bàn nhiều sông, suối như Quảng Trị là một khối lượng công viết hết sức lớn. Trên thực tế, hàng năm Quảng Trị đều triển khai công tác chống sạt lở bờ sông, tuy nhiên do Quảng Trị một địa phương còn khó khăn, nên việc đầu tư cho công tác xử lý sạt lở bờ sông còn rất hạn chế, do vậy tình trạng sạt lở bờ sông vẫn là một bài toán nan giải, Quảng Trị đang cần sự giúp sức từ Trung ương, từ Chính phủ. Trước mắt, để xử lý những điểm sạt lở lớn, mang tính xung yếu nhất thuộc hai bờ sông Thạch Hãn đoạn qua địa phận thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong, UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản đề nghị Trung ương bố trí, hỗ trợ 750 tỷ đồng để triển khai Dự án xử lý, kiên cố hóa bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong.
Việc hoàn thành sớm dự án xử lý, kiên cố hóa bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong không những bảo vệ sự an toàn và sinh hoạt, sản xuất ổn định cho 5.000 hộ dân đang sinh sống hai bên bờ sông mà còn bảo vệ, giữ gìn nơi có nhiều di tích lịch sử quốc gia quan trọng.
Hữu Tiến
Theo