Thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh việc quy hoạch, thực hiện các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa với nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia và huy động nguồn lực xã hội hóa.
Hiện Quảng Trị có 509 di tích với 444 di tích lịch sử, 42 di tích văn hóa nghệ thuật, 17 di tích văn hóa khảo cổ, 6 danh lam thắng cảnh. Trong đó có 33 di tích được công nhận di tích quốc gia và 476 di tích cấp tỉnh.
Từ năm 2001, tỉnh Quảng Trị có 10 di tích quốc gia được đầu tư tôn tạo từ ngân sách nhà nước thuộc dự án "Quy hoạch tổng thể, đầu tư tôn tạo di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1996 - 2010" của Chính phủ, gồm: Làng Địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị (giai đoạn 1), Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, khu lưu niệm TBT Lê Duẩn, Sân bay Tà Cơn, Cầu treo Bến Tắt, Đình làng Hà Thượng, Đình làng Câu Nhi, Vụ Thảm sát Mỹ Thủy. Tổng kinh phí đầu tư là 208,7 tỷ đồng.
Có 11 di tích được đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa gồm: Chùa Bão Đồng và lăng mộ Trần Đình Ân, Đình làng Nghĩa An, Chiến khu Ba Lòng, Địa điểm chiến thắng Làng Vây, Nhà tù Lao Bảo... với số vốn đầu tư là 7,070 tỷ đồng.
Ngoài nguồn vốn Trung ương các tổ chức, cá nhân trong cả nước đã đóng góp 129 tỷ đồng đầu tư cho Thành Cổ Quảng Trị như: Tượng đài Chiến thắng, Tháp chuông, Bến thả hoa bờ Nam, bờ Bắc sông Thạch Hãn.
Đối với các di tích công nhận cấp tỉnh, thực hiện phân cấp quản lý theo Quyết định số 707/QĐ-UB ngày 12/7/1996 của UBND tỉnh, Chính quyền các huyện, thị, thành phố, xã phường trên toàn tỉnh đã có nhiều kế hoạch, phương án trích ngân sách địa phương cùng với nguồn vốn huy động sự tài trợ, đóng góp từ nhân dân và xã hội đã đầu tư trùng tu, tôn tạo được 113 di tích với tổng kinh phí 60 tỷ đồng.
Trong số này, một phần lớn là các di tích lịch sử có gắn với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng và các di tích kiến trúc nghệ thuật như đình, chùa, nhà thờ họ… được các cộng đồng làng xã huy động sự đóng góp của nhân dân để trùng tu, tu bổ, tôn tạo nhằm tôn vinh và giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Bên cạnh đó, nhờ sự đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, nhất là các đơn vị quân đội từng
chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, một số di tích lịch sử cách mạng như: Chiến thắng đồi 82; Cây đa giếng đìa; Đồi 31; Đồi 28; Căn cứ 241, Ngã ba Ngô Xá; Chiến thắng Cửa Việt; Bến đò A; Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn - Bến Tắt; Bến đò Mai Xá với tổng kinh phí gần 26 tỷ đồng.
Những di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo, đưa vào sử dụng đã phát huy tốt giá trị, đáp ứng tâm nguyện, sự mong mỏi và tình cảm của nhân dân cả nước đối với nhân dân Quảng Trị và mang lại những hiệu quả lớn lao có tính toàn diện về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội.
Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý, khai thác và phát huy tác dụng di tích qua các cấp chính quyền chưa được phân định trách nhiệm một cách cụ thể dẫn đến thực trạng nhiều di tích bị xâm hại, xuống cấp và biến dạng…
Toàn tỉnh có 476 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh chiếm phần lớn là các chứng tích chiến tranh và hầu hết tồn tại ở dạng phế tích nên việc tu bổ, tôn tạo gặp nhiều khó khăn không chỉ về nguồn lực, kinh phí huy động mà còn cả về các phương án, quan điểm và nguyên tắc bảo tồn.
Nhiều năm qua chưa có một cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư nào từ phía tỉnh đối với hệ thống di tích cấp tỉnh vốn rất cần có một chương trình kế hoạch đầu tư có thể là vừa ngắn và dài hạn để từng bước cùng địa phương bảo tồn, chống xuống cấp và tu bổ, tôn tạo. Các di tích tuy được cắm bia biển nhưng quy mô nhỏ, chất liệu còn mang tính tạm thời, chưa đạt tính bền vững; chưa phối kết hợp được giữa quy hoạch tôn tạo di tích với xây dựng không gian văn hóa đô thị và nhất là chưa chú ý đến tạo cảnh quan môi trường văn hóa, biến di tích thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Nhiều năm qua, tuy có một số di tích được các cá nhân, đơn vị, tập thể quan tâm góp vốn đầu tư tôn tạo nhưng con số này còn hạn chế so với thực tế. Nguồn lực huy động từ xã hội hóa cho việc đầu tư tôn tạo di tích chỉ mới tập trung vào các di tích loại hình kiến trúc nghệ thuật thuộc sự quản lý của cộng đồng, gia tộc còn các di tích khảo cổ, danh thắng chưa được chú trọng. Một bộ phận di tích cách mạng kháng chiến chỉ dừng lại ở góc độ đầu tư điểm mà thiếu tính đầu tư diện.
Trong việc quản lý đất đai di tích do nhiều di tích chưa được khoanh vùng bảo vệ, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc do hồ sơ đất thuộc di tích chưa rõ ràng, hợp lý xảy ra thực trạng lấn chiếm đất ở nhiều nơi. Đặc biệt, ở thành phố Đông Hà tốc độ đô thị hóa nhanh chóng kéo theo đất di tích bị xâm hại; trong đó đáng kể là di tích quốc gia Cảng Quân sự Đông Hà; di tích cấp tỉnh Cầu Lai Phước.
Ở nhiều di tích đình, chùa do nhân dân đóng góp tu bổ, tôn tạo chưa có sự giám sát, hướng dẫn cụ thể của cơ quan chuyên môn nên vẫn xảy ra tình trạng làm biến dạng các yếu tố cần được chấn chỉnh.
Phan Bảo Hòa
Theo