Thứ bảy 27/04/2024 02:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới văn hóa là nền tảng

14:15 | 19/12/2022

(Xây dựng) - Chặng đường xây dựng nông thôn mới trong năm 2022 đã khép lại, mở ra chặng đường mới năm 2023 với hành trang xây dựng nông thôn mới cao hơn. Nghiệm lại năm cũ, Quảng Ninh thực hiện chương trình này có nét khác biệt, đã lấy văn hóa làm nền tảng.

Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới văn hóa là nền tảng
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký thăm cơ sở sản xuất hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao biên giới Bình Liêu.

Mốc son năm 2022, sau hơn một thập kỷ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đã vận dụng 2 tiêu chí văn hóa (tiêu chí số 6 và 16) về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là nền tảng, là mục tiêu, là động lực… làm hồn cốt thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, làm đòn xeo xây dựng nông thôn mới.

Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới văn hóa là nền tảng
Nhiều bà con dân tộc thiểu số đã bỏ hủ tục lạc hậu, tiếp thu nếp sống văn minh đưa công trình phụ về gần nơi người ở.

“Trăm nghe không bằng một thấy”, đầu tháng 11/2022 xã Đại Dực, huyện Tiên Yên tổ chức Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng miền Soóng Cọ năm Nhâm Dần và khánh thành công trình Nhà văn hóa xã Đại Dực gắn với Trung tâm Văn hóa dân tộc Sán Chỉ, huyện Tiên Yên. Nhà văn hóa mới nằm trên khuôn viên 1,1ha, đáp ứng tốt nhu cầu tổ chức lễ hội, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao cộng đồng.

Ông Nịnh Xuân Cường, thôn Khe Lặc, xã Đại Dực đến giờ còn rất phấn khởi: “Công trình này được xây dựng và hoàn thành trong niềm mong mỏi, vui mừng của mọi người dân trong xã. Đây là mái nhà chung của cộng đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số với bản sắc văn hóa ngàn xưa, nó ấm cúng tình làng nghĩa xóm. Bà con nhân dân đến đây hội họp, sinh hoạt vui chơi văn nghệ tập thể, hệt như mái đình làng ngày xưa”.

Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới văn hóa là nền tảng
Lễ hội hoa sở Bình Liêu, điểm đến của du khách thập phương.

Năm 2022 trở về trước, các cấp dưới tỉnh ở Quảng Ninh gọi chung là huyện đã chủ động xã hội hóa các nguồn lực và cân đối ngân sách từ nguồn xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu, vốn sự nghiệp để xây dựng các công trình văn hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân phát huy và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.

Ông Vi Ngọc Nhất - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu cho biết: Để cụ thể hóa các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục lạc hậu. Đồng thời, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa tạo sân chơi lành mạnh chung cho nhân dân, lại vừa hình thành sản phẩm du lịch mới ở địa phương.

Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới văn hóa là nền tảng
Nhiều con đường ý Đảng - lòng dân bởi dân hiến đất tạo mặt bằng sạch, góp công, Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua vật liệu xây dựng mà thành.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ xã đến tỉnh đều quan tâm nguồn lực củng cố và phát triển hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, đảm bảo tính chuyên nghiệp, đạt chuẩn theo quy định. Theo đó, các địa phương chủ động bố trí nguồn lực lồng ghép vào các chương trình, đề án như: Đề án 196, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới... và huy động các nguồn lực xã hội hóa, vận động nhân dân địa phương thông qua việc hiến đất tạo mặt bằng sạch, góp ngày công, kinh phí để sửa chữa, xây dựng nhà văn hóa, làm đường làng, ngõ xóm...

Trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã xây mới và sửa chữa, nâng cấp gần 600 nhà văn hóa - thể thao cấp huyện, xã, thôn, khu. Phần lớn nhà văn hóa các thôn được xây dựng theo kiến trúc đa năng có diện tích từ 60-200m2; được trang bị những trang thiết bị thiết yếu như phông, màn, bục, tủ sách, báo, loa truyền thanh, bàn ghế... Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, cấp xã... đồng thời được củng cố, đầu tư thêm cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân, tạo điều kiện để phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh rộng khắp.

Việc quan tâm thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới không chỉ nâng cao mức hưởng thụ về đời sống tinh thần của nhân dân mà còn góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho văn hóa, các địa phương cũng tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng Nnông thôn mới, đô thị văn minh.

Qua phong trào đã thúc đẩy nhân dân đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi rộng khắp... Đến nay, toàn tỉnh có 95% số hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", 95% khu dân cư đạt danh hiệu "Thôn, khu phố văn hóa".

Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới văn hóa là nền tảng
Thác 72 gian Tràng Vinh, xã Bắc Sơn (Móng Cái) được tôn tạo thành sản phẩm du lịch sinh thái ở vùng sơn khu của địa phương.

Trong số các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, huyện miền núi biên giới Bình Liêu đang là điểm sáng trong thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết: Hệ thống giao thông nội bộ của huyện kết nối đồng bộ đến các điểm du lịch, các công trình văn hóa, di tích lịch sử mới được chỉnh trang, trùng tu nâng cấp… đã tạo ra sản phẩm du lịch thu hút du khách xa gần. Người dân lại có thêm nguồn thu mới, xóa nghèo làm giàu ngay trên đất rừng từng khuất nẻo.

Huyện Bình Liêu nhân rộng các mô hình, sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái… đã duy trì các lễ hội văn hóa truyền thống và ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số ở địa phương. Các hoạt động thể thao đặc sắc như: Môn bóng đá nữ truyền thống của người dân tộc Sán chỉ; du lịch cảnh quan thiên nhiên thác Khe Vằn; lễ hội Mùa vàng, hội Hoa sở, ngày hội Kiêng gió... Đồng thời, phát triển đặc sản làng nghề ở địa phương như: Thương hiệu miến dong, tinh dầu hồi, quế; sản phẩm mới cá nước lạnh, trồng hoa… đã níu chân nhiều du khách.

Ba Chẽ là huyện núi cao trên 80% là người thiểu số, trước đây thường “đèn nhà ai nấy rạng” người dân ít khi tụ tập đông người, nên chậm tiếp thu các tiến bộ trong đời sống xã hội. Từ khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã, các thôn ở đây có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đã tạo ra thói quen mới, già trẻ đến đây họp hành, vui chơi, ca hát tập thể... Từ hoạt động cộng đồng giao lưu văn hóa, nhiều người đã giác ngộ bỏ hủ tục lạc hậu còn tiếp thu nếp sống văn minh đưa công trình phụ về gần nơi người ở, như làm nhà vệ sinh, bếp khép kín.

Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã phối hợp với một số tổ chức, ban ngành, duy trì và lập ra các câu lạc bộ (CLB) dân ca vốn có của địa phương như: CLB Hát đối dân tộc Dao Thanh Y ở xã Nam Sơn, CLB Hát đối Dao Thanh Phán tại xã Đồn Đạc, CLB Hát soóng cọ của dân tộc Sán Chay ở xã Thanh Sơn.

Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới văn hóa là nền tảng
Lễ hội làng tạo thành sản phẩm du lịch tâm linh.

Năm 2020, huyện Ba Chẽ đã xây dựng và khánh thành Nhà truyền thống cộng đồng người Dao ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Đây là ngôi nhà thờ tổ chung của người Dao, có tổng diện tích 1.600m2, trong đó diện tích nhà 707,1m2 gồm 2 tầng. Ngôi nhà không chỉ là nơi tín ngưỡng của người Dao trong tỉnh mà còn là nơi thờ tự, tâm linh của người Dao thập phương đến dâng hương nghi lễ thờ cúng thần tổ Bản Vương.

Trong những ngày chuẩn bị đón chào năm mới, nghiệm lại năm cũ để “sắm sửa” hành trang cho năm mới hoàn thiện hơn, thấy rằng Quảng Ninh đã làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới, đã vận dụng 2 tiêu chí về văn hóa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, việc tổ chức lễ hội, tạo điều kiện để người dân ở vùng nông thôn sơn khu - hải đảo tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa thể thao và sáng tạo, bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Từ kết quả của công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính họ là động lực trong các phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đồng thời cũng là những hạt nhân trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tiên tiến của dân tộc. Qua thực hiện hai tiêu chí văn hóa (6 và 16) trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, cho thấy mối quan hệ gắn bó giữa xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới bởi công tác xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tại cộng đồng, đời sống tinh thần của người dân đã được nâng lên là điểm tựa xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, 98/98 xã của Quảng Ninh đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 44 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 22 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh đã có 9/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2022. Các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Vân Đồn và Hạ Long năm nay cũng đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Vậy là năm 2023, Quảng Ninh 100% đơn vị cấp dưới tỉnh gọi chung là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Sở Văn hóa - Thể thao đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố định kỳ hằng năm, tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa thể thao cho cán bộ phòng văn hóa, cán bộ văn hóa xã, phường, ban chủ nhiệm nhà văn hóa thôn, khu. Đồng thời, tăng cường đi kiểm tra, hướng dẫn tổ chức hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh, xây dựng các mô hình điểm...

Quảng Ninh lập Đề án xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo giữa vùng sơn khu - hải đảo với đô thị; Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2030; Đề án tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án hỗ trợ đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Năm 2023, Quảng Ninh tiếp tục lấy văn hóa làm nền tảng, làm mục tiêu, làm động lực trong xây dựng nông thôn mới, với hành trang mới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Địa phương còn dự kiến hướng tới xây dựng nông thôn văn minh, nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có... mở đường cho ngành Du lịch nông thôn phát triển trong chặng đường mới.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load