(Xây dựng) - Ngày 15/1, tại thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), trường Đại học Hạ Long đã tổ chức khai mạc hội thảo quốc tế thuộc dự án “Phòng ngừa, tái chế rác thải ngư cụ tại vùng biển Việt Nam - REVFIN”.
Hội thảo “Phòng ngừa, tái chế rác thải ngư cụ tại vùng biển Việt Nam – REVFIN” diễn ra từ ngày 15 - 17/1/2024, tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. |
Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp - Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long cho biết: “Ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành một vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, chất lượng môi trường và môi trường sống của con người và các loài sinh vật trên thế giới. Theo báo cáo, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới”. Đánh giá thực trạng hiện nay cho thấy rác thải ngư cụ do ngư dân, doanh nghiệp khai thác thủy sản phát sinh tại một số vùng biển như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa và Kiên Giang đang ở mức báo động.
Nhằm giảm thiểu rác thải biển, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nghị quyết, văn bản về vấn đề bảo vệ môi trường và giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu “Đến năm 2025, 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, đến năm 2030, 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển”.
Tỉnh Quảng Ninh tổ chức đợt cao điểm ra quân làm sạch rác thải, phao xốp trên biển từ 20/8/2023 đến hết tháng 9/2023, đã thu gom hàng triệu m3 phao xốp do quá trình tháo dỡ các nhà bè nuôi trồng thủy sản có sử dụng phao xốp xả ra biển. |
Tỉnh Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, là một trong những địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển, với hơn 250km bờ biển, trên 6.000km2 mặt biển, trên 1.000km2 hải đảo và có tới 9/13 địa phương tiếp giáp với biển. Những năm qua, việc giữ gìn môi trường biển được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm với quan điểm "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng nóng”. Điều này được minh chứng thông qua các văn bản chỉ đạo của tỉnh, được doanh nghiệp và cộng đồng nghiêm túc thực hiện như: Chuyển đổi phao xốp sử dụng trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu thân thiện với môi trường; hạn chế sử dụng túi nilon; đánh bắt, khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản...
Vùng nuôi trồng thủy sản của thành phố Hạ Long được thay thế từ phao xốp sang vật liệu HDPE - vật liệu nổi theo quy chuẩn trong nuôi trồng thủy sản, là yếu tố góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững hoạt động kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường. |
Từ năm 2021, thông qua sự điều phối của trường Đại học Nha Trang, trường Đại học Hạ Long được tiếp cận thông tin và kết nối với trường Đại học Ostfalia ở Đức cũng như các đối tác khác tại Việt Nam trong khuôn khổ dự án REVFIN; tích cực khảo sát và nghiên cứu những vấn đề liên quan đến rác thải ngư cụ tại vùng biển Quảng Ninh. Cùng với đó, thời gian qua, trường Đại học Hạ Long đã triển khai nhiều hoạt động cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường như: Nói không với rác thải nhựa, thành lập Câu lạc bộ tái chế xanh, Ngày chủ nhật xanh, tham gia xây dựng “Mô hình cộng đồng quản lý, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven Vịnh Hạ Long”.
Hội thảo “Phòng ngừa, tái chế rác thải ngư cụ tại vùng biển Việt Nam – REVFIN” diễn ra từ ngày 15 - 17/1/2024, trong đó tập trung phân tích đánh giá hiện trạng rác thải ngư cụ trên vùng biển Việt Nam thông qua kết quả khảo sát do các thành viên của dự án thực hiện trong năm 2023 tại một số vùng biển tiêu biểu của Việt Nam như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa và Kiên Giang, đồng thời xác định và đánh giá các phương pháp tái chế chất thải thủy sản nhằm giảm ô nhiễm đại dương.
Trên cơ sở đó hội thảo đưa ra các kế hoạch, giải pháp cần thiết để dự án tiếp tục được phát huy trong thời gian tới và đạt được mục tiêu đặt ra, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường biển của Việt Nam nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Hoàng My
Theo