(Xây dựng) – Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh nổi bật là một tỉnh tiêu biểu cả nước về mọi mặt: Giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Góp phần quan trọng vào thành quả này chính là việc Quảng Ninh đã vận dụng và kiên trì triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược (đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung phát triển nguồn nhân lực), coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quảng Ninh lần thứ 7 liên tiếp đứng đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. |
Với sự phát triển vượt bậc trong thời gian ngắn, Quảng Ninh vươn lên là một trong những tỉnh phát triển năng động của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện phía Bắc những năm qua. Kết quả này là minh chứng khẳng định những chủ trương, quyết sách chiến lược của tỉnh Quảng Ninh trên hành trình chuyển đổi mạnh mẽ của mô hình tăng trưởng mới được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh (2010-2015), cụ thể hóa 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh là hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định thực hiện 3 đột phá chiến lược là động lực quan trọng để Quảng Ninh hiện thực hóa các nhiệm vụ, kế hoạch trong tình hình mới.
Để thực hiện đột phá vào hạ tầng, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Tỉnh Quảng Ninh xác định việc đầu tư có trọng điểm vào các dự án giao thông không chỉ là động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn tạo nên sự kết nối chặt chẽ, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn cho địa phương và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Đến nay, Quảng Ninh là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước (đạt 65,5%); sở hữu hạ tầng giao thông tốt nhất miền Bắc với đa loại hình (đường bộ, đường biển, đường hàng không) với gần 200km đường cao tốc (chiếm 10% số km cao tốc toàn quốc); cảng hàng không quốc tế, cảng tàu chuyên biệt đầu tiên trong nước được đầu tư từ nguồn xã hội hóa…
Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng dài 24,6km, rộng 25m được thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100km/h, tổng vốn đầu tư 13.693 tỷ đồng. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước được thực hiện bằng nguồn ngân sách tỉnh và hợp tác công tư. (Ảnh: Đỗ Phương) |
Tháng 9/2018, tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng nối cao tốc Hải Phòng – Hải Nội hoàn thành; tháng 12/2018 tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn hoàn thành nối vịnh Hạ Long với các thị trường du lịch trọng điểm quốc tế; Đầu tháng 9/2022, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái chính thức thông xe. Việc hoàn thành đi vào khai thác các tuyến đường cao tốc này và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chính là cơ hội bứt phá phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc.
Thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh hình thức đối tác công - tư (PPP) để hoàn thiện hệ thống các công trình giao thông trọng điểm, nổi bật là: Đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, cầu Tình Yêu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng cao cấp Ao Tiên…
Trong năm 2024, Quảng Ninh đưa một loạt các các công trình trọng điểm như: Cầu Bình Minh, đường nối cầu Bến Rừng, Dự án nâng cấp, mở rộng đường 342, nút giao Đầm Nhà Mạc vào sử dụng.
Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái liên thông với hai cao tốc Bạch Đằng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn thành trục cao tốc dài 176km và kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, rút ngắn thời gian từ Thành phố Hà Nội đến thành phố Móng Cái chỉ còn 3 giờ, thay vì 5,5 giờ như trước kia. (Ảnh: Tập đoàn Sun Group) |
Ngoài ra, còn một số dự án hạ tầng giao thông lớn khác kết nối liên vùng tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2025 như: Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường liên xã Húc Động - Đồng Văn - Cao Ba Lanh kết nối đến QL18C; Dự án Đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều…
Ngày 26/1/2022, phát biểu tại buổi lễ khánh thành 2 công trình giao thông động lực của tỉnh Quảng Ninh: Cầu Tình Yêu và đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, từ Đại hội XI của Đảng (2011) đến nay, Quảng Ninh thực hiện 3 đột phá chiến lược với những đổi mới, sáng tạo, trở thành điển hình của cả nước. Đặc biệt, với đột phá về hạ tầng giao thông, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình trọng điểm có vốn cả trong và ngoài ngân sách.
Bên cạnh hạ tầng giao thông, các hệ thống hạ tầng khác của tỉnh Quảng Ninh như hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng đô thị; các hạ tầng xã hội thiết yếu (y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, thể thao…); hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin… cũng được hoàn thiện đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính. (Ảnh: QMG) |
Cùng với bước đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, Quảng Ninh còn tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành một trong những điểm sáng của cả nước trong thu hút đầu tư.
Những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong công tác cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính đã được Chính phủ ghi nhận xứng đáng. Tỉnh Quảng Ninh đã có 5 năm liên tục giữ vị trí dẫn đầu Chỉ số SIPAS (2019-2023) và 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số PAR Index cả nước (từ năm 2017 đến năm 2020 và 2022 - 2023).
Những nỗ lực, kiên trì trong hành trình cải cách hành chính của Quảng Ninh đã mang lại “trái ngọt” cho tỉnh trong việc xây dựng thành công và giữ vững được thương hiệu là địa phương có nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực sự phục vụ người dân, doanh nghiệp; là địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Với việc tiếp tục là tỉnh đứng đầu Chỉ số PCI năm 2023, Quảng Ninh lần thứ 7 liên tiếp đứng đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) và trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phát triển nhân lực logistics, tháng 3/2023. (Ảnh: Minh Đức) |
Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Quảng Ninh xác định thực hiện phát triển nguồn nhân lực gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại trường Đại học Hạ Long, trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh; các đề án về Phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh triển khai hàng loạt cơ chế, chính sách để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, như: Thu hút, hỗ trợ học tập đối với sinh viên học các chuyên ngành phục vụ sự phát triển của tỉnh; ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo với các trường đại học hàng đầu Việt Nam và quốc tế để liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức của tỉnh, tăng cường đào tạo đối với các ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang cần; đào tạo; đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển nhà ở công nhân lao động ngành Than, khu công nghiệp…
Năm 2024 tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn, phát sinh một số vấn đề vượt ngoài dự báo, gần đây nhất là cơn bão số 3 lịch sử tàn phá gây thiệt hại nặng nề đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, Quảng Ninh đã nhanh chóng ổn định mọi mặt đời sống người dân, khôi phục hoạt động sản xuất, phát triển sau khi cơn bão qua đi và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Phát triển kinh tế đạt một số kết quả quan trọng: Tổng thu ngân sách Nhà nước dự kiến đạt 100% dự toán. Thu hút FDI đạt hơn 2 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 28.310 tỷ đồng. Đây chính là minh chứng để có thể khẳng định rằng, chính sự vận dụng linh hoạt, bám sát thực tiễn trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược đã giúp tỉnh Quảng Ninh vượt qua được những khó khăn, thách thức, tiếp tục khẳng định đà phát triển của một địa phương năng động, sáng tạo, đột phá trong cả nước.
Hoàng My
Theo