(Xây dựng) - Ngày 3/11, ông Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo đề án thành lập Khu bảo tồn sinh cảnh và kết quả khảo sát diện tích đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để quy hoạch phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025.
Ông Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. |
Đề án thành lập Khu bảo tồn loài-sinh cảnh được quy hoạch tại vùng rừng già Quảng Nam Châu, thuộc vùng núi miền Đông của Quảng Ninh. Quảng Nam Châu là tên chung vùng rừng núi rộng lớn với 3 đỉnh cao tạo thế chân kiềng gồm: Đỉnh Quảng Nam Châu cao 1.507m, Cao Xiêm cao 1.330m, Ngàn Chi cao 1.166m.
Theo địa lý Quảng Nam Châu thuộc phía Đông cánh cung Đông Triều, cánh phía Tây gồm dẫy Yên Tử đỉnh cao 1.068m và dẫy Thiên Sơn đỉnh Am Vát cao 1.094m. Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Quảng Nam Châu quy hoạch sử dụng đất 17.000ha, trên địa bàn 7 xã, thuộc 3 huyện Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà.
Quảng Nam Châu còn nhiều cánh rừng nguyên sinh và thú hoang. |
Mục tiêu của Đề án nhằm đánh giá các hệ sinh thái rừng tự nhiên, các giá trị cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học; đánh giá được điều kiện kinh tế - xã hội, tình hình sử dụng đất, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát triển du lịch, dịch vụ, an ninh quốc phòng và xây dựng được các chương trình hoạt động phù hợp làm cơ sở để xác định phạm vi, ranh giới khu bảo tồn loài- sinh cảnh.
Tại cuộc họp, cơ quan tư vấn báo cáo cụ thể kết quả khảo sát diện tích đất trồng cây quy hoạch là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để xác định diện tích có khả năng phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025. Theo đó, diện tích đất trống quy hoạch phát triển rừng đặc dụng sau rà soát là 1.487,62ha, tăng 84,89ha so với trước rà soát. Tổng diện tích đất trống có khả năng quy hoạch phát triển rừng phòng hộ được xác định đưa vào kế hoạch trồng rừng là 1.855,02ha.
Về đề án thành lập Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Quảng Nam Châu, đơn vị tư vấn và các Sở, ngành… đã phân tích đánh giá tính khoa học, thực tiễn và tương lai của đường ranh giới để phát huy được giá trị tự nhiên, bảo vệ hoang thú, cây rừng nguyên sinh bản địa; và đảm bảo công tác quản lý phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Khu bảo tồn loài-sinh cảnh có đề xuất xác lập quy chế quản lý giữa các đơn vị, kinh phí quản lý hoạt động và hoạt động xây dựng mạng lưới giải pháp đào tạo, áp dụng công nghệ, bảo tồn, tuyên truyền trong quá trình thực hiện.
Hồ Chúc Bài Sơn, hạ lưu của đỉnh núi Quảng Nam Châu cao 1.507m. |
Đối với nhiệm vụ khảo sát diện tích đất quy hoạch là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh rà soát lại diện tích đất trồng nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng, phân nhóm nhằm đánh giá trồng loại cây cho phù hợp. Nghiên cứu, đánh giá, những diện tích đã trồng nhưng không thành rừng để có phương án xử lý, đảm bảo trồng rừng thành công. Nhanh chóng hoàn chỉnh kế hoạch trồng rừng thay thế, gắn với công tác rà soát, kiểm kê rừng. Đồng thời đề xuất điều chỉnh quy hoạch về 3 loại rừng, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí trồng rừng.
Vũ Phong Cầm
Theo