(Xây dựng) - Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7) đã qua, nhưng dư âm vẫn lắng đọng về hình ảnh những người lính từng bên thi hài đồng đội trong chiến đấu, nay tự tâm dựng lên tấm bia nơi đồng đội ngã xuống và cứ mỗi năm 3 lần đến thắp hương tri ân những những người đã hy sinh.
Cựu chiến binh Ngô Thiên Phú và Chu Văn Long - người trực tiếp chiến đấu trận rạng sáng 01/3/1979 bảo vệ biên ải. |
Nhìn tấm bia đá công trình xây dựng đơn sơ, dựng trên bệ gạch nhỏ, cặp bình hoa rừng mới hái, mấy thỏi lương khô, gói bánh ngọt, trên nửa chai rượu ánh mầu thảo dược, bát ngang hương bay khói tỏa. Rừng núi biên cương vùng Đông Bắc mùa mưa đất còn ẩm ướt, thi thoảng có tiếng chim kêu gọi bầy, hương hồi hương quế, mùi hoa keo phảng phất đâu đây. Hai người áo mũ cỏ úa đã bạc màu, mắt nhìn lên cao ngấn lệ, miệng thì thầm gọi bạn nơi âm dương cách biệt.
Cặp đóa hoa rừng, trái cây vườn nhà, thỏi lương khô quân nhu… mâm cỗ đơn sơ ngày giỗ bạn mà mặn lòng đồng đội |
Thấy lạ, phóng viên Báo điện tử Xây dựng lân la hỏi chuyện mới hay: Một người tên là Ngô Thiên Phú, quê ở thôn Là Ánh, xã Đồng Tâm; người kia là Chu Văn Long, ở thôn Đồng Cầm, xã Hoành Mô, cùng ở huyện biên giới Bình Liêu. Họ bảo, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, đây là một điểm tựa chiến đấu dưới chân đồi Tròn, cao điểm 600, trong tuyến phòng thủ Đồng Văn dài trên 10km đến Cao Ba Lanh điểm cao 860m giáp với cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà.
Ngô Thiên Phú là một trong số sáu chiến sĩ của Tiểu đội 3 (Tiểu đoàn 130) chốt giữ ở đây. Còn Chu Văn Long, thuộc lực lượng dân quân xã, khi chiến sự xảy ra anh được điều động đến chi viện cho đơn vị. Đây là nơi diễn ra trận chiến đấu ác liệt nhất rạng sáng ngày 01/3/1979, bốn cán bộ chiến sĩ đã hy sinh. Hết chiến tranh, những người lính còn sống đã tự tâm quyên góp tiền, vật liệu xây dựng, cùng nhau dựng lên tấm bia này vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày xảy ra chiến tranh biên giới (tháng 02/1979-02/2019). Và cứ thường lệ một năm 3 lần, vào ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7) và ngày đồng đội hy sinh là đến thắp hương tưởng nhớ nơi bạn mình ngã xuống và trận chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân dân huyện biên giới Bình Liêu ngày ấy.
Cột mốc lịch sử vùng biên cương cần được đầu tư xây dựng quy củ, còn là công trình văn hóa tâm linh. |
Nhìn tấm bia mộc mạc khắc tên những liệt sỹ: Lý Quốc Đa 26 tuổi, Đại đội trưởng, quê ở xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn; Nguyễn Văn Điền, 20 tuổi, quê ở xã Tiền An, thị xã Quảng Yên cùng tỉnh Quảng Ninh; Nguyễn Đăng Chấn, 19 tuổi, quê ở xã An Bình, huyện Thuận Thành; Trịnh Hồng Cảnh, 19 tuổi, quê ở xã Trung Kênh, huyện Lương Tài cùng tỉnh Bắc Ninh. Bia đá còn ghi chứng tích khẩu súng tiểu liên AK 47 số súng 2990, bắn đến viên đạn cuối cùng trong vòng tay người lính vong thân, hiện đang trưng bày ở bảo tàng Quân Đội... thì ai ai cũng nghẹn lòng với tình sâu nghĩa nặng của những người lính nơi trận mạc, hòn tên mũi đạn, sống chết trong gang tấc. Người sống, nay là những cựu chiến binh tuổi đã xế chiều, thu nhập thấp mà tự dụng lên tấm bia đá ghi nhớ vị trí đơn vị mình từng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” công trình nhỏ có ý nghĩa lớn.
Tấm bia chứng tích tấc đất chủ quyền quốc gia đổi bằng máu đồng bào, chiến sĩ vùng biên giới Bình Liêu do những nhân chứng sống tự tay dựng lên hiện còn đơn sơ. Huyện miền núi biên giới Bình Liêu còn nghèo, rất cần những nghĩa cử cao đẹp xa gần, đầu tư chỉnh trang công trình này xứng tầm với sự hy sinh của những người vì nước quên thân.
Vũ Phong Cầm
Theo