Thứ hai 29/04/2024 07:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Ninh: Nhiều địa phương đẩy mạnh đưa nước sạch đến với đồng bào vùng cao

22:34 | 11/01/2024

(Xây dựng) - Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều chương trình, dự án cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, giúp người dân có nước sinh hoạt và sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch đạt 95-98%, đến năm 2030 tiệm cận 100%, nhằm tạo cơ hội cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn về nguồn nước có cơ hội sử dụng nước sạch.

Quảng Ninh: Nhiều địa phương đẩy mạnh đưa nước sạch đến với đồng bào vùng cao
Tháng 8 năm 2023, hoàn thành công trình đập dâng nước Khe San và hệ thống đường ống, bể chứa, bể lọc cung cấp nguồn nước sạch cho gần 1.000 hộ dân ở xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên.

Ngày 6/4/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 888/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án). Nhiều giải pháp trọng tâm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh hoạch định triển khai trong từng giai đoạn. Mục tiêu trọng tâm Đề án đặt ra là bảo đảm số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu. Với Đề án mới được phê duyệt, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch huy động mọi nguồn lực, tạo dòng vốn khoảng 4.353 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, công trình đảm bảo an ninh nguồn nước của tỉnh. Trong đó, đến năm 2025 sẽ sửa chữa, nâng cấp 39 hồ chứa, 36 đập dâng, 6 trạm bơm, cải tạo hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước đảm bảo đồng bộ, phù hợp với kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên khu vực. Giai đoạn 2026-2030 sửa chữa, nâng cấp 25 hồ chứa, 20 đập dâng, 47 trạm bơm.

Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 260 công trình cấp nước nông thôn tập trung do cộng đồng dân cư và các Công ty Thủy lợi quản lý. Tuy nhiên, vào mùa khô, ở nhiều xã vùng cao tại các huyện miền núi, hải đảo nhất là các địa phương như Hải Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên…vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước để sinh hoạt và canh tác nông nghiệp, phần nào ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng sâu, vùng xa.

Quảng Ninh: Nhiều địa phương đẩy mạnh đưa nước sạch đến với đồng bào vùng cao
Thi công lắp đặt hệ thống nước sạch xã miền núi Tràng Lương (thị xã Đông Triều) năm 2023, xã có gần 80% đồng bào DTTS.

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư cải tạo các nhà máy để nâng cao hiệu quả xử lý nước, đầu tư các tuyến ống truyền tải trọng tâm, tập trung phát triển mạng lưới dịch vụ để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân, đặc biệt các xã nông thôn, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và sử dụng nước sạch. Tỉnh Quảng Ninh có phần lớn diện tích là đồi núi, nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán, người dân vẫn có thói quen sử dụng các nguồn nước sẵn có từ sông, suối, giếng khoan, vì thế việc bao phủ mạng lưới nước sạch sinh hoạt không phải dễ thực hiện. Việc đầu tư xây dựng đập, nhà máy xử lý, mạng lưới ống cung cấp, vận hành để đưa nước về tới các khu dân cư khá tốn kém, trong khi tỷ lệ người dân ở vùng sâu, vùng xa sử dụng nước sạch còn thấp. Tuy nhiên, các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, triển khai linh hoạt các giải pháp để đưa nước sạch đến với người dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS, miền núi.

Huyện Ba Chẽ có địa hình phức tạp, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư thưa thớt. Trên địa bàn huyện Ba Chẽ hiện có 29 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, một số công trình đang bị hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng đến việc cấp nước cho người dân. Để khắc phục tình trạng này, Ba Chẽ đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, quyết tâm cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân trong thời gian sớm nhất. Tháng 3/2023, huyện Ba Chẽ đã khởi công xây dựng hồ chứa nước Khe Tâm, xã Nam Sơn với dung tích 1,2 triệu m3, tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ, Dự kiến, công trình hoàn thành vào tháng 4/2024. Khi đi vào sử dụng, hồ chứa nước Khe Tâm đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn xã Đồn Đạc, Nam Sơn và bổ sung cho trạm cấp nước sinh hoạt thị trấn Ba Chẽ. Ngoài ra, huyện Ba Chẽ cũng đã khởi công xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống nước sạch thôn Đồng Loóng, Đồng Tiến (xã Thanh Lâm) cung cấp nước sinh hoạt cho 175 hộ dân; cải tạo, nâng cấp hệ thống nước sạch thôn Nà Làng, Khe Vang (xã Đồn Đạc) cung cấp nước sinh hoạt cho 149 hộ dân; cải tạo hệ thống cấp nước sinh hoạt cho thôn Khe Nà, Khe Pụt (xã Thanh Sơn) cung cấp nước sinh hoạt cho 120 hộ dân. Các công trình này được đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn huyện sử dụng nước sạch sinh hoạt từ 68,1% lên 78,2%.

Công trình cấp nước sạch sinh hoạt xã Thanh Sơn là xã miền núi khó khăn của huyện Ba Chẽ được đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối tháng 10/2023. Công trình có tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ và ngân sách địa phương, gồm: Trạm xử lý nước, đường ống dẫn nước, đồng hồ... Hiện công trình đang cấp nước sạch sinh hoạt cho 130 hộ dân của thôn Thành Công và Khe Lọng Ngoài của xã Thanh Sơn. Thời gian tới, công trình sẽ cung cấp nước cho các trường học, trạm y tế và UBND xã, đáp ứng nhu cầu được sử dụng nước sạch của người dân từ nhiều năm nay; góp phần nâng tỷ lệ hộ dân toàn xã được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 72%. Năm 2024, dự kiến công trình cấp nước tự chảy Khe Dài thôn Khe Nà, xã Thanh Sơn sẽ được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa đáp ứng nhu cầu cho hàng trăm hộ Dao, Sán Chày, Tày của các thôn Khe Nà thôn Khe Pụt. Ban Quản lý Dự án đầu tư và Xây dựng công trình Ba Chẽ cùng với đơn vị tư vấn đã đi thực tế, khảo sát lưu lượng nước và dự trù kinh phí xây dựng để kịp thời đầu tư, nâng cấp công trình này để đảm bảo nguồn nước sạch để bà con nơi đây yên tâm, ổn định cuộc sống.

Còn bản Quảng Hợp (xã Quảng Thành, huyện Hải Hà) có 86 hộ dân đều là đồng bào DTTS. Từ nhiều năm nay, các hộ dân bản sử dụng nguồn nước suối, giếng khoan, không đảm bảo vệ sinh do ở sát biển nên các giếng khoan trong bản đều bị ngấm nước mặn, nước ố vàng và có vị lợ. Trước thực trạng này, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Hải Hà đã hợp đồng với Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Sơn Hải Quảng Ninh lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự toán thi công công trình đầu tư hệ thống nước sinh hoạt tập trung bản Quảng Hợp. Công ty này đã khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự toán công trình, trong đó đầu tư xây dựng hệ thống bể lọc, bơm nước từ giếng đào lên bể, qua hệ thống lọc, khử khuẩn trước khi cấp cho người dân trong bản sử dụng, đảm bảo đạt QCVN 07-1:2016/BXD (yêu cầu chất lượng nước cấp sinh hoạt áp dụng với trạm lẻ nông thôn). Dự án có kinh phí đầu tư hơn 2,9 tỷ đồng. Công trình khi hoàn thành sẽ cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ người dân bản Quảng Hợp yên tâm sinh hoạt ổn định và nâng cao đời sống.

Quảng Ninh: Nhiều địa phương đẩy mạnh đưa nước sạch đến với đồng bào vùng cao
Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh thi công lắp đặt đường ống trục chính đưa nước về các khu vực chưa có nước sạch trong tỉnh Quảng Ninh.

Trên địa bàn thị xã Đông Triều, vẫn còn nhiều hộ dân thuộc các xã nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt. Thị xã Đông Triều hiện có 19/21 xã, phường có hệ thống cấp nước sạch, 02 xã còn lại là An Sinh và Tràng Lương nằm trong “vùng trắng” về nước sạch trên địa bàn. Trước thực trạng này, Đông Triều đã đẩy mạnh việc rà soát, đầu tư mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch, góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe cho người dân. UBND thị xã Đông Triều đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp, làm việc với Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, Xí nghiệp nước Đông Triều, UBND các xã về việc triển khai xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung, đặc biệt cho đồng bào dân tộc miền núi; thực hiện lắp đặt hệ thống nước sạch tại các xã Bình Khê, An Sinh.

Tháng 9 năm 2023, công trình đầu tư tuyến ống truyền tải D225+160+110 và tuyến ống dịch vụ chung mương đặt ống, đấu nối tuyến ống từ nhà máy nước Miếu Hương (xã Bình Khê) đến trung tâm xã Tràng Lương đã được triển khai thi công là niềm vui lớn cho bà con các dân tộc vùng sâu, vùng xa của Đông Triều. Bởi xã miền núi Tràng Lương cách xa trung tâm thị xã, với khoảng 80% là người dân tộc thiểu số, nhiều năm nay, người dân trong xã vẫn sử dụng nguồn nước tự chảy từ các khe suối, giếng khoan để sinh hoạt. Công trình này có chiều dài xấp xỉ 8.000m với tổng chiều dài các tuyến về 4 thôn khoảng 17.000m, với tổng mức đầu tư phần công nghệ là 6,5 tỷ đồng, phần xây dựng tuyến chính là 942 triệu đồng sẽ đáp ứng cung cấp nước sạch cho 487 hộ dân xã Tràng Lương. Ngày 06/01/2024, UBND xã Tràng Lương phối hợp với Xí nghiệp Nước Đông Triều đã thực hiện lắp đặt đồng hồ nước và đấu nối nước sạch sau đồng hồ cho trên 60 hộ dân của thôn Trại Thụ, đồng thời triển khai thi công đến các thôn còn lại của xã Tràng Lương. Đối với xã An Sinh, đã xây dựng xong phương án thiết kế hệ thống cấp nước công trình Đầu tư mạng cấp 3, tuyến ống HDPE D110+63+50 cấp nước cho thôn Bãi Dài lối sang thôn Ba Xã và dự án sân golf (xã An Sinh).

Quảng Ninh: Nhiều địa phương đẩy mạnh đưa nước sạch đến với đồng bào vùng cao
Công trình hồ chứa nước với dung tích 0,74 triệu m3 thuộc Dự án cấp nước sinh hoạt, sản xuất tập trung cho 4 xã vùng cao huyện Ba Chẽ: Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm, hoàn thành tháng 9/2021.

Với Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thời gian tới, cùng với việc đầu tư các nhà máy, mạng lưới cấp nước sạch, tỉnh Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền về lợi ích của việc dùng nước sạch trong sinh hoạt, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo lợi ích quốc gia, quốc phòng - an ninh.

Hoàng My

Theo

Cùng chuyên mục
  • Hạ Long: Rút ngắn khoảng cách vùng cao với thành thị

    (Xây dựng) - Khu vực vùng núi của thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) gọi là vùng rừng Hoành Bồ hiện có 12 xã, số đông là người thiểu số. Các xã đang sôi nổi hưởng ứng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 78-NQ/TU của Thành ủy ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Đồng bào rẻo cao phấn khởi gọi là Nghị quyết rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các xã vùng cao với thành thị.

  • Lộc Hà (Hà Tĩnh): Hỗ trợ xây mới 1.054 ngôi nhà cho người nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn

    (Xây dựng) - Chương trình hỗ trợ sửa chữa xây dựng nhà ở cho người nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong những năm qua đã đem lại ý nghĩa thiết thực, giúp người dân thuộc diện khó khăn trên địa bàn huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) sớm ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

  • Chính quyền thành phố Okayama thăm Cảng quốc tế Long An

    (Xây dựng) - Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại tỉnh Long An, Đoàn công tác chính quyền thành phố Okayama (Nhật Bản) đã đến thăm Cảng quốc tế Long An do Dongtam Group đầu tư. Sự kiện mang ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hợp tác và giao lưu giữa hai địa phương.

  • Tiềm ẩn nhiều rủi ro trong các khu tập thể cũ tại Hà Nội

    (Xây dựng) - Bên cạnh những khu đô thị mới hiện đại, cao tầng với đầy đủ tiện ích, Hà Nội vẫn còn không ít những khu tập thể cũ xuống cấp một cách trầm trọng, tiềm ẩn những rủi ro về phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự.

  • Nam Định tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đối với “Tổ liên gia an toàn PCCC”

    (Xây dựng) - Năm 2024, tỉnh Nam Định được Bộ Công an chọn triển khai làm điểm xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy chữa cháy” để nhân rộng trong toàn quốc. Vì vậy, mới đây, tại Quảng trường 3-2, UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đối với “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC)” năm 2024.

  • Thái Bình: Đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trên địa bàn trước và sau dịp lễ 30/4

    (Xây dựng) - Để bảo đảm tốt an ninh trật tự, công tác phòng chống cháy, nổ trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau dịp lễ 30/4, 1/5, Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và du lịch hè 2024, UBND tỉnh Thái Bình đã ra văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, huyện, thành phố thực hiện nghiêm một số nội dung.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load