(Xây dựng) - Đất san nền hiện nay đang là vấn đề nan giải trong phạm vi toàn quốc. Ở Quảng Ninh, vấn đề này còn cấp bách hơn và đã “nóng” lên trong phiên chất vấn cử tri tại Kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh khóa XIV 2021 - 2026, bởi vị trí một tỉnh thuộc vùng bán sơn địa ven biển lại đang có tốc độ phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng nhanh.
Các mỏ đất đồi khai thác giai đoạn 2020 - 2025, trữ lượng khoảng 200 triệu m3 chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu vật liệu vượt thổ san nền. |
Nội dung trả lời chất vấn cử tri của ông Trần Như Long - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ước tính giai đoạn 2020-2025, trung bình khoảng 130triệu m3/năm. Nguồn vật liệu san lấp cho các dự án đầu tư có sử dụng đất chủ yếu được lấy từ nguồn đất đồi, đất đá bãi thải mỏ than, tro xỉ nhiệt điện, cát sỏi từ các dự án nạo vét luồng lạch sông biển.
Về khả năng đáp ứng, từ nguồn đất đồi. Hiện, các mỏ đất đồi đủ điều kiện khai thác giai đoạn 2020 - 2025, tổng trữ lượng còn khoảng 200 triệu m3, trung bình mỗi năm chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án tương ứng khoảng 40 triệu m3, thiếu khoảng 90 triệu m3.
Giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Ninh cần 203,6 triệu m3 đất vượt thổ san nền. Hiện mỗi năm mới chỉ đáp ứng được khoảng 40 triệu m3, thiếu hụt khoảng 90triệu m3. |
Nguồn đất đá thải mỏ, tổng trữ lượng đất đá thải mỏ than hiện có khoảng 2,1 đến 2,3 tỷ m3 đất đá, chưa kể trung bình mỗi năm các mỏ than thải ra khoảng 150 triệu m3 đất đá có thể dùng để làm vật liệu san lấp cho các dự án có sử dụng đất trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo báo cáo của các mỏ than, lượng đất đá thải ra có thể lựa chọn, phân loại để đáp ứng cho mục đích sử dụng và yêu cầu chất liệu hệ số K95, K98 và đặc biệt có thể đáp ứng kịp thời tiến độ cho các dự án vượt thổ, tôn nền quy mô lớn.
Về nguồn phế liệu tro xỉ nhiệt điện, cát sỏi phế liệu từ nạo vét luồng lạch sông biển. Ước tính trữ lượng tro xỉ nhiệt điện giai đoạn 2020 - 2025 khoảng 35 triệu m3 (20% số tro xỉ phát sinh từ các cơ sở nhiệt điện đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy), chất liệu nạo vét từ luồng lạch khoảng 3 triệu m3. Các vật liệu này có thể sử dụng để đáp ứng một phần nhu cầu vật liệu san nền, tuy nhiên đây không phải là nguồn vật liệu ổn định về chất lượng và trữ lượng để phục vụ vượt thổ san nền.
Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng, cụ thể: UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tích cực kiểm tra, rà soát, tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép khai thác đất cho gần 70 mỏ đất; đưa vào kế hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng 60 mỏ đất (đủ điều kiện khai thác); đã phê duyệt 10 khu vực đấu giá, 27 khu vực không đấu giá quyền khai thác đất, cấp 17 giấy phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng 10 khu vực mỏ.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã bám sát Bộ Tài nguyên và Môi trường để đề nghị giải quyết việc sử dụng nguồn đất đá thải mỏ cho xây dựng. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải quyết 2 phương án khai thác sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng gồm: Bãi thải mỏ Núi Béo (khối lượng khai thác 0,7 triệu m3); Bãi thải mỏ Tây Khe Sim và mỏ Tây Lộ Trí (khối lượng khai thác 3,5 triệu m3).
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với vật liệu xây dựng thô này từ khai thác, vận chuyển và sử dụng... đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng (đặc biệt là đối với đất đồi, đất đá thải mỏ) hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, đối với các mỏ đất: Việc giải quyết các thủ tục cấp phép khai thác mỏ đất phải được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 151/BTNMT-ĐCKS ngày 10/01/2019 và tiếp thu kinh nghiệm từ các cuộc thanh tra, kiểm tra (phải nộp nghĩa vụ tài chính: Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với lượng đất san lấp; phải phê duyệt trữ lượng; và đặc biệt là phải quản lý và cấp giấy phép khai thác mỏ đất như đối với các loại khoáng sản khác). Do vậy, trình tự giải quyết thủ tục cấp phép có thể ảnh hưởng tiến độ các dự án (vì ngay từ ban đầu các dự án chưa tính tới thời gian để giải quyết các thủ tục liên quan hoạt động khai thác các mỏ đất).
Nhiều mỏ đất nằm trong Kế hoạch thăm dò, khai thác sử dụng của tỉnh, tuy nhiên qua rà soát không khả thi do vướng mắc: Thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định tại Điều 28, Luật Khoáng sản; nằm trong ranh giới quy hoạch đất quốc phòng để bảo vệ công trình quốc phòng; nằm trong diện tích quy hoạch đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng...; trong ranh giới có công trình di tích, văn hóa; khu vực trùng lặp, chồng diện tích quy hoạch các dự án khác; việc khai thác tại một số mỏ đất sẽ tác động xấu đến cảnh quan và môi trường khu vực…
Các chủ đầu tư chưa chủ động tìm các nguồn vật liệu là đất san lấp hoặc vật liệu thay thế từ khi nghiên cứu lập dự án (không tính toán, xác định các nguồn khả thi, dẫn đến phát sinh thời gian và chi phí khi triển khai thực hiện dự án) gây áp lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc chấp hành các trình tự thủ tục hành chính về hoạt động khai thác khoáng sản.
Cá biệt, tại một vài dự án có việc sử dụng, mua bán các nguồn vật liệu san lấp không rõ nguồn gốc dẫn đến việc truy thu các loại thuế phí và việc quyết toán dự án gặp khó khăn do không chứng minh được nguồn gốc đất san lấp hợp pháp. Một số nhà thầu không chủ động liên hệ các mỏ đất đã được tỉnh cho phép khai thác mà vẫn còn trữ lượng đáp ứng được nhu cầu cho dự án mà lại có nhu cầu tìm mỏ đất riêng cho dự án của mình. Các dự án hiện nay thực tế chưa tính toán đến phương án sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng cho dự án (với lý do đất đá thải mỏ thường có cung đường vận chuyển xa nên làm tăng chi phí).
Đất đá thải mỏ thải ra tầng tầng, lớp lớp hình thành các quả núi nhân tạo, trữ lượng trên 2 tỷ m3. Nếu lấy làm vật liệu san nền, thủ tục phải đủ lệ bộ khai thác mỏ đất mới. |
Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động đề ra một số giải pháp để đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới bao gồm: Tiếp tục bám sát Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Khoáng sản theo hướng: Đơn giản thủ tục hành chính đối với việc cấp phép khai thác, sử dụng các mỏ đất đồi, đất đá thải mỏ để đảm bảo kịp tiến độ cho các dự án đầu tư có sử dụng đất.
Do tình hình nguồn các mỏ đất ngày một hạn chế, không còn đáp ứng đủ cho các nhu cầu của dự án, yêu cầu các chủ dự án: Phải ưu tiên sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ cho san lấp; nghiên cứu, áp dụng cơ chế để buộc các chủ đầu tư dự án phải lấy đất đá thải mỏ (với một tỷ lệ thích hợp), nhằm giảm tải khai thác các mỏ đất đồi; chỉ sử dụng đất đồi khi phục vụ thi công đắp lớp mặt công trình hoặc tuyến đường có yêu cầu kỹ thuật cao.
Tận dụng triệt để đất từ các dự án có đào, hạ cốt nền; các nguồn tro xỉ nhiệt điện và chất nạo vét từ luồng lạch sông biển, ao hồ để làm vật liệu san lấp mặt bằng. Đảm bảo tính chủ động, khả thi trong việc cung cấp vật liệu san lấp cho các dự án: Yêu cầu chủ đầu tư dự án phải xác định được các nguồn đất khả thi ngay từ khi lập dự án để có cơ sở xác định chi phí, tiến độ hoàn thành dự án.
Hạn chế tối đa khai thác các mỏ đất đồi (đặc biệt tại khu vực trung tâm thành phố Hạ Long và huyện Vân Đồn để tránh ảnh hưởng đến cảnh quan). Ngành than (TKV) cần nghiên cứu, thực hiện giải pháp kỹ thuật để phân loại, nghiền sàng, chế biến kỹ nguồn đất đá thải mỏ để nâng chất lượng vật liệu, đạt yêu cầu hệ số K lớn hơn, giá thành rẻ hơn.
“Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng, công bố đơn giá vật liệu san lấp là đất đá thải mỏ tại các khu vực (miền Đông, miền Tây, Cô Tô, Vân Đồn...) theo hướng hợp lý, để thúc đẩy việc ưu tiên sử dụng đất đá thải mỏ cho các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng đất” - Ông Trần Như Long - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định.
Vũ Phong Cầm
Theo