(Xây dựng) - Quảng Ninh có một pho tượng toàn thân, đắp bằng xi măng, hình dáng một em bé quàng khăn đỏ, trước đây đặt ở khuôn viên trụ sở UBND phường Hà Lầm, nay đặt ở sân trường học, cùng ở TP Hạ Long. Từ khi bức tượng chuyển về trường học thì trường này đổi tên từ trường cấp II Hà Lầm thành trường THCS Nguyễn Văn Thuộc. Lãnh đạo địa phương kể: Đây là tượng một em thiếu nhi dũng cảm tên là Nguyễn Văn Thuộc, em đã cùng bộ đội chiến đấu chống quân Pháp. Trong trận đánh đồn Hà Lầm, Nguyễn Văn Thuộc đã anh dũng hy sinh.
Tượng Nguyễn Văn Thuộc đặt ở sân một trường phổ thông trung học cơ sở thuộc phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Đây là bức tượng trùng tu lần thứ 2, lần trước đắp nhỏ hơn đặt ở sân trụ sở UBND phường Hà Lầm.
Nhưng lạ kỳ, từ khi công trình di tích xây dựng ở sân trường, thầy trò nhà trường thường bắt gặp một người đàn ông trung tuổi đến thắp hương, gương mặt não nề, ai nghe ông than cũng rơi nước mắt. Ông ấy tên là Phạm Viết Tiến, bảo mình là bạn của người được tạc tượng này. Họ là đôi bạn nhà nông. Năm 1944 cùng rời đồng ruộng Thái Bình ra mỏ làm than, cùng sớm giác ngộ cách mạng, theo Đảng đấu tranh với chủ mỏ, đòi quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà xưa kia là làng Lưu Gia, huyện Ngư Thiên, phủ Lộ Long Hưng. Năm 1944, Nguyễn Hữu Thuộc cùng người bạn là Phạm Viết Tiến rời con đê sông Luộc ra khu mỏ làm than.
Ngày 23/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, ông Phạm Viết Tiến và ông Nguyễn Văn Thuộc cùng một số thợ trẻ trong lực lượng tự vệ mỏ làm nhiệm vụ giao liên, hậu thuẫn cho đơn vị Vệ quốc quân từ căn cứ kháng chiến ở vùng rừng Sơn Dương, Hoành Bồ vượt sông Bang ra tấn công quân Pháp ở khu vực mỏ than Hà Lầm. Nguyễn Văn Thuộc trong đội hình đánh vào dinh chủ mỏ Cát-chi-ê, nơi binh sĩ Pháp đang đồn trú, còn ông Phạm Viết Tiến trong mũi đánh vào trại lính Khố Xanh ở chợ Hà Lầm.
Đêm 24/12/1946, quân ta bí mật tiến sát các mục tiêu chờ giờ nổ súng. Đến rạng sáng 25/12, các đơn vị đồng loạt khai hỏa, kẻ địch bị đánh bất ngờ không kịp trở tay, quân ta thắng lợi hoàn toàn. Riêng mũi tấn công vào nơi binh sĩ Pháp đồn trú ở dinh chủ mỏ Các-chi-ê, địch đông quân lại nhiều súng đạn, chúng chống trả quyết liệt khiến bên ta có thương vong, Nguyễn Văn Thuộc đã hy sinh anh dũng. Khi đơn vị rút quân trong đêm tối và rừng rậm không tìm được anh.
Sáng hôm sau, quân Pháp từ trấn lỵ Quảng Yên và Hòn Gai kéo quân vào tái chiếm Hà Lầm thì tìm được thi thể Nguyễn Văn Thuộc, chúng đã phanh thây xác anh dã man như thời Trung cổ rồi ném xuống moong Bê-loong-a. Cũng sáng hôm đó (25/12/1946), chúng càn quét bắt bớ gần 100 người, trong số đó có người hiếu kỳ mò đến xem nơi người chết, có gã đến hôi của chúng bắt được quả tang, cũng có người còn đang ở lán thợ không liên can, nhưng chúng khả nghi liền bắt tuốt. Ông cai đội Lương Quý Phát có minh oan được cho một số người, số còn lại chúng giam tù và đem 10 người ra bờ moong xử bắn ngay, hòng răn đe phong trào kháng chiến. Đầu năm 60 của thế kỷ trước, ở bờ moong này còn có ngôi mộ tập thể 11 người, có thể trong đó có hài cốt Nguyễn Văn Thuộc. Anh là tự vệ mỏ, đã 2 năm làm thợ, hy sinh năm 18 tuổi, không phải là một em bé ở tuổi quàng khăn đỏ.
Tượng Nguyễn Văn Thuộc - đầu đội mũ ca-nô, vai quàng khăn đỏ, hình dạng một thiếu sinh quân, không phải là người thợ mỏ đã có 2 năm tuổi nghề lúc anh hy sinh.
Mủi lòng trước tiết nghĩa của người sống với bạn đã chết, cách đây 10 năm tôi đã dốc tâm tìm hiểu trắc ẩn sau công trình di tích này. Gặp ông Lê Bùi, nguyên Ủy viên Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Phạm Ngọc Sâm, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh… là những tay súng trực tiếp tham gia trận đánh đó cho biết: ông Phạm Viết Tiến tâm tư là đúng. Ngày 23/12/1946, quân ta gồm: một trung đội cảnh vệ, một tổ súng máy trung liên của Vệ quốc quân do ông Nguyễn Kim Cương chỉ huy hành quân từ vùng rừng Hoành Bồ đến khu mỏ Hà Lầm. Lực lượng chủ lực phối hợp với 2 trung đội tự vệ của các mỏ Cái Đá, Hà Lầm, Hà Tu, bí mật ém quân trong rừng chờ thời cơ nổ súng. Đêm 24 rạng sáng 25/12/1946 (đêm Noel 1946), quân ta bất thần tấn công 5 mục tiêu quân sự-chính trị-kinh tế của Pháp trong thung lũng Hà Lầm.
Các lão thành vệ quốc quân này còn cho biết khá tỉ mỉ trận đánh, phân bố lực lượng, chiến thuật gồm: 1 tiểu đội cảnh vệ 12 tay súng trường cùng khẩu đội trung liên 4 người, tổ tự vệ 3 người giáo mác… phối hợp tác chiến, đánh vào dinh thự của chủ mỏ Các-chi-ê, nơi binh lính Pháp đồn trú; 1 tiểu đội cảnh vệ 12 người đánh vào trại lính Khố Xanh đồn trú ở phố chợ Hà Lầm; 1 tiểu đội cảnh vệ phá trạm điện ở Lán Mười Bốn; 1 trung đội tự vệ phá hoại cơ sở sản xuất Ô-Tờ, Khe-Đơ-Min; 1 tiểu đội tự vệ làm nhiệm vụ phá hoại phân xưởng cơ khí, ga xe lửa và kho tàng gần Lán Thị. Quân ta còn khôn khéo bố trí 2 tiểu đội tự vệ mai phục ở Cao Dốc Lương và ở moong Con Cóc, nơi hiểm yếu cửa tiền cửa hậu của con đường độc đạo vào khu mỏ Hà Lầm hòng đánh chặn quân chi viện của địch từ hướng Hà Tu đến và hướng Hòn Gai vào, đồng thời chặn đường rút lui của địch.
Các mũi tấn công đều giành thắng lợi ngay từ loạt đạn đầu như trại lính Khố Xanh bị ta đánh úp, binh lính buông súng bỏ chạy, không một viên đạn chống trả. Riêng mục tiêu dinh thự chủ mỏ Các-chi-ê, lực lượng quân Pháp đông, khí giới nhiều, sân trong cửa ngoài rào dây thép gai chắc chắn, quân ta khó đột nhập được vào bên trong, khẩu trung liên hỏa lực mạnh lại bị hóc đạn nên cuộc chiến giằng co ác liệt kéo dài. Phải 2 giờ đồng hồ sau, quân ta mới làm chủ chiến trường, tiêu diệt 17 sĩ quan-binh lính Pháp, chiến lợi phẩm thu được 7 khẩu súng trường Mút-cơ-tông, 1 khẩu trung liên Brô-ninh, 1 khẩu tiểu liên Tôm-sơn, 5 ngàn viên đạn, cùng nhiều quân trang-quân dụng.
Ba người tự vệ của mỏ Hà Lầm là Nguyễn Văn Thuộc, Đoàn Văn Sửu và một người chưa rõ tên tham gia chiến đấu ở mũi tấn công vào dinh thự chủ mỏ Các-chi-ê nói trên. Cuộc chiến ác liệt, Nguyễn Văn Thuộc bị trọng thương khi đang hạ cờ tam tài của Pháp, kéo cờ đỏ sao vàng của ta lên thay ở cây cột cờ trước sân nhà chủ mỏ. Khi ta rút quân thì không tìm được Nguyễn Văn Thuộc, lỗi phần do trận đầu tác chiến hiệp đồng 3 thứ quân, công tác quản lý binh lực còn nhiều thiếu sót, phần trong đêm tối quanh mục tiêu cây cối rậm rạp, Nguyễn Văn Thuộc đã hy sinh trong cánh rừng, nay là khu vực moong cô Phượng. Đơn vị về căn cứ địa ở Hoành Bồ có làm lễ truy điệu anh. (Ông Đoàn Văn Sửu, sau này nhập ngũ lên tới cấp Trung tá, Phó Ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Ninh, khi chuyển ngành làm Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, nay không còn nữa nhưng vẫn để lại đoạn video clip nói về người bạn thợ mỏ của mình hy sinh trong trận chiến đấu ấy).
Một kênh thông tin tin cậy nữa, cách đây 11 năm vào ngày 25/12/2006, tôi cùng thày trò trường THCS Nguyễn Văn Thuộc về dự lễ dâng hương nhân ngày giỗ lần thứ 60 của ông Nguyễn Văn Thuộc tại quê nhà. Nguyễn Văn Thuộc hồi ở quê tên là Nguyễn Hữu Thuộc, bố là Nguyễn Hữu Sủng, ông nội là Nguyễn Hữu Phùng. Nguyễn Hữu Thuộc sinh năm 1929, còn một người anh đốt trên là Nguyễn Hữu Quyến. Năm 16 tuổi, Nguyễn Hữu Thuộc cùng Phạm Viết Tiến chia tay quê hương ra vùng mỏ làm than, quê hương ông khi ấy là làng Lưu Gia, huyện Ngư Thiên, phủ lộ Long Hưng, nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, Thái Bình.
Đền thờ gia tộc Nguyễn Hữu ở làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, Thái Bình hàng năm vẫn dâng hương tưởng nhớ người thợ mỏ Nguyễn Hữu Thuộc hy sinh trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Nguyễn Văn Thuộc là một trong số 100 liệt sĩ của làng Lưu Xá, được tôn nhang ở miếu Lưu Gia (di tích Quốc gia). Xã Canh Tân có 6 thôn, trước đây 3 thôn mang tên 3 liệt sĩ tiêu biểu thời chống Pháp là: Nguyễn Thuộc, Trần Khang, Trần Bích; nay đã đổi tên là: Lưu Xá Đông, Lưu Xá Nam, Lưu Xá Bắc.
Miếu Lưu Gia thờ lưỡng vị Đại quan triều Lý, ở làng Lưu Xá di tích Quốc gia hiện niêm yết tên 100 liệt sĩ của làng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nguyễn Hữu Thuộc được xếp thứ 5 trong danh sách.
Ở quê, Nguyễn Văn Thuộc nay không còn anh em ruột thịt, có một người anh họ là Nguyễn Hữu Mỹ, ngày giỗ, Tết thắp hương gọi tên anh, hồn thiêng chả biết lối về hay chăng, khi tên người, tên làng, tên xã đã thay đổi. Ở đất mỏ thì anh như “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.
Ông Nguyễn Hữu Mỹ - người cháu chú cháu bác với Nguyễn Hữu Thuộc hiện nhận chế độ liệt sĩ của ông Thuộc một năm được 500 ngàn đồng để hương khói.
10 năm trước, cựu chiến binh - Trung tá Nguyễn Hữu Vị cùng anh em thân thiết liệt sĩ Nguyễn Văn Thuộc đã dày công gõ cửa cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Ninh, đề nghị trả lại danh phận cho anh, tôn vinh anh đúng với vị trí là người thợ mỏ hy sinh trong kháng chiến nhưng vẫn chưa được.
Còn tôi vụng nghĩ, có thể ngày ấy áp đặt một ý chí chính trị để đạt được mục tiêu khích lệ toàn dân, toàn diện tham gia kháng chiến, sự đã rồi cứ để vậy. Nhưng quả thà rằng không biết cho xong, những ngày kỷ niệm Toàn quốc kháng chiến, ngày thành lập quân đội nhân dân, nhất là dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7, khi thanh vắng, tôi thường như nghe tiếng người xưa vọng về, như món nợ âm dương day dứt, phải cất lên tiếng nói thay cho người vị quốc vong thân. Nên chăng Quảng Ninh cần xem xét lại có hay không sự nhầm lẫn thân phận một con người, để ngành than đón nhận hồn anh về với thợ mỏ, tôn vinh anh đúng vị thế một chiến sĩ tự vệ đầu tiên của vùng mỏ hy sinh theo lời Bác gọi “toàn quốc kháng chiến”, không thể để một di tích phó mặc cho nhà trường, mãi mỏi mòn theo thời gian như vậy được.
Bút ký Vũ Phong Cầm
Theo