(Xây dựng) - Năm học 2024-2025, là năm học thứ 3 tỉnh Quảng Ninh triển khai xây dựng 22 ngôi trường phổ thông công lập chất lượng cao; theo đó các cơ sở giáo dục phổ thông đồng loạt được chỉnh trang, mở rộng, nâng cấp… đáp ứng sự nghiệp giáo dục ở địa phương.
|
Lãnh đạo tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã kiểm tra trường sở trên địa bàn, nhắc nhở và động viên thầy trò các trường chuẩn bị tốt hành trang bước vào năm học mới 2024-2025. |
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Thúy cho biết: Năm học 2024 - 2025, Quảng Ninh có 637 cơ sở giáo dục, bao gồm: 222 trường mầm non, 156 trường tiểu học, 187 trường THCS, 58 trường THPT, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện và 1 trung tâm học nghề - giáo dục thường xuyên của tỉnh.
|
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến chỉ đạo Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường THPT Ngô Quyền Đặng Thị Thu Minh khai thác tốt hiệu quả công trình sau đầu tư, trường chất lượng cao này phục vụ sự nghiệp giáo dục ở địa phương. |
Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu và phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học gọi chung là cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ giáo dục đào tạo. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia hiện nay là 90,5%, trong đó có 4/13 địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 100% gồm các huyện: Ba Chẽ, Cô Tô, Vân Đồn, Bình Liêu; dự kiến hết năm 2024 sẽ đạt chỉ tiêu năm là 91% trở lên.
|
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiên Yên Nguyễn Thị Mây cho biết: Năm học 2024 - 2025, huyện Tiên Yên có 15.470 học sinh; hiện huyện có 522 phòng học, không còn phòng học tạm. Năm học này, Tiên Yên đã đầu tư xây mới trường Tiểu học Đông Ngũ theo tiêu chí cơ sở vật chất trường chất lượng cao; và 8 dự án sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất các trường phục vụ giảng dạy, học tập. |
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các địa phương và các Sở, ban, ngành triển khai, tổ chức thực hiện Quyết định số 3135/QĐ-UBND ngày 27/10/2022 của UBND tỉnh phê duyệt danh sách 22 trường đầu tư theo tiêu chí chất lượng cao do các địa phương đề xuất giai đoạn 2022-2025, trong đó đến đầu năm học 2024-2025 có thêm 7 trường hoàn thành và đưa vào sử dụng là các trường: Tiểu học Đông Ngũ, huyện Tiên Yên; Tiểu học xã Hạ Long, huyện Vân Đồn; THPT Uông Bí; THPT Trần Phú, thành phố Móng Cái; THPT Ngô Quyền, thành phố Hạ Long; THCS thị trấn Ba Chẽ và THCS Quảng Hà.
|
Hiệu trưởng trường THCS-THPT Hoành Mô, huyện Bình Liêu Đặng Quốc Việt nêu quyết tâm của thầy trò nhà trường, phát huy tốt hiệu quả công trình sau đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao biên giới trong sự nghiệp giáo dục ở địa phương. |
Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các địa phương đã rà soát, xác định số lượng danh mục các trang thiết bị mua sắm tập trung và các danh mục thiết bị các cơ sở giáo dục tự mua sắm, báo cáo các Sở, ban, ngành chức năng thẩm định, gửi Ban Quản lý dự án công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh tổ chức triển khai công tác mua sắm cho các lớp 5,6,10,12 theo quy định. Đối với các đơn vị trực thuộc, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phân bổ kinh phí mua sắm cho các trường là 38.735 triệu đồng. Tại các địa phương, kinh phí mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu là 166.953 triệu đồng.
|
Cô Hoàng Thị Liễu, giáo viên trường Tiểu học Đông Ngũ, huyện Tiên Yên phấn khởi cho biết, đến ngôi trường mới khang trang, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập của thầy và trò. Đây là điều kiện để trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục. |
Tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục và đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã ký hợp đồng thuê dịch vụ công nghệ thông tin Hệ thống Quản lý trường học trực tuyến tích hợp Tuyển sinh liên thông đầu cấp trực tuyến và xây dựng Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh cho tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học năm học 2023-2024, trong đó 100% các trường có cấp tiểu học có chữ ký số; gần 100% cán bộ quản lý có chữ ký số; 96,14% giáo viên có chữ ký số đáp ứng yêu cầu triển khai học bạ số.
Hình ảnh một số trường sẵn sàng bước vào năm học mới 2024-2025:
|
Trường THPT Ngô Quyền diện tích sử dụng đất 3,45ha, bao gồm các hạng mục: Xây dựng mới 2 khối nhà học cao 4 tầng (nhà học lý thuyết, nhà học bộ môn), 1 khối nhà hiệu bộ cao 4 tầng, nhà đa năng cao 1 tầng và các hạng mục phụ trợ như: Nhà để xe, sân, cổng, tường rào, nhà trực, đường giao thông nội bộ, sân tập thể chất, cây xanh… mức đầu tư 147,7 tỷ đồng. |
|
Năm học 2024-2025, huyện Bình Liêu hoàn thành xây dựng mới trường chất lượng cao THCS-THPT Hoành Mô, trường Tiểu học Tình Húc; cải tạo, nâng cấp các trường Mầm non Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại và trường Tiểu học Lục Hồn. Hình ảnh một góc trường THCS-THPT Hoành Mô. |
|
Trường THPT Bình Liêu xây dựng trên diện tích 2,69ha, bao gồm các hạng mục khu nhà học chính gồm 18 lớp học chuẩn phòng học chất lượng cao; khu nhà học bộ môn với 12 phòng học; khu nhà hiệu bộ, nhà công vụ là phòng nghỉ cho giáo viên và học sinh; nhà đa năng, sân bóng đá… Công trình tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng. |
|
Huyện Vân Đồn có 3 trường học được đầu tư xây mới gồm: Trường Tiểu học Hạ Long I, trường THCS thị trấn Cái Rồng, trường Mầm non Quan Lạn… tổng vốn đầu tư trên 280 tỷ đồng. Ảnh trường Tiểu học Hạ Long I. |
|
Trường Tiểu học Đông Ngũ, hạng mục xây dựng gồm: Nhà học lý thuyết 3 tầng + tum, diện tích xây dựng khoảng 600m2, tổng diện tích sàn khoảng 1.870m2; mỗi tầng bố trí 5 phòng học lý thuyết, phòng nghỉ giáo viên, khu vệ sinh chung… đồng bộ cấp điện, chống sét, cấp - thoát nước, internet...; lắp đặt nội thất đồ rời, trang thiết bị dạy - học. |
|
Cụm trường phổ thông của xã Kỳ Thượng, xã trên 90% là người dân tộc thiểu số, trong vùng rừng Quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Đây là địa phương xa nhất của thành phố Hạ Long. |
|
Trường Tiểu học Phương Đông B, thành phố Uông Bí rợp bóng cây, hoa nở từ ban công trên cao tới mặt đất, công trình vệ sinh công cộng sạch đẹp, tiện nghi… |