(Xây dựng) – Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao nhiệm vụ chủ đầu tư thực hiện nạo vét lòng hồ công trình đầu mối thủy lợi Thạch Nham, thuộc xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà.
Công trình đầu mối thủy lợi Thạch Nham được xây dựng từ năm 1985. |
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền vừa ký Quyết định số 19/QĐ-UBND phê duyệt Phương án kỹ thuật nạo vét cát, đất bồi lấp trong lòng hồ công trình đầu mối thủy lợi Thạch Nham. Cụ thể, diện tích nạo vét khoảng 11,15ha, chiều dài lòng sông nạo vét 665m, chiều sâu trung bình 2,3m, chiều rộng đáy bình quân 150m; phạm vi được khống chế bởi 14 điểm theo tọa độ VN2000 và thời gian tổ chức thực hiện đến hết năm 2026.
Tổng khối lượng vật chất được phép đưa lên khỏi lòng hồ là hơn 303.000m3 (khối lượng, thành phần các chất nạo vét sẽ được chuẩn xác trong quá trình khai thác, đấu giá theo quy định). Kinh phí thực hiện nạo vét hơn 30,8 tỷ đồng, được lấy từ nguồn kinh phí thu hồi cát, đất nạo vét trong lòng hồ và nguồn vốn của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi.
Khu vực được UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép nạo vét. |
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc nạo vét lòng hồ Thạch Nham xuất phát từ đề nghị của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi và đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, với mục đích giảm lượng cát, đất bồi lấp trong lòng hồ, tăng dung tích so với hiện trạng, giảm bồi lấp đất sản xuất nông nghiệp thuộc xã Sơn Nham, giảm bùn cát bồi lấp trong các tuyến kênh Thạch Nham, tăng hiệu quả lấy nước vào các cống tại đầu mối. Bên cạnh đó là kết hợp thu hồi cát, đất bồi lấp để làm vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hoặc mục đích khác, tiết kiệm ngân sách tỉnh Quảng Ngãi bố trí thực hiện nạo vét lòng hồ.
UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi với vai trò là chủ đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về thuỷ lợi, xây dựng, khoáng sản và môi trường; đảm bảo tuân thủ đầy đủ về trình tự thủ tục trong triển khai thực hiện Phương án nêu trên; tổ chức quản lý chặt chẽ các phí, thuế, chi phí theo quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các nội dung kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan để tổ chức đấu giá khối lượng nạo vét cát, đất bồi lấp theo đúng hồ sơ kỹ thuật của Phương án được phê duyệt.
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, UBND huyện Sơn Hà và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tổ chức theo dõi và kiểm tra việc triển khai thực hiện của Chủ đầu tư đảm bảo theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động nạo vét của các đơn vị có liên quan để xử lý theo thẩm quyền; khi phát hiện các yếu tố có ảnh hưởng đến an toàn công trình đầu mối Thạch Nham thì tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo theo quy định.
Việc nạo vét được thực hiện nhằm tăng dung tích hồ chứa, kết hợp thu hồi cát, đất làm vật liệu xây dựng thông qua hình thức đấu giá. |
Dự án thủy lợi Thạch Nham được người Pháp nghiên cứu từ năm 1928-1934. Tuy nhiên, sau đó đến năm 1978, Viện Khảo sát và Thiết kế Thủy lợi, nay là Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Thủy lợi Việt Nam (HEC 1) mới chính thức khảo sát, thiết kế.
Năm 1985, công trình này được Bộ Thủy lợi và tỉnh Nghĩa Bình (thời điểm chưa tách tỉnh Nghĩa Bình thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định) chính thức khởi công xây dựng. Đây là công trình trọng điểm cấp Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt đối với tỉnh Quảng Ngãi. Sau hơn 10 năm thi công, công trình được đưa vào khai thác sử dụng từng phần từ năm 1991. Đến năm 1997, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã bàn giao cho tỉnh Quảng Ngãi quản lý, sử dụng công trình này. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, vận hành công trình.
Cụm công trình đầu mối Thạch Nham gồm công trình đập dâng bê tông trọng lực dài 200m được xây dựng trên nền đá Granite, kênh chính, kênh cấp 1 dài 322.5km, kênh nhánh các cấp dài trên 950km và hơn 3.000 công trình trên kênh. Hai cống lấy nước Bắc, Nam ở hai bên thân đập tràn có lưu lượng thiết kế 55m3/s kết nối trực tiếp với hai kênh chính dẫn nước tỏa đi các huyện phía Bắc và Nam tỉnh Quảng Ngãi.
Nhiệm vụ chính của dự án gồm tạo nguồn và cấp tưới tự chảy cho 50.000ha diện tích canh tác, kết hợp cấp nước sinh hoạt và công nghiệp 1,7m3/s, vùng tưới của dự án trải dài nhiều huyện trong tỉnh Quảng Ngãi như: Bình Sơn, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ...
Lê Danh
Theo