(Xây dựng) - Nhằm sớm bàn giao mặt bằng cho Dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua tỉnh Quảng Bình, các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn đã trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng, kiểm kê tài sản trong phạm vi dự án. |
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua tỉnh Quảng Bình có tổng chiều dài 126km với 3 dự án thành phần, đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố, Quảng Bình dự kiến thu hồi gần 1.162ha đất các loại, di dời 662 hộ dân, 3.362 ngôi mộ và các công trình, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật với tổng kinh phí dành cho công tác giải phóng mặt bằng khoảng 4.475 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án 85 và Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) - chủ đầu tư 3 đoạn cao tốc, đã hoàn thành việc bàn giao mốc giải phóng mặt bằng dự án cho tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, toàn tỉnh cũng đã kiểm đếm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng đạt tỷ lệ 99,94%.
Cùng với công tác kiểm đếm thì các địa phương có tuyến cao tốc đi qua ở Quảng Bình cũng đang tiến hành lựa chọn vị trí, xây dựng 29 khu tái định cư cho người dân và 17 khu nghĩa trang.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Quảng Bình, sau khi UBND tỉnh có văn bản đồng ý chủ trương khảo sát vị trí xây dựng khu tái định cư tại 6 huyện, thị xã, thành phố thì hiện nay, đã có 4/6 địa phương trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch khu tái định cư (diện tích khu đất, số lô đất, diện tích mỗi lô, hạ tầng giao thông, kỹ thuật của khu vực xây dựng...) gồm: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn.
Trong đó, huyện Lệ Thủy 4 khu tái định cư, diện tích 14,9ha, cho 229 hộ dân; Quảng Ninh 5 khu tái định cư, diện tích 14,26ha, cho 30 hộ dân; Quảng Trạch 6 khu tái định cư, diện tích 15,34ha, cho 118 hộ dân và thị xã Ba Đồn 02 khu tái định cư, diện tích 3,06ha, cho 21 hộ dân.
Hai địa phương còn lại là thành phố Đồng Hới đang thực hiện công tác khảo sát, lập hồ sơ 1 khu tái định cư, diện tích 1,66ha và huyện Bố Trạch đang lập quy hoạch chi tiết 11 khu tái định cư, diện tích 33,9ha.
Trong quá trình lập quy hoạch khu tái định cư các địa phương đã khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân về các nội dung liên quan như vướng mắc trong việc bố trí khu tái định cư.
Cụ thể, các hộ có đất bị thu hồi thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường bằng tiền hoặc bằng đất; các hộ có diện tích bị ảnh hưởng lớn hơn 75m2 nhưng hình thể xiên xẹo, tam giác, gần cầu vượt, hầm chui, không có lối đi ra đường giao thông công cộng nên gây khó khăn khi xây dựng nhà tái định cư tại chỗ.
Căn cứ trên tờ trình của các địa phương về quy hoạch khu tái định cư, Sở Xây dựng sẽ cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan, tiến hành thẩm định. Trường hợp được phê duyệt, các địa phương sẽ bắt tay vào việc xây dựng hạ tầng khu tái định cư, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Vị trí huyện Lệ Thủy lựa chọn xây dựng khu tái định cư ở thị trấn nông trường Lệ Ninh, có giao thông thuận lợi khi nằm ngay cạnh tuyến đường 30m. |
Theo quan điểm của lãnh đạo huyện Lệ Thủy, tiêu chí trong tái định cư là nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ nên việc quy hoạch xây dựng các khu tái định cư được địa phương lựa chọn hết sức kỹ lưỡng, tổ chức họp lấy ý kiến người dân bị ảnh hưởng. Địa phương dự tính tới tháng 12 năm nay sẽ triển khai xây dựng hạ tầng 4 khu tái định cư.
Tương tự, tại huyện Bố Trạch, đang công khai phương án bồi thường tái định cư và chi trả tiền đoạn tuyến dài 13,55/31,1km, có giá trị 158,6 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Bố Trạch cho biết: Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện đã thực hiện giải ngân kinh phí giải phóng mặt bằng với giá trị 1,5 tỷ đồng/290 tỷ đồng, đạt 0,52%.
Có 249 hộ bố trí tái định cư tại các xã Liên Trạch, Cự Nẫm, Phú Định, Tây Trạch, Hòa Trạch, thị trấn Nông trường Việt Trung và 194 ngôi mộ bị ảnh hưởng phải di dời.
Nhằm kịp thời bố trí tái định cư cho người dân nằm trong diện chịu ảnh hưởng dự án, hiện UBND huyện Bố Trạch đang tiến hành đẩy nhanh các thủ tục pháp lý để sớm giao đất cho các hộ dân, cùng đó khẩn trương hỗ trợ kinh phí thuê nhà để các hộ an tâm bàn giao mặt bằng.
Để không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung, ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã yêu cầu 6 địa phương cần đẩy nhanh tiến độ, ít nhất đến 20/11/2022 phải bàn giao mặt bằng được 70%, trong đó, đất nông nghiệp bị ảnh hưởng phải được bàn giao 100%.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị các Ban Quản lý dự án thay mặt chủ đầu tư, đến thời điểm 20/11/2022 phải phê duyệt xong toàn bộ phương án đền bù nhà cửa, vật kiến trúc của người dân. Phương án phê duyệt đến đâu, cần sẵn sàng ứng kinh phí để các địa phương chi trả cho người dân thì tiến độ mới đảm bảo.
Nhất Linh
Theo