(Xây dựng) - Năm 2020, ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 và bão lũ, nhưng việc xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn thu được kết quả nhất định, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh tại Hội nghị kết nối giao thương. |
Thống kê từ Sở Công Thương Quảng Bình cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 01 trung tâm thương mại; 8 siêu thị; 1.027 cửa hàng tiện ích; 200 cửa hàng chuyên doanh; 827 cửa hàng tạp hóa, thực phẩm truyền thống và 151 chợ.
Ngành Thương mại đang vận động tích cực, đáp ứng vai trò giao thương hàng hóa, kích cầu tiêu dùng. Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2020 vẫn đạt 38.368 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2019.
Ông Lê Mậu Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh Quảng Bình cho biết: Ngay ở giai đoạn chuẩn bị bước vào năm 2020, Trung tâm đã xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại sát thực và chi tiết, bao gồm: Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh; Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (OCOP) và Chương trình hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh.
Những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, đáp ứng nhu cầu mua sắm phù hợp với thu nhập của người dân. |
Mỗi một hoạt động xúc tiến thương mại đều mang lại những kết quả rõ rệt. Cụ thể, thông qua việc tham gia hội chợ, đã hỗ trợ cho hơn 30 lượt doanh nghiệp tham gia. Các doanh nghiệp đã trực tiếp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình như: Gạo hữu cơ, rượu dược liệu từ tỏi đen, các loại cao dược liệu, tinh dầu thiên nhiên, nông sản, thủy sản, tinh dầu lạc…
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại trong việc bài trí gian hàng, trưng bày sản phẩm, tổ chức các hoạt động quảng bá, tuyên truyền trước và trong khi diễn ra sự kiện nên đã thu hút bình quân 3.000 lượt người đến tham quan, mua sắm.
Trong tháng 11/2020, Hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức Xúc tiến thương mại tại các tỉnh Khu vực Bắc Trung Bộ - Quảng Bình được tổ chức. Tại Hội nghị này, các doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình đã ký kết 25 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp, đối tác tại các tỉnh. Từ việc tham gia các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, đã hỗ trợ cho hơn 20 đơn vị tham gia.
Việc tổ chức thành công các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và miền núi thu hút đông đảo lượt người đến thăm quan, mua sắm, doanh thu bình quân 300 triệu đồng/phiên chợ. Đồng thời, giúp người dân địa phương tiếp cận và sử dụng nhiều mặt hàng do các doanh nghiệp nội địa sản xuất, phù hợp với thu nhập.
Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình nhìn nhận: Việc đẩy mạnh hoạt động giao thương góp phần nâng cao năng lực và thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà cung cấp, doanh nghiệp xuất khẩu tại tỉnh.
Tại các buổi giao thương, cán bộ ngành Công Thương được tiếp xúc, trao đổi các kinh nghiệm, từ đó tìm ra các giải pháp cụ thể, hiệu quả để góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và thiên tai bão lũ.
Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất mở rộng kênh phân phối, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa bền vững, ổn định mà trước mắt là thâm nhập vào các kênh phân phối truyền thống, hiện đại nhằm tiếp tục hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Vận hành hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử, để các doanh nghiệp có thêm cơ hội giới thiệu, cập nhật sản phẩm; bán hàng, giao hàng và thực hiện thanh toán nhanh, thuận tiện.
Nhất Linh
Theo