(Xây dựng) - Theo Sở Xây dựng Quảng Bình, với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” từ Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Chính phủ đã tạo chỗ ở an toàn cho hộ nghèo trước thiên tai và tạo động lực vươn lên thoát nghèo cho nhiều gia đình.
Căn nhà tránh lũ 02 tầng của một hộ dân từ sự trợ lực của vốn vay ưu đãi. |
Tránh lũ đi đôi với giảm nghèo
Huyện chiêm trũng Lệ Thủy và Quảng Ninh hàng năm thường bị ngập lụt nặng trong các đợt mưa kéo dài, nước lũ dâng lên nhanh nhưng lại rút đi khá chậm. Nhiều hộ dân vì thế mà trắng tay, bởi hầu hết tài sản đã bị nước cuốn trôi. Tuy vậy, ý chí của dân vùng lũ chưa bao giờ hết kiên cường, tự chủ để thích ứng với hoàn cảnh. Bởi vậy, hàng nghìn hộ gia đình an toàn, tự bảo vệ được tính mạng và tài sản nhờ nhà tránh lũ. Nhiều chủ nhà còn rộng cửa đón làng xóm vào tá túc qua những ngày mưa lũ chật vật.
Như gia đình chị Dương Thị Tình, xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy) với 15 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cộng với số vốn nhỏ dành dụm bao năm, gia đình chỉ xây được căn nhà vượt lũ theo tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng). Khi lũ về, xã chị có tới 90% hộ có nhà bị ngập trong nước, nhà ngập thấp nhất cũng cao đến 2/3 tường. Lúc này, căn nhà tránh lũ không chỉ là chỗ trú ẩn của riêng gia đình chị Dương Thị Tình, mà còn là nơi tá túc của nhiều làng xóm, đặc biệt là các cụ già và em nhỏ.
Hay căn nhà tránh lũ của hộ anh Nguyễn Hùng Dũng, xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) cũng trong tình thế tương tự, do khu đất ở địa thế cao, lại là công trình nhà vượt lũ. Khi mưa lũ xảy đến vào tháng 10/2020, số đông người dân trong các thôn của xã Tân Ninh không kịp trở tay và mất nhiều tài sản theo con nước.
Tuy vậy, nhiều láng giềng nhà anh Dũng cũng có cơ may vì đã kịp di chuyển một số phương tiện đi lại, cùng quần áo và người đến công trình nhà tránh lũ. Trong khoảng thời gian từ ngày 16-21/10/2020, các công trình tránh lũ tại xã Tân Ninh được nhiều hộ gia đình tin tưởng gửi gắm thóc lúa, tài sản và người.
Cũng như gia đình chị Tình, anh Dũng… gần 2.500 ngôi nhà vượt lũ khác ở Quảng Bình vẫn hiên ngang, kiên cố sau trận lũ lịch sử. Điều đó, đồng nghĩa với việc có ít nhất 2.500 hộ dân vẫn sống an toàn, hiên ngang trong lũ, giảm bớt áp lực tìm kiếm cứu nạn của chính quyền tỉnh.
Ông Đặng Đại Tình - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy nhìn nhận: Những căn nhà phòng, tránh lũ không chỉ giúp các hộ nghèo kiên cố hóa nhà ở, yên tâm sản xuất, xây dựng cộng đồng an toàn, góp phần chung tay xây dựng Nông thôn mới mà còn chủ động giảm nhẹ tác động của thiên tài, biến đổi khí hậu. Giảm bớt áp lực tìm kiếm cứu nạn cho các địa phương trong thiên tai năm 2020 và 2021.
Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình đề nghị UBND cấp huyện phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các chính sách. |
Văn phòng Sở Xây dựng thông tin: Đề án Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3298/QĐ-UBND ngày 18/11/2014, số hộ cần được hỗ trợ là 3.620 hộ. UBND tỉnh đã phân bổ nguồn vốn hỗ trợ cho 3.263/3.620 hộ trong Đề án, với tổng nguồn vốn hỗ trợ: 88.192,5 triệu đồng, đến nay có 3.158 hộ đã hoàn thành. Về kế hoạch thực hiện lồng ghép Chương trình 48 và Chương trình GCF trong năm 2021 sau rà soát có 151 hộ đăng ký tiếp tục thực hiện.
Sớm gỡ những “nút thắt”
Số liệu của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình cho thấy: Đến nay, tổng số hộ vay vốn xây nhà theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ đang còn dư nợ là 13.148 khách hàng với tổng dư nợ 192,91 tỷ đồng.
Năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 453 hộ vay với doanh số gần 6,8 tỷ đồng. Trong 10 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Chính sách tiếp tục giải ngân gần 2 tỷ đồng cho các hộ vay vốn xây nhà phòng tránh bão, lũ. Trong triển khai Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg, ở nhiều địa phương đã có giải pháp linh hoạt để hỗ trợ hộ nghèo.
Ông Nguyễn Văn Thục - Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết: Qua các đợt mưa lũ, có thể nhân rộng mô hình nhà chống lũ đến các hộ gia đình chưa có điều kiện xây nhà vượt lũ trong khu vực có lũ lụt. Đồng thời, Nhà nước cần xem xét nâng mức hỗ trợ xây nhà chống lũ cao hơn cho người dân. Hiện, mức hỗ trợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đang là 15 triệu đồng/căn, quá thấp so với nhu cầu để hoàn thành một ngôi nhà phòng, tránh bão, lũ. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân hơn nữa, vì hiện nay, công tác này còn triển khai rất chậm, trong khi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo UBND các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, trong thời gian tới, bên cạnh nhà tránh lũ cho hộ nghèo, chính quyền cần phát triển loại hình công trình cộng đồng có bổ sung các tính năng phòng, chống bão lụt ở các địa phương, sẵn sàng cho công tác ứng cứu và di dân số lượng lớn.
Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng Quảng Bình cho hay: Quá trình thực hiện, nhiều hộ thoát nghèo, xin rút do không có khả năng thực hiện hoặc không có nhu cầu thực hiện, phải điều chỉnh Đề án nhiều lần. Việc gắn kết về quản lý Nhà nước giữa Sở Xây dựng với các địa phương cấp huyện chưa được chặt chẽ, thiếu thường xuyên. Các địa phương còn chậm trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, làm tiến độ thực hiện và giải ngân kinh phí cho hộ nghèo còn chậm.
Nhất Linh
Theo