(Xây dựng) - Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã tác động nhiều mặt tới hoạt động của hơn 3.600 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ngoài ra, làm liên lụy tới sinh kế của trên 20.000 lao động khi bị giảm giờ làm, tạm dừng hợp đồng lao động…
Lĩnh vực xây dựng đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. |
Giải quyết việc làm cho người lao động vốn là một câu chuyện dài của Quảng Bình, khi vị trí của tỉnh chưa thu hút được những dự án đầu tư quy mô lớn để phát triển công nghiệp, chế tạo; kinh tế mũi nhọn của tỉnh là ngành Du lịch; phần lớn lao động tại địa phương còn yếu về kỹ năng, trình độ chuyên môn. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài gần 2 năm nay đã tác động nhiều mặt tới hoạt động của hơn 3.600 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và làm liên lụy tới sinh kế của trên 20.000 lao động khi bị giảm giờ làm, tạm dừng hợp đồng lao động…
Thực trạng đó khiến cho công tác giải quyết việc làm càng thêm khó khăn ở địa phương vùng Bắc Trung bộ này. Tuy vậy, với ý chí của mình, tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều biện pháp để tăng lên cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được chú trọng để giúp người lao động Quảng Bình tiếp cận những thông tin tuyển dụng mới nhất của các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động ở các huyện, xã để giới thiệu cho người lao động về các vị trí việc làm còn trống, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, ăn ở, bảo hiểm thất nghiệp và những yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trong thời gian dịch lây lan, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu trực tuyến qua website, facebook, thư điện tử và qua điện thoại.
Bà Đinh Thị Ngọc Lan - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, năm 2020 đã giải quyết việc làm cho khoảng 28.900 lao động, trong đó có 18.785 lao động làm việc trong tỉnh; 8.677 lao động làm việc ngoài tỉnh và 1.438 lao động làm việc ở các nước như Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Năm 2021, tỉnh cũng phấn đấu để mục tiêu giải quyết việc làm cho hơn 16.000 lao động địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng đã tổ chức 16 phiên giao dịch việc làm với gần 10.000 lượt người lao động được tư vấn, 2.000 lượt người được giới thiệu việc làm.
Qua thống kê đến cuối tháng 9/2021, toàn tỉnh Quảng Bình có khoảng 5.000 lao động làm việc ở các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê tránh dịch.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nguyễn Thanh Phương chia sẻ: Để giải quyết việc làm và tạo sinh kế cho số lao động này, trung tâm đã kết nối với nhiều nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh; đơn vị dịch vụ việc làm, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cả nước, nhất là ở các tỉnh khống chế thành công dịch Covid-19 và chuyển sang trạng thái bình thường mới, tìm và giới thiệu việc làm cho người lao động.
Kết quả cho thấy, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh… có nhu cầu tuyển dụng hàng chục nghìn lao động vào làm việc. Riêng tại tỉnh Quảng Bình là hơn 4.500 chỗ làm mới đang chờ đón người lao động ở quê hương. Hiện đã có gần 150 lao động vừa trở về tìm được việc làm mới ngay tại quê nhà.
Nhất Linh
Theo